Ông Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, với vị trí chiếm gần 71% bề mặt trái đất, biển và hải đảo có vai trò quan trọng. Thực tế cho thấy, biển có mạng lưới giao thông thuận tiện, có tài nguyên phong phú, đa dạng và mang lại những giá trị cao trong đời sống con người. Vì vậy, cùng với sự phát triển của khoa học - kĩ thuật, những năm gần đây, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và sử dụng các lợi ích từ biển của các quốc gia không ngừng được đẩy mạnh. Nhất là vào những năm cuối của thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI khi khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, các quốc gia nhận rõ vai trò quan trọng đặc biệt của biển trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, củng cố và bảo vệ an ninh quốc phòng góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác khu vực và hội nhập quốc tế.
Trước đó, Nghị quyết Đại hội IX của Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Phải phát triển tổng hợp kinh tế biển và ven biển, khai thác lợi thế của các khu vực biển, hải cảng để tạo thành vùng phát triển cao thúc đẩy các vùng kinh tế khác và phải phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo vệ vùng biển”. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX), Nghị quyết đại hội X và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến 2020” cũng đã xác định mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2020, phấn đấu nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”.
Do tầm quan trọng của biển, hải đảo và xuất phát từ tình hình thực tiễn, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Khai thác bền vững, có hiệu quả nguồn lợi thuỷ sản, phát triển đánh bắt xa bờ, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường biển và vùng biển, ven biển và hải đảo, phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển nước ta...” Đây là những quan điểm mang tính định hướng chiến lược và cơ sở pháp lí quan trọng trong tổ chức, thực hiện để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế biển nói riêng bảo đảm hiệu quả, cân đối và bền vững.
Sau hơn 3 năm thực hiện NĐ 67 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đã có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 con tàu, trong đó đã đóng mới 1.510 con tàu. Tổng số tiền cam kết cho vay đóng mới tàu cá là 9.931 tỷ đồng và đã giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng. Có thể nói, NĐ 67 là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện NĐ 67 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc như chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cho thủy sản, vốn vay, thiết kế, thi công, công tác giám sát đóng mới tàu cá, công tác đào tạo nhân lực... Những vướng mắc này cần phải được tháo gỡ kịp thời để ”Xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển” như Nghị quyết Trung ương 4, khóa X Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Tòa cảnh hội thảo |
Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra” diễn ra nhằm thảo luận, trao đổi để chia sẻ thông tin, tiếp thu ý kiến của các đại biểu và tâm tư nguyện vọng của bà con ngư dân, cùng nhau tìm ra các giải pháp, đồng thời đề xuất các kiến nghị với Đảng, Nhà nước để tháo gỡ các khó khăn, bất cập như: chính sách đầu tư, hạ tầng cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đã đồng bộ chưa?; cần phải làm những gì để thời gian tới công tác đầu tư hạ tầng cho ngành khai thác thủy hải sản được tốt hơn... Đây là vấn đề rất cần sự quan tâm, cho ý kiến thảo luận của các đại biểu để tháo gỡ.
Nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng vào hệ thống pháp luật của Nhà nước, thời gian qua Quốc hội đã ban hành các văn bản để tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với biển, đảo như Luật biên giới quốc gia năm 2003, Luật Thủy sản năm 2003, Luật Biển Việt Nam năm 2012…
Trước yêu cầu thực tiễn đặt ra, ngày 7/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản nhằm hỗ trợ, động viên, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển. Theo đó, Nhà nước đã dành chính sách ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ ngư dân đóng những con tàu vỏ thép hiện đại phục vụ cho công tác đánh bắt thủy hải sản xa bờ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.