Chị Hồ Thị Yến (ngụ ở xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, Bến Tre) nói: “Nước mặn bao vây khắp nơi, các ao gần nhà đã bị mặn hết, nước ở giếng khoan cũng vậy. Vì vậy, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, cứ vài ngày là gia đình tôi phải gọi điện khắp nơi, năn nỉ các xe bồn chở nước ngọt đến và chấp nhận mua với giá khoảng 100.000 đồng/m3”.
Theo chị Yến và một số người dân sống lân cận, mặc dù nước ngọt được mua giá cao nhưng chưa phải là nước sạch bởi theo ngành chức năng, nguồn nước này được lấy ở độ sâu chỉ 5-6m, có chứa nhiều kim loại nặng, nguy hiểm đến sức khoẻ.
Người dân Bến Tre kéo xe đi mua nước. |
Ngoài việc sử dụng loại nước trên, phần lớn người dân ở huyện Ba Tri, Bình Đại, Giồng Trôm… phải sử dụng nước nhiễm mặn (độ mặn khoảng 1‰, người dân gọi là nước thô) trong sinh hoạt thông qua hệ thống cung cấp nước từ đập Ba Lai. Theo ngành nông nghiệp các địa phương, đập Ba Lai là nơi cung cấp nước chính cho nhiều địa phương giáp biển trong tỉnh Bến Tre, nhưng do nguồn nước nơi đây luôn bị nhiễm mặn nên người dân phải “bó bụng” sử dụng loại nước này.
Theo ghi nhận của phóng viên tại xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại (Bến Tre), nguồn nước thô thường bị đục, người dân chỉ sử dụng để tắm. “Những việc như rửa rau, nấu cơm phải sử dụng nguồn nước mưa rửa, không sử dụng nước thô này được. Tuy nhiên, tôi rất lo lắng vì nguồn nước mưa dự trữ trong 25 lu của gia đình đã gần hết” – bà Nguyễn Thị Oanh, ngụ ở ấp Bình Thạnh B, xã Thạnh Trị, cho biết.
Tại tỉnh Cà Mau, hàng nghìn người dân ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình cũng đang gồng mình chống khát. Bà con cho biết vào mùa khô nước ngọt ở đây được xem như vàng. “Các năm trước khi vào mùa khô, vùng này cũng thiếu nước nhưng không đến nỗi như năm nay” - ông Trịnh Văn Út (66 tuổi, ở ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch) nói.
Vùng U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), hàng ngàn hộ dân ở các xã thuộc huyện An Minh đang khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt. Ngành nông nghiệp tỉnh này cho biết, thiếu nước ngọt trầm trọng nhất là ở các xã đảo thuộc huyện Kiên Hải. Nguyên nhân là do phần lớn các hộ dân sống dựa vào các giếng nước tự đào ở 2 xã An Sơn và Nam Du. Nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua khiến nguồn nước tại các giếng đang dần cạn kiệt. “Chúng tôi đang cần khoảng 50 tỷ đồng để tập trung xây hồ chứa phục vụ cho nước sinh hoạt và 1 phần cho sản xuất ở vùng U Minh Thượng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có nguồn” - ông Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho biết.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.