Đăng kiểm ô tô được các nước tiến hành thế nào?

Giao thông toàn cầu 19/03/2023 06:13

Việc kiểm định phương tiện tại mỗi nước có thể theo các mốc thời gian khác nhau, thường từ hai đến ba năm hoặc định kỳ hàng năm.


Đăng kiểm ô tô tại nhiều nước trên thế giới đều được thực hiện với mục đích đảm bảo phương tiện đạt các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, khí thải... Việc quy định kiểm định phương tiện tại mỗi nước có thể theo các mốc thời gian khác nhau, thường từ hai đến ba năm hoặc định kỳ hàng năm tùy theo quy định của mỗi nước mà chủ phương tiện giao thông sẽ phải đưa xe đi đăng kiểm định kỳ.

Đăng kiểm phương tiện được các nước tiến hành thế nào? - Ảnh 1.

Quy trình đăng kiểm phương tiện ô tô tại Nhật Bản

Nhật Bản: Chú trọng kiểm tra khí thải

Quy trình đăng kiểm, kiểm định phương tiện tại Nhật Bản còn được gọi là "Shaken", là đợt kiểm tra toàn diện, bắt buộc các phương tiện tại nước này phải được kiểm định 2 năm một lần. Đối với chủ phương tiện, trước khi đi đăng kiểm, xe được khuyến khích chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và đặt lịch trước. Ngoài ra, quy trình này cũng cần chủ xe thanh toán phí bảo hiểm, phí đóng dấu, thuế trọng lượng xe và các phí khác.

Hệ thống kiểm định ngoài việc kiểm tra độ an toàn và khí thải của phương tiện còn để xác định xe còn đảm bảo hợp pháp lưu hành hay không. Nếu các xe đã được thay đổi và không đạt tiêu chuẩn sẽ bị dán một tem đỏ với chữ màu vàng kèm ngày được xác định không phù hợp tham gia giao thông. Một trong những phần quan trọng nhất là kiểm tra khí thải, nhằm đảm bảo liệu có khí độc hại nào phát ra từ ô tô hay không. Phương tiện phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải do luật pháp Nhật Bản đưa ra, nếu không sẽ trượt toàn bộ quá trình đăng kiểm.

Trong khi tiến hành quy trình kiểm định, kiểm định viên sẽ đưa một đầu dò vào ống xả của xe khi động cơ đang nổ máy. Từ đó, đầu dò sẽ xác định lượng carbon thải ra từ ống xả. Tiếp theo, các đăng kiểm viên sẽ kiểm tra phần nội, ngoại thất xe với thân xe, lớp sơn, kính, bộ phận điện tử như cần gạt nước, đèn, còi... Xe được kiểm tra độ thẳng bánh xe với việc thử lái xe trên hai vạch kẻ; kiểm định viên sẽ kiểm tra liệu xe có bị lệch khi lái hay không...

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng khi kiểm định phương tiện sẽ kiểm tra ngoại thất nhằm đảm bảo những thay đổi, hay cụ thể là các phụ kiện độ thêm, không ảnh hưởng khiến xe tăng kích thước, như cánh gió sau không rộng hơn bề ngang đuôi xe hay ống xả không được nhô ra khỏi thân xe. Ngoài việc phụ kiện độ thêm không làm tăng kích thước xe thì việc thay đổi vị trí các thiết bị là được phép, như ống xả có thể được đặt sang hai bên thân xe thay vì phía sau.

Một trong những yêu cầu bắt buộc mà các phương tiện phải tuân thủ, đó là nếu trước đó chủ xe chưa nộp phạt vi phạm giao thông thì sẽ bị từ chối đăng kiểm và cũng sẽ không có chứng nhận ngay cả khi vượt qua bài kiểm tra. Tại Nhật Bản cũng quy định các chủ phương tiện yêu cầu gara hoặc đại lý xe hơi tiến hành kiểm định ô tô thay cho họ. Các cơ sở này sẽ đưa ra ước tính chi phí trước, bao gồm cả phí bảo dưỡng và phí đại lý ngoài các khoản phí bắt buộc theo luật (phí thủ tục giấy tờ, bảo hiểm xe bắt buộc, thuế trọng lượng xe và phí kiểm định). Nếu chủ xe tự làm các thủ tục tại các trung tâm đăng kiểm thì chi phí sẽ rẻ hơn.

Đăng kiểm xe tại Mỹ

Đăng kiểm xe tại Mỹ

Mỹ: Quy định đăng kiểm thay đổi theo từng bang

Tại Mỹ, các bang có thể ban hành những quy định khác nhau về đăng kiểm xe cơ giới. Song, về cơ bản, chúng được phân chia theo 4 tiêu chí gồm kiểm tra an toàn định kỳ; kiểm tra an toàn trước khi bán xe, sang tên; kiểm tra an toàn tại thời điểm đưa phương tiện từ nơi khác đến địa phương và kiểm tra khí thải định kỳ.

Hiện có 15 bang yêu cầu kiểm tra an toàn hàng năm hoặc 2 năm một lần. Maryland và Alabama yêu cầu kiểm tra an toàn trước khi chuyển nhượng/sang tên xe. Nebraska và Kentucky đòi hỏi chủ xe kiểm tra an toàn khi mang phương tiện từ địa phương khác đến. Tổng cộng có 31 bang yêu cầu kiểm tra khí thải định kỳ.

Quá trình kiểm định thường mất ít nhất 1 giờ tại cơ sở thuộc Cơ quan Quản lý các phương tiện cơ giới (DMV). Song, nếu đó là cuộc kiểm tra theo yêu cầu của bang tại một trung tâm bảo hành được ủy quyền, bạn có thể phải đợi lâu hơn mới đến lượt mình.

Hàn Quốc: Đảm bảo ngưỡng an toàn phương tiện

Pháp luật Hàn Quốc quy định bắt buộc phương tiện đăng kiểm 2 năm một lần, xe 12 chỗ là 6 tháng. Chính phủ Hàn Quốc quy định cơ quan chuyên ngành kiểm định chất lượng xe. Tại các thành phố sẽ có một hoặc nhiều trung tâm đăng kiểm. Quy trình đăng kiểm sẽ bao gồm việc kiểm tra toàn bộ máy móc trong và ngoài xe xem có đạt chuẩn không, chỗ nào chưa tốt, chưa đảm bảo thì chủ xe phải sửa và khắc phục ngay để đảm bảo an toàn cho người lái và người tham gia giao thông.

Quá trình đăng kiểm không quá khắt khe, nếu đạt yêu cầu thì được cấp giấy phép kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Trường hợp xe không đạt yêu cầu thì chủ xe phải đi sửa, khi nào đạt yêu cầu thì được cấp phép lưu hành. Mục đích quan trọng nhất của đăng kiểm tại đất nước "kim chi" là kiểm tra mức độ và ngưỡng an toàn phương tiện vận tải, từ đó góp phần giảm thiệt hại rủi ro khi lưu thông trên đường.

Vương quốc Anh: Xe trượt đăng kiểm được giữ lại trung tâm để sửa chữa

Pháp luật của Vương quốc Anh quy định các phương tiện từ 3 năm sử dụng trở lên phải kiểm tra định kỳ hàng năm, cả về an toàn và khí thải. Quá trình kiểm định hạng mục chi tiết gồm ống xả và khí thải, dây an toàn, hệ thống lái, kính chắn gió, gài nắp ca-pô, còi, biển số, đèn, phanh, lốp và vành, gương chiếu hậu, cửa, ghế, hệ thống treo, hệ thống nhiên liệu, thân xe và kết cấu, ắc-quy và hệ thống điện...

Quá trình kiểm tra, nếu phương tiện nào trượt đăng kiểm và xe vẫn ở lại chính trung tâm đăng kiểm để sửa chữa sau khi bị đánh trượt sẽ được miễn phí một phần trong lần kiểm tra lại trong vòng 10 ngày làm việc sau đó. Sau 10 ngày, việc đăng kiểm lại sẽ bị tính phí toàn bộ.