Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+) |
Thông tin này vừa được đại diện Bộ Tài chính đưa ra chiều 15/3 sau khi có những thông tin về việc doanh nghiệp xăng, dầu lãi hàng nghỉn tỷ đồng vì thuế nhập khẩu xăng, dầu thực tế tại một số nước hiện thấp hơn nhiều mức thuế trong công thức giá của Việt Nam.
Dẫn lại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, đại diện Bộ Tài chính cho hay, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là giá để làm căn cứ điều hành giá xăng dầu trong nước, trong đó thuế nhập khẩu để tính giá được căn cứ vào thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN).
Tuy nhiên, theo đại diện ngành tài chính, theo xu hướng hội nhập, có nhiều mức thuế như MFN (Quy chế tối huệ quốc), thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) hay các hiệp định thương mại tự do khác.
"Do vậy, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong giá cơ sở, nếu áp dụng các mức thuế khác nhau," đại diện Bộ Tài chính cho hay.
Theo đó, đại diện cơ quan này khẳng định sẽ phối hợp Bộ Công Thương để có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới. Trước mắt, để tránh gian lận thương mại trong khâu nhập khẩu với các mức thuế khác nhau, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã giao cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra khâu nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là đối với các lô hàng có C/O từ các nước ASEAN, Hàn Quốc,...
Trước đó, theo cam kết hội nhập Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam áp dụng từ năm 2015 với dầu diesel và madut là 5% và từ 1/1/2016 là 0%. Ngoài ra, từ đầu năm nay, thuế nhập dầu diesel từ Hàn Quốc về Việt Nam cũng giảm về 5%, thuế xăng về 10%.
Trong khi đó, theo thông tư của Liên Bộ Công Thương-Tài chính, hiện tại, giá cơ sở vẫn được tính dựa trên thuế suất nhập khẩu là 20% với xăng, 10% với dầu diesel và madut là 10% (cao hơn thuế nhập khẩu từ một số nước từ 5-10%)./
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.