Đăng kiểm Việt Nam 50 năm xây dựng và phát triển

Bạn đọc 25/04/2014 15:59

Đứng trước những đòi hỏi an toàn kỹ thuật của các loại phương tiện, thiết bị giao thông vận tải, ngày 25/4/1964, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ký Quyết định số 345-TL thành lập Ty Đăng kiểm trực thuộc Bộ Giao thông vận tải. Đó là sự khởi đầu, là dấu mốc quan trọng để tạo dựng nên ngành Đăng kiểm Việt Nam. Sau năm 50 năm xây dựng và lớn mạnh cùng đất, Ngành từng bước khẳng định tầm quan trọng của mình, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập sâu rộng vào hoạt động đăng kiểm quốc tế.


Góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ

Ty Đăng kiểm ra đời vào thời điểm cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân cả nước chống đế quốc Mỹ xâm lược, cũng là những năm tháng hào hùng và oanh liệt của cuộc chiến tranh vĩ đại bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong khó khăn và thử thách đó, hoạt động đăng kiểm không những không bị đình trệ, đứt đoạn mà luôn luôn có được những bước mở rộng, trưởng thành. Lực lượng cán bộ được bổ sung tăng cường từ 23 người năm 1964 lên 42 người năm 1966, 86 người năm 1970 và 93 người vào năm 1974, trong đó có tới 79 người là cán bộ chuyên môn, kỹ thuật. Nhiệm vụ quản lý an toàn kỹ thuật các phương tiện vận tải đường thuỷ được triển khai trên hầu khắp các địa bàn của miền Bắc. Từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh mở rộng ra tới các vùng Tây Bắc, Việt Bắc và khu IV, với các chi nhánh hoạt động tại Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và Vinh.

Ở buổi ban đầu, Ty Đăng kiểm vẫn ý thức được và dành nhiều công sức để tạo dựng nên mô hình hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ có tính chuyên nghiệp. Ngay khi ra đời, Ty Đăng kiểm đã tập trung xây dựng cơ sở pháp lý, đặc biệt là hệ thống tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm được biên soạn và đưa vào áp dụng như Tiêu chuẩn Thử kín nước vỏ tàu, Tiêu chuẩn xích neo, các Quy trình kiểm tra kỹ thuật tàu và sà lan. Đặc biệt, năm 1970 – 1971, bộ Quy phạm Đóng tàu biển và tàu sông đầu tiên của Việt Nam đã ra đời trên cơ sở tham khảo Quy phạm tàu sông của Trung Quốc, Quy phạm Phân cấp và đóng tàu biển của Ba Lan và Liên Xô cũ.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Đăng kiểm Việt Nam cần phải được tăng cường cả về lực lượng, cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp và đặc biệt là về cơ sở và vị trí pháp lý. Chính vì vậy, ngày 19/7/1979, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ký Quyết định số 267/CP chuyển Ty Đăng kiểm thành Cục Đăng kiểm Việt Nam; với nhiệm vụ: “Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan chịu trách nhiệm đăng ký và kiểm tra kỹ thuật an toàn, đo dung tích tàu và xác định phân cấp tàu thuỷ; đăng ký và kiểm tra kỹ thuật an toàn nồi hơi và bình chịu áp lực sử dụng trong giao thông vận tải. Đây là quyết định lịch sử để Đăng kiểm Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển mới với tầm vóc mới, trách nhiệm và nghĩa vụ đầy trọng trách.

Cúng đất nước đổi mới, hội nhập quốc tế

Sau khi đất nước thống nhất, non sông thu về một dải, Ty Đăng kiểm được giao nhiệm vụ khẩn trương tổ chức mạng lưới đăng kiểm trong cả nước. Trong cuộc trường chinh Nam tiến ngày ấy, có những cán bộ Đăng kiểm vốn là con em miền Nam được đào tạo, lớn lên và trưởng thành trên đất Bắc kịp thời được điều động trở lại quê hương với sứ mạng tiếp quản công tác Đăng kiểm của chính quyền cũ, thành lập Ty Đăng kiểm miền Nam Việt Nam. Sau hơn một năm hoạt động, Tổ chức này được sáp nhập chung vào Ty Đăng kiểm, kể từ đó hoạt động đăng kiểm được chỉ đạo, được triển khai thống nhất trên phạm vi cả nước.

Giai đoạn này, hợp tác quốc tế không ngừng được mở rộng, ngày 10 tháng 6 năm 1981, nước CHXHCN Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định Liên Chính phủ giữa các nước thành viên Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) về hoạt động Đăng kiểm. Kể từ đó Cục Đăng kiểm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Đăng kiểm các nước XHCN (OTNK). Với sự chủ động đề xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam, được sự phối kết hợp của các cơ quan hữu quan, Chính phủ đã chấp thuận đề nghị của Bộ GTVT về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), và ngày 12 tháng 6 năm 1984, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 126 của Tổ chức này.

Bước vào thời kỳ đổi mới và mở cửa, nền kinh tế quốc dân khởi sắc và không ngừng tăng trưởng, giao thông vận tải phát triển mạnh mẽ. Hoạt động đăng kiểm, vì vậy, đã được đặt ra với những đòi hỏi to lớn và sâu rộng hơn nhiều so với những thời kỳ trước đó. Năm 1992, Chính phủ và Bộ GTVT giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam một nhiệm vụ quan trọng là kiểm tra và chứng nhận về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các công trình thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu khí biển. Cho đến nay, 178 giàn khoan dầu, kho chứa nổi, hệ thống đường ống dẫn dầu, khí, phao neo đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá và chứng nhận hoạt động an toàn, hiệu quả.

Năm 1995, Chính phủ ban hành đồng thời ba nghị định: Nghị định số 36/CP, 39/CP và 40/CP về việc lập lại trật tự và an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Căn cứ vào các nghị định trên, Bộ trưởng Bộ GTVT đã giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức thực hiện việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện tham gia giao thông. Chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1995, 75 trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trên cả nước đã đi vào hoạt động. Đây thực sự là cuộc ra quân đầy khí thế nhằm thực hiện một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Trước những đòi hỏi về đảm bao an toàn đường sắt, năm 2003, Bộ GTVT giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức công tác đăng kiểm phương tiện vận tải đường sắt. Từ đó đến nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đảm nhận việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại phương tiện thiết bị giao thông vận tải đường sắt. Hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang bắt tay triển khai thực hiện một số nhiệm vụ mới là đánh giá an toàn hệ thống đường sắt đô thị và đường sắt cao tốc.

 Bên cạnh đó, từ ngày 01/01/2013, Cục Đăng kiểm Việt Nam được Chính phủ và Bộ GTVT tin tưởng giao nhiệm vụ tổ chức thu phí bảo trì đường bộ đối với ô tô. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Cục đã nỗ lực tập trung việc xây dựng mạng lưới, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị… để thực hiện công tác này một cách khoa học, bài bản, không gây ách tắc cho sản xuất. Thông qua các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trong cả nước, Quỹ bảo trì đường bộ đã thu được hơn 5,5 nghìn tỷ đồng.

Công tác xây dựng pháp luật được quan tâm, ngoài hệ thống pháp luật và công ước quốc tế liên quan, hoạt động của Cục Đăng kiểm Việt Nam được tiến hành dựa trên một hệ thống văn bản pháp quy, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cùng với một hệ thống trên 100 quy chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công tác kiểm tra, đánh giá và chứng nhận đối với tàu biển, tàu sông, ô tô, xe máy, tàu hỏa, thiết bị công trình, nồi hơi, bình chịu áp lực, thiết bị nâng, container dùng trong giao thông vận tải và các công trình thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí biển; và hệ thống quản lý chất lượng, quản lý môi trường GTVT, quản lý an toàn hàng hải, quản lý an ninh hàng hải, và quản lý lao động hàng hải. Toàn bộ hệ thống quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn nghiệp vụ được Cục Đăng kiểm Việt Nam sử dụng tương đương với các hệ thống của Hiệp hội Đăng kiểm OTHK, Hiệp hội Đăng kiểm Quốc tế (IACS), Hiệp hội Đăng kiểm châu Á (ACS), Hiệp hội Đăng kiểm ô tô quốc tế (CITA), của các nước liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Cho đến nay, Cục thiết lập mối quan hệ chặt chẽ và tích cực tham gia các hoạt động trong các tổ chức quốc tế liên quan đăng kiểm như IMO, ILO, OTNK, IACS, ACS, CITA… Một điểm nổi bật là Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ký thoả thuận hợp tác và thay thế lẫn nhau với 23 tổ chức đăng kiểm hàng đầu quốc tế, trong đó bao gồm 12 thành viên chính thức của IACS, là các tổ chức đăng kiểm mạnh nhất toàn cầu. Các Tổ chức đăng kiểm lớn như LR, ABS, DnV, GL, NK, KR, RINA, BV… đều có sự hợp tác chặt chẽ với Cục Đăng kiểm Việt Nam trong hoạt động phân cấp tàu biển/công trình dầu khí biển tại Việt Nam, rất nhiều công việc của các tổ chức này do đăng kiểm viên của chúng ta đảm nhiệm. Cục Đăng kiểm Việt Nam là thành viên sáng lập của Hiệp hội các tổ chức Đăng kiểm châu Á (ACS). Năm 2013, Cục đã làm rất tốt vai trò chủ tịch ACS, được các thành viên đánh giá rất cao.

 Để chuẩn hóa trong công tác đăng kiểm, nang cao chất lượng chuyên môn, tháng 4 năm 2000, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế BVQI đánh giá và cấp chứng chỉ ISO 9001. Đây là một trong những cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên của cả nước được cấp chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng. Đó là thước đo nói lên trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nề nếp, phong cách làm việc hiện đại và cách thức tổ chức điều hành công việc tiên tiến của toàn Ngành Đăng kiểm.

Trong những năm qua, các phương tiện, thiết bị giao thông vận tải và các công trình dầu khí biển Việt Nam phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, vì thế công tác đăng kiểm cũng đòi hỏi phải nâng lên tầm cao mới. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chủ động đào tạo nâng cao cho đội ngũ đăng kiểm viên, đáp ứng được việc kiểm tra các phương tiện chuyên dụng, các công trình có kích thước rất lớn như tàu dầu trên 100.000 tấn, tàu chứa dầu 150.000 tấn, dàn khoan với độ sâu nước đến 120 m, tàu chở khí hoá lỏng, tàu chở hoá chất, tàu chở hàng rời, tàu chở container, tàu chở khách, các loại ô tô và đầu máy, toa xe hiện đại, các phương tiện chuyên dùng hiện đại và phức tạp… Các phương tiện giao thông vận tải và các công trình dầu khí biển Việt Nam luôn hoạt động an toàn, hiệu quả, rất ít xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng trong suốt những năm qua một phần là kết quả của công tác quản lý, giám sát kỹ thuật chặt chẽ. Bên cạnh hoạt động kiểm tra, phân cấp, chứng nhận tàu biển và công trình dầu khí biển Việt Nam, VR đang xúc tiến việc mở rộng phân cấp các phương tiện của nước ngoài. Trong đội tàu biển mang cấp của VR hiện nay đã có 72 tàu treo cờ các nước LB Nga, Panama, Belize, Mông Cổ, Campuchia, Tuvalu và Kiribati.

50 năm qua, với quyết tâm phấn đấu và nỗ lực, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã trải qua một chặng đường vẻ vang, xây dựng và trưởng thành. Nhờ có những thành tích trong thực thi nhiệm vụ được giao, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, trong đó có Huân chương Lao động hạng Ba năm 1994; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1999; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2004 và Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2009. Và trong dịp kỷ niệm 50 năm tới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Hai.

Có được những thành quả trên đây trước hết là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là Bộ GTVT, với những lao động bền bỉ chuyên cần, sáng tạo của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, người lao động trong toàn Cục Đăng kiểm Việt Nam. Sự hợp tác giúp đỡ của các Hiệp hội Đăng kiểm như OTHK, IACS, ACS, CITA; của các tổ chức đăng kiểm quốc tế; cũng như của Chính phủ nhiều nước đã tin cậy uỷ quyền thực hiện công tác kiểm tra, chứng nhận an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho phương tiện, thiết bị giao thông vận tải.

Ý kiến của bạn

Bình luận