Đằng sau vinh quang nghề báo

Tác giả: Phương Dương

saosaosaosaosao
Xã hội 21/06/2016 05:49

Ở các nước trên thế giới, việc nhà báo bị hành hung, bắt cóc hay giết hại xảy ra không phải là điều hiếm gặp, khiến dư luận rúng động. Có không ít trường hợp nhà báo gặp nạn ngay trước mặt cơ quan chức năng nhưng không được bảo vệ kịp thời dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Thậm chí, sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng không tìm ra hung thủ gây án. Chính vì vậy, nghề làm báo được xếp vào danh sách những nghề nghiệp nguy hiểm.

nha-bao-3a

NHIỀU NHÀ BÁO BỊ BẮT CÓC VÀ HÀNH QUYẾT

Theo số liệu thống kê, tổng cộng 110 nhà báo bị sát hại trên thế giới trong năm 2015. Đa số các trường hợp nhà báo gặp nạn khi tác nghiệp ở các nước không xảy ra chiến tranh loạn lạc. Trong số đó, 67 nhà báo chuyên nghiệp bị sát hại khi tác nghiệp, 43 nhà báo chết trong những tình huống không rõ ràng và có nhiều nghi vấn. Ngoài ra, còn có 27 “nhà báo - công dân” không chuyên và 7 nhân viên truyền thông thiệt mạng.

Số lượng nhà báo thiệt mạng trong năm 2015 so với năm 2014 có nhiều sự khác biệt. Cụ thể, năm 2014, 2/3 số nhà báo thiệt mạng bị giết ở các vùng chiến sự. Tuy nhiên, năm 2015 có 2/3 số nhà báo trên bị sát hại ở các quốc gia không có chiến tranh. Năm 2015 cũng ghi nhận 54 nhà báo bị bắt làm con tin, trong đó 26 trường hợp ở Syria. Iraq và Syria được đánh giá là 2 “tử địa” đối với nhà báo khi là nơi nguy hiểm nhất đối với các nhà báo, phóng viên tác nghiệp. Rất nhiều nhà báo thiệt mạng khi tác nghiệp ở Iraq và Syria.

Điển hình nhất là vào tháng 01/2015, thế giới rúng động trước tin nhà báo Kenji Goto của Nhật Bản và nhà thầu tư nhân Haruna Yukawa bị bắt cóc. Theo đó, Yukawa bị bắt cóc ở ngoại ô Aleppo, Syria hồi tháng 8/2014 và sau đó bị “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) giết hại. Còn việc nhà báo Goto bị mất tích được mọi người biết đến sau khi các tay súng IS công bố đoạn video mà trong đó, Goto cùng với Yukawa mặc bộ đồ màu cam và bị IS dọa hành quyết.

Vào thời điểm đó, IS tuyên bố sẽ hành quyết 2 công dân Nhật Bản bị bắt làm con tin nếu Tokyo không trao khoản tiền chuộc trị giá 200 triệu USD. Ngay sau khi nhận được thông tin, Chính quyền Nhật Bản nhanh chóng liên lạc với các tay súng nhưng gặp không ít khó khăn. Nhật Bản chủ yếu chỉ dựa vào những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ hay lãnh đạo tôn giáo địa phương để liên lạc với những tay súng trên trong nỗ lực giải cứu nhà báo Kenji Goto.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 02/2015, IS tung video hành quyết nhà báo Kenji Goto khiến người dân Nhật Bản và dư luận thế giới không khỏi bị sốc. Đây không phải là lần đầu tiên IS sát hại nhà báo phương Tây. Trước đó, năm 2014, IS giết 2 nhà báo James Foley (người Mỹ) và Steven Sotloff (người Mỹ gốc Israel) gây xôn xao dư luận.

Có thể thấy rằng, các nhà báo đang dần trở thành mục tiêu mới của những kẻ khủng bố. Nếu như trước kia, những phần tử Hồi giáo cực đoan chủ yếu chỉ hoạt động ở các nước đang bị tàn phá bởi mâu thuẫn nội bộ, thì nay, chúng đã mở rộng các vụ tấn công ra toàn thế giới. Vụ sát hại 11 nhà báo của tạp chí Châm biếm Charlie Hebdo tại Thủ đô Paris (Pháp) trong tháng 01/2015 đã đánh dấu sự thay đổi trong mối đe dọa ngày càng leo thang đó. Sau đó là hàng loạt thách thức đặt ra với các nhà báo tác nghiệp ở Syria khi lực lượng Hồi giáo cực đoan bắt cóc họ để đòi tiền chuộc. Những cái đầu của các nhà báo bị đem ra trao đổi với số tiền khá lớn. Đây là mối đe dọa tương đối mới mẻ và dẫn đến cái chết của một số nhà báo.

nghe bao
PV tác nghiệp tại chiến trường Syria

KÊU GỌI HÀNH ĐỘNG BẢO VỆ NHÀ BÁO

Một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng nhà báo thiệt mạng gia tăng là do trong 90% số vụ giết hại nhà báo, kẻ sát nhân không bao giờ bị trừng phạt. Điều này đã tiếp tay cho những vụ thảm sát, khuyến khích những hành động phạm tội mới và phủ nhận quyền tự do báo chí của công dân. Tính mạng của nhà báo, phóng viên ngày càng bị coi rẻ và phóng viên trở thành một trong những nghề nghiệp nguy hiểm nhất thế giới.

Đứng trước mối đe dọa này, Hội nghị Thượng đỉnh Nhân đạo Thế giới (World Humanitarian Summit) lần đầu tiên được Liên hợp quốc tổ chức vào hai ngày 23 và 24/5 vừa qua đã dấy lên lời kêu gọi hành động bảo vệ nhà báo đối với từng quốc gia thành viên.

Hội nghị kêu gọi các nước thành viên, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức truyền thông trên toàn thế giới thực hiện kế hoạch hành động của Liên hợp quốc về an toàn nhà báo và vấn đề không trừng phạt kẻ sát nhân. Kế hoạch của Liên hợp quốc yêu cầu các nước thành viên thiết lập cơ chế riêng để bảo vệ nhà báo; tăng cường theo dõi những mối đe dọa các cơ quan truyền thông; điều tra kỹ lưỡng các vụ hành hung, sát hại nhà báo và trừng trị nghiêm minh các đối tượng gây án; tăng cường bảo vệ nhà báo bằng các lực lượng an ninh được huấn luyện chuyên nghiệp cũng như xây dựng các quy ước quốc tế để đảm bảo quyền tự do thông tin cơ bản của nhà báo. 

Bên cạnh đó, một số tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận cũng đã và đang tích cực tham gia vào công cuộc bảo vệ các nhà báo. Chẳng hạn như Hiệp hội Báo chí và các nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA) đã trao giải Cây bút Vàng từ năm 1961 để ghi nhận những hoạt động xuất sắc trong cả bài viết lẫn hành động đóng góp cho sự nghiệp báo chí của những cá nhân, tổ chức. Không chỉ dành cho người còn sống, giải Cây bút Vàng năm 2015 đã được trao cho các nhà báo thiệt mạng khi đang tác nghiệp với mục đích gửi một thông điệp mạnh mẽ tới những kẻ đã gây ra tội ác cũng như tới các nhà lập pháp, kêu gọi họ ban hành những điều luật hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn để bảo vệ các nhà báo trên toàn thế giới. 

Trước đó, nhân ngày Quốc tế Bảo vệ các nhà báo (02/11/2015), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã tôn vinh các nhà báo cũng như những người làm nghề truyền thông đã bị sát hại trong khi đang làm nhiệm vụ “phản ánh sự thật”. Đồng thời, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các quyền tác nghiệp của nhà báo.

Thông điệp của ông Ban Ki- moon cho biết: “Trong 01 thập niên qua đã có hơn 700 nhà báo bị sát hại chỉ vì làm nhiệm vụ phản ánh thông tin cho công chúng, nghĩa là cứ 5 ngày có 01 nhà báo bị sát hại”. Tổng Thư ký Liên hợp quốc lưu ý, chỉ có 7% số vụ sát hại nhà báo được xử lý và cứ 10 vụ thì có chưa tới 01 vụ được điều tra đầy đủ.

Nhắc lại thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, bà Irina Bokova - Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nêu rõ, bà cực lực lên án những hành vi sát hại nhà báo và yêu cầu cần có các cuộc điều tra triệt để. Bà Bokova nhấn mạnh rằng, việc pháp luật thường xuyên để lọt lưới những kẻ sát hại nhà báo là nguyên nhân khiến số vụ tấn công nhằm vào các nhà báo có xu hướng ngày một tăng.

Hiện UNESCO đang đi đầu trong Kế hoạch Hành động vì sự an toàn của các nhà báo do Liên hợp quốc khởi xướng, trong đó có sự phối hợp giữa các chính phủ, các tổ chức dân sự và các cơ quan báo chí. Bà Bokova cho biết, kế hoạch này đang gặt hái được nhiều kết quả tốt, đáng chú ý là Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ủy ban Nhân quyền cũng như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nhiều nghị quyết cụ thể để bảo vệ các nhà báo. Đặc biệt, ngày càng có nhiều quốc gia đề ra những đạo luật và cơ chế để bảo vệ nhà báo.

Một số quốc gia có mô hình pháp luật bảo vệ hoạt động của nhà báo

Có thể kể tới mô hình pháp luật bảo vệ hoạt động của nhà báo, phóng viên ở Amenia khi đất nước này mạnh dạn sửa đổi Bộ luật Hình sự và bổ sung Điều 164 ghi nhận “tội cản trở các hoạt động nghiệp vụ hợp pháp của nhà báo” vào năm 2009.

Các nhà làm luật của Amenia cho rằng cần phải có những điều khoản nghiêm khắc hơn nữa, đề xuất tăng nặng hình phạt đối với các hành vi tấn công hoặc đe dọa xâm phạm cuộc sống, sức khỏe của nhà báo và các thành viên trong gia đình nhà báo với mức phạt gấp 250 - 450 lần lương cơ bản, hoặc lao động cải tạo 2 năm hoặc phạt tù tới 5 năm.

Mexico cũng là một quốc gia coi việc cản trở hoạt động báo chí là một tội danh. Nhằm ngăn chặn tình trạng các nhà báo bị tấn công, năm 2006, Mexico thành lập Văn phòng công tố đặc biệt về các tội danh chống lại nhà báo (FEADP). Tiếp đó, năm 2009, Chính phủ Mexico đưa ra các cải cách pháp lý nhằm xóa bỏ tình trạng “không xét xử” các hành vi chống lại nhà báo.

Một trong những sự kiện đậm nét của đất nước này trong việc đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ nhà báo là việc bổ sung “tội xâm phạm quyền tự do thông tin được thực hiện thông qua hoạt động báo chí” vào trong Bộ luật Hình sự liên bang, trong đó quy định rõ các hành vi phạm tội và những chủ thể được bảo vệ. 

Ý kiến của bạn

Bình luận