Nhờ việc phê chuẩn Tu chính án thứ 23 vào năm 1961, Washington DC trở thành nơi duy nhất không phải tiểu bang nhưng được phép bầu tổng thống.
Tu chính án thứ 23 đã trao cho Đặc khu Columbia tỷ lệ đại cử tri tương đương với số dân (giống như các tiểu bang) nhưng giới hạn số đại cử tri không được nhiều hơn tiểu bang ít dân nhất.
Như vậy, kể từ năm 1964, Đặc khu Columbia có 3 phiếu đại cử tri và con số này đến giờ vẫn không thay đổi.
Ngày 3/11/1964 là một kỷ niệm đáng nhớ đối với người dân thủ đô nước Mỹ, một phần vì Hiến pháp được sửa đổi là bước tiến quan trọng hướng tới quyền bình đẳng chính trị cho họ, phần khác vì bản thân sự cải thiện này đến nay vẫn còn dang dở.
Đặc khu không được bầu tổng thống
Từ năm 1776 đến 1800, New York và sau đó là Philadelphia được xem như trung tâm hành chính tạm thời của nước Mỹ non trẻ. Năm 1790, Quốc hội đã thông qua một đạo luật cho phép Tổng thống George Washington lựa chọn vị trí cố định của thủ đô.
Ông đã chọn một vùng đầm lầy kém phát triển trên sông Potomac, giữa Maryland và Virginia và gọi nó là thành phố liên bang. Các ủy viên giám sát quy trình phát triển của thành phố mới đã đặt tên cho nó là Washington để tôn vinh vị tổng thống.
Để bảo vệ sự độc lập của thủ đô khỏi tình hình chính trị ở các bang, những người lập quốc đã quy định tại Hiến pháp rằng hạt liên bang sẽ được đặt dưới thẩm quyền của Quốc hội, từ đó chấm dứt quyền bầu cử của cư dân nơi đây từ năm 1801.
Việc thông qua Tu chính án thứ 23 năm 1961 đã cho phép công dân thủ đô có quyền bỏ phiếu bầu tổng tư lệnh và phó tổng thống. 6 ngày trước khi Tu chính án thứ 23 được phê chuẩn, New York Times nhận định: “Sau 161 năm, các công dân không được bỏ phiếu của Đặc khu Columbia được kỳ vọng sẽ có quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống vào tuần tới”.
Phần lớn cư dân Đặc khu Columbia là những người Mỹ gốc Phi và họ thường bỏ phiếu áp đảo cho các ứng viên đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử tổng thống.
Họ đã góp phần giúp ứng viên đảng Dân chủ Lyndon Johnson đánh bại ứng viên đảng Cộng hòa Barry Goldwater trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1964. Kể từ đó đến nay, các phiếu bầu của khu vực này đều dành cho các ứng viên của đảng Dân chủ.
Kể từ khi được thành lập, Đặc khu Columbia dường như luôn phải vật lộn để thoát khỏi sự kiểm soát của Quốc hội. Cử tri không thể tham gia bất kỳ hoạt động bỏ phiếu nào trong cuộc bầu cử tổng thống cho đến khi Tu chính án thứ 23 được phê chuẩn. Ngay cả các lãnh đạo thành phố cũng do tổng thống chỉ định.
Sau các hoạt động vận động hành lang kiên trì của người dân, các nhà lập pháp đã thông qua Đạo luật Tự Trị năm 1973, cho phép các cử tri trực tiếp bầu ra thị trưởng và hội đồng thành phố.
Tuy nhiên, Quốc hội vẫn nắm quyền kiểm soát nghiêm ngặt đối với ngân sách và luật pháp địa phương. Ví dụ, những người làm việc nhưng không sinh sống ở thủ đô vẫn phải đóng thuế thu nhập hay các tòa nhà không được xây cao hơn mái vòm của Điện Capitol.
Tu chính án thứ 23 được Quốc hội phê duyệt vào tháng 6/1960 và được các tiểu bang phê chuẩn chỉ trong vòng 9 tháng. Nó đã được ủng hộ ở khắp nơi, ngoại trừ miền nam, nơi chỉ có Tennessee là tiểu bang duy nhất đồng ý phê chuẩn.
Times giải thích rằng các nhà lãnh đạo miền nam lo sợ "54% dân số người da màu của Đặc khu sẽ làm giảm quyền lực chính trị áp đảo của miền nam trong các hội nghị quốc gia."
Dù được phép tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống, người dân ở thủ đô Washington DC vẫn không có tiếng nói trong Quốc hội.
Năm 1978, Quốc hội Mỹ đã thông qua Tu chính án về Quyền Bầu cử của Đặc khu Columbia để khu vực này "được đối xử như một tiểu bang" với quyền đại diện đầy đủ trong Quốc hội. Vì chỉ được 16 tiểu bang phê duyệt, dự thảo này đã bị bãi bỏ. Đặc khu Columbia vẫn chỉ có một đại biểu không có quyền bầu cử trong Hạ viện kể từ năm 1971.
Cho dù là công dân Mỹ, nộp các loại thuế liên bang hay thậm chí phục vụ trong quân đội, người dân thủ đô nước Mỹ gần như không tồn tại trong Quốc hội. Lập luận chống lại quyền lợi này rất đơn giản: Đặc khu Columbia không phải là một tiểu bang, cũng như lá cờ của nước Mỹ chỉ có 50 ngôi sao. Công nhận điều ngược lại tức là vi hiến.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, dân số hiện tại của Đặc khu Columbia vào khoảng 600.000 người, đông hơn bang nhỏ nhất của nước Mỹ là Wyoming nhưng quyền lợi chính trị của họ vẫn không được cải thiện.
Theo Kate Masur, giảng viên khoa lịch sử tại Đại học Northwestern, một trong những vấn đề gây ra tình trạng này là sự thờ ơ. Hầu hết người Mỹ không biết đến tình trạng bất thường ở thủ đô hay dòng chữ “Taxation Without Representation” (Tạm dịch: “Đóng thuế mà không có đại biểu”) được viết trên các biển số xe để phản đối.
Một vấn đề khác chính là chủng tộc. Nửa thế kỷ sau bình minh của kỷ nguyên dân quyền, nhiều người Mỹ vẫn cảm thấy khó khăn khi nhìn những người Mỹ gốc Phi được hưởng các quyền công dân giống như người da trắng.
Đối với những cư dân ở nơi từng được gọi là “Thành phố Chocolate” vì số lượng người da màu đông đảo, thái độ này là một trở ngại đáng buồn trên con đường hướng tới quyền bình đẳng của họ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.