Đánh giá thiệt hại kinh tế do sạt lở bờ sông và giải pháp bảo vệ an toàn cho đôi bờ sông quê

16/01/2016 07:27

Các con sông quê đã đi vào thơ ca vì vốn hiền hòa và thơ mộng, mỗi con sông đều có nét đẹp và mang tính lịch sử riêng biệt.

TS. Nguyễn Văn Điệp

Trường Đại học Giao thông vận tải

Người phản biện:

GS. TSKH. Nguyễn Hữu Hà

Tóm tắt: Các con sông quê đã đi vào thơ ca vì vốn hiền hòa và thơ mộng, mỗi con sông đều có nét đẹp và mang tính lịch sử riêng biệt. Tuy nhiên, khi kinh tế hàng hóa phát triển, các con sông lại trở thành đối tượng để con người khai thác triệt để, sự khai thác quá mức và không khoa học đã biến nguồn lợi bị cạn kiệt, lợi bất cập hại, các thảm họa lại diễn ra đe dọa cuộc sống của người dân sống hai bên bờ con sông. Để hạn chế những ảnh hưởng xấu đến sự an toàn cho bờ sông, tác giả đã nghiên cứu và tìm ra một số nguyên nhân cơ bản, qua đó cũng đề xuất được các giải pháp tương ứng để khắc phục.

Từ khóa: Sông Lam - xã Ngọc Sơn - huyện Đô Lương - tỉnh Nghệ An.

Abstract: The river went home to poetry, gentle and romantic capital, each river has beauty and historic separately. However, the development of commodity economy, the rivers became human subjects to fully exploit, the overexploitation and unscientific turned exhaustible resources, the threatened disaster occurs threatened the lives of people living on both sides of the river, to limit this article have researched and found a number of underlying causes, which also proposes corresponding solutions to overcome.

Keywords: Songlam, Ngocson affairs, Doluong district, Nghean province.

1. Đặt vấn đề

Các dòng sông mang nguồn nước ngọt tưới tiêu cho ruộng đồng, mang nhiều phù sa làm giàu cho đất, nuôi sống cá tôm với giá trị kinh tế rất lớn, đồng thời dòng sông lại là tuyến vận chuyển hàng hóa, hành khách để nối liền các miền quê đất nước, tổng chiều dài các con sông trên lãnh thổ Việt Nam khoảng 310.000km cho thấy được nguồn lợi rất lớn từ các con sông mang lại. Mấy năm qua, tình trạng của các con sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự khai thác cát sỏi bừa bãi, vi phạm an toàn bờ sông, hiện tượng sạt lở, xói mòn diễn ra với tốc độ nhanh chóng, việc bảo vệ ngăn chặn nạn khai thác nguồn lợi trên sông không được tốt, sự xói lở đe dọa cuộc sống của người dân, một số vị trí của bờ sông đã bị xói mòn vào đến nhà dân, người dân bị mất vườn, mất nhà và đe dọa tính mạng.

Để hạn chế hiện tượng sạt lở, xói mòn, các nhà khoa học cần nghiên cứu một cách chi tiết và toàn diện, qua đó đề xuất với Nhà nước và chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp cần thiết và kịp thời. Sông Lam cũng đang nằm trong tình trạng chung như các con sông khác, sự sạt lở xói mòn với tốc độ gia tăng, hiện tại rất cần sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, của người dân nhằm nhanh chóng tìm ra giải pháp tối ưu để bảo vệ đôi bờ con sông, làm chậm lại sự xói mòn, khai thác hiệu quả nguồn lợi mà dòng sông mang lại cho con người.

2. Nội dung

Sông Lam chảy từ nước bạn Lào, đi xuyên miền đất của Nghệ An qua các huyện Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn rồi đổ ra biển.

Những năm gần đây, nhiều cá nhân khai thác cát sỏi tự do trên sông, máy hút sỏi công suất lớn hoạt động suốt ngày đêm, cát sỏi được bán phục vụ xây dựng công trình dân dụng và công trình giao thông, hai bên bờ sông bị xói mòn, dòng chảy bị thay đổi. Mùa lũ về, dòng chảy của sông lại càng dữ tợn làm cho sự xói mòn càng trầm trọng hơn, nếu đứng trên bờ sông nhìn xuống, ai cũng giật mình lo âu. Bãi dâu, bãi trồng rau màu đã bị xói lở 80%, chỉ còn lại rất ít, có những đoạn sông, dòng chảy sát tận con đường dân sinh đi lại, nguy cơ sạt lở đe dọa cuộc sống của người dân.

2.1. Đánh giá thiệt hại kinh tế do sự sạt lở và xói mòn bờ sông

Sạt lở bờ sông do hai nguyên nhân chính, do tác động từ con người và do điều kiện tự nhiên. Con người khai thác cát sỏi, làm thay đổi địa hình và dòng chảy của con sông, điều này xảy ra chính từ việc con người đã tận dụng và khai thác nguồn lợi trước mắt mà đã đánh mất nguồn lợi lâu dài.  

Sự sạt lở bờ sông một mặt đe dọa an toàn cuộc sống của người dân, mặt khác đã gây tổn thất về kinh tế, việc đánh giá thiệt hại kinh tế chính xác là rất cần thiết vì nó làm căn cứ để so sánh với dự án xây kè ngăn chặn sự sạt lở của bờ sông.

Việc tính toán thiệt hại kinh tế được dựa vào các thông tin:

- Diện tích đất bãi bị sạt lở bình quân hàng năm: B (m2/năm);

-  Năng suất bình quân về cây trồng tính trong năm: C (tấn/m2/năm);

- Giá trị gia tăng bình quân của cây trồng: D (đồng/tấn).

Trong đó:

+ Giá trị gia tăng bình quân của một tấn sản phẩm trồng trọt = Giá trị sản phẩm bình quân 1 tấn sản phẩm - Chi phí bình quân để sản xuất được 1 tấn sản phẩm

+ Giá trị gia tăng bình quân phụ thuộc vào cơ cấu cây trồng, giá trị của sản phẩm cây trồng và chi phí sản xuất của từng loại sản phẩm.

- Giả định: Năng suất cây trồng và giá trị sản phẩm trồng trọt ổn định, sự trượt giá đồng tiền sẽ được tính đến thông qua hệ số chiết khấu với lãi suất trên thị trường là r (%/năm).

- Giả sử để bảo vệ bờ sông, dự án xây kè bảo vệ được thực hiện, mốc thời gian hoàn thành công trình là thời điểm X, tổng kinh phí xây dựng là XK (đồng).

- Sự sạt lở diễn ra trong n năm.

- Giá trị kinh tế bị thiệt hại năm thứ t là Mt  (t = 1 đến n)

Với những thông tin như trên, ta xác định được giá trị kinh tế bị thiệt hại như sau:

Giá trị kinh tế bị thiệt hại do xói lở của năm thứ nhất M1 (tính từ thời điểm gốc X đã chọn) là:  M1 = 1.(B.C.D) đồng/năm.

Giá trị thiệt hại kinh tế bị thiệt hại năm thứ hai M2 bao gồm hai phần:

+ Phần thiệt hại do giá trị gia tăng không có như năm thứ nhất;

+ Phần thiệt hại do sạt lở bờ sông diễn ra trong năm thứ hai, phần thiệt hại này được tính bằng ( B.C.D) đồng/năm.

Như vậy, tổng thiệt hại năm thứ hai là M2 = B.C.D + B.C.D = 2. B.C.D (đồng).

Tương tự, giá trị kinh tế thiệt hại năm thứ ba M3 bao gồm hai phần:

+ Phần thiệt hại như năm thứ hai (do đã bị sạt lở nên GTGT không tạo ra);

+ Phần thiệt hại do sạt lở bờ sông diễn ra trong năm thứ ba, phần thiệt hại này bằng B.C.D.

Tổng thiệt hại năm thứ ba là M3 = 2.B.C.D + B.C.D = 3.B.C.D.

....

Tổng thiệt hại kinh tế năm thứ n là Mn = n.B.C.D.

Tổng thiệt hại kinh tế (THKT) quy đổi về thời điểm X là tổng giá trị thiệt hại của tất cả các năm sau khi đã quy đổi về thời điểm X qua hệ số chiết khấu. 

Hệ số chiết khấu, thiệt hại kinh tế đã quy đổi của từng năm được mô phỏng trong bảng biểu sau:

bang

Như vậy, tổng thiệt hại kinh tế đã quy đổi về thời điểm X sẽ là:

ct

 

Nếu xét trên góc độ kinh tế, nếu tổng kinh phí bỏ ra để xây kè bảo vệ bờ sông nhỏ hơn tổng giá trị kinh tế bị thiệt hại (nghĩa là XK£ THKT) thì việc xây dựng kè sẽ hiệu quả và nên thực hiện càng sớm càng tốt.

Nếu tổng kinh phí bỏ ra để xây kè lớn hơn thiệt hại kinh tế (nghĩa là XK ³ THKT) thì nên lựa chọn các giải pháp khác nhằm làm chậm lại quá trình sạt lở.

2.2. Nguyên nhân chính của sự sạt lở và xói mòn bờ sông

Tìm hiểu, điều tra và thu thập thông tin qua người dân từ tháng 12/2013 đến tháng 6/2015, một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng xói mòn và sạt lở hai bờ sông Lam nói riêng và ở các con sông khác nói chung bao gồm:

- Sự khai thác một cách không khoa học của đại đa số các cá nhân, họ giành nhau những chỗ nhiều cát sỏi, dễ đưa lên bờ, khai thác cạn kiệt vượt quá mức cho phép ăn sâu vào bờ sông, nhất là những đoạn lõm cong, ở những nơi này đọng lại nhiều sỏi, dòng chảy lại mạnh, sự xói mòn dễ xảy ra với tốc độ nhanh và nguy hiểm.

Năm 1995, chiều rộng bình quân của bãi dâu (tính từ mép đường dân sinh dọc sông Lam đoạn đến mép nước của sông ở trạng thái bình thường) là khoảng 300m, năm 1995 trở về trước, hầu như xự xói mòn sạt lở bờ sông là không đáng kể, một số đoạn có sạt lở nhưng diễn ra rất chậm. Hiện tại (tháng 6/2015) khoảng cách này chỉ còn 30m. Tốc độ sạt lở xói mòn rất nhanh, thiệt hại về sự mất mát đất bồi ven sông để trồng hoa màu là đáng kể, trong vòng 24 năm tính từ 1995 đến 2014, nếu tính giá trị sản lượng của hoa màu không được làm ra, sự mất mát theo cách tính như trên là hàng trăm tỷ đồng, trong khi giá trị cát và sỏi khai thác hàng hóa có giá trị gia tăng chỉ chừng có mấy tỷ đồng, thiệt hại này chỉ tính riêng cho bãi bồi ven sông của xã Ngọc Sơn. Nếu tính cho cả các địa phương khác dọc theo đôi bờ sông Lam thì sự mất mát quá lớn. Sự mất mát ở đây chưa kể đến nguy cơ đe dọa về sau.

- Lực lượng kiểm lâm mỏng, hầu như không có tác dụng gì đối với việc ngăn cản sự khai thác cát sỏi trên sông, nạn khai thác nhiều lúc diễn ra vào buổi đêm, nhất là mùa mưa lạnh, khi mà lực lượng kiểm lâm không làm việc.

- Chính quyền xã hai bên bờ sông Lam hầu như không có chức năng hay trách nhiệm gì trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên, nhất là sự an toàn của bờ sông, một số cá nhân còn tiếp tay cho sự khai thác cát sỏi một cách công khai.

- Người dân có thói quen sử dụng sỏi khai thác từ sông để làm vật liệu xây dựng các công trình như xây nhà, làm đường. Người dân không hiểu và cứ nghĩ rằng sử dụng sỏi khai thác từ sông thì chất lượng công trình sẽ tốt hơn, vì vậy nhu cầu sử dụng cát sỏi gia tăng, điều này vô hình đã khuyến khích sự khai thác cạn kiệt tài nguyên để tối đa hóa lợi nhuận của nhiều cá nhân.

- Sự hiểu biết và trách nhiệm của người dân còn rất hạn chế, hầu như rất ít người thấy được sự nguy hiểm của sự xói mòn hai bên bờ sông, họ cho rằng bên lở bên bồi của con sông là một sự tự nhiên, con người không thể can thiệp được, người dân luôn nghĩ rằng việc khai thác cát sỏi trên sông là tự do, không vi phạm pháp luật. Sự mất mát cứ âm thầm và diễn ra từ từ, người dân không nhìn thấy được sự ảnh hưởng đến bản thân mình và xã hội, sự mất mát liên quan đến rất nhiều người, tính bình quân mỗi người chịu một ít, vì thế mà người dân họ không để ý và quan tâm nhiều, sự ảnh hưởng kinh tế phải được đo lường và đánh giá đúng và công bố con số tổng cộng thì người dân mới hiểu và xót xa. Từ trước đến nay chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu và đánh giá về vấn đề này.

2.3. Một số giải pháp khắc phục và hạn chế sự sạt lở bờ sông

Với những nguyên nhân rất cụ thể như trên, một số giải pháp cần phải thực hiện để nhanh chóng bảo vệ sự bình yên của con sông, của đôi bờ sông vốn rất hiền hòa và thơ mộng như sau:

- Lực lượng kiểm lâm cần thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, lực lượng này cần được bổ sung để tương xứng với nhiệm vụ, họ được trang bị phương tiện, máy móc thiết bị làm việc, quy chế thưởng phạt thật rõ ràng nhằm nâng cao tinh thần và trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm. Việc giám sát hoạt động của họ có thể giao cho chính quyền địa phương và người dân, các thông tin được cập nhật và cung cấp theo đường dây nóng.

- Xử lý nghiêm ngặt các cá nhân vi phạm việc khai thác cát sỏi không theo đúng quy định, áp dụng mức thuế khai thác tài nguyên để tăng giá cát sỏi, hạn chế việc sử dụng cát sỏi không đúng mục đích.

- Cần tuyên truyền phổ biến cho người dân, không sử dụng sỏi làm vật liệu xây dựng, người dân nên dùng đá khai thác từ các mỏ đá vôi để thay thế sỏi, Nhà nước cần có chính sách trợ giá để khuyến khích người dân mua đá để làm vật liệu xây dựng.

Hiện tại, giá sỏi rẻ hơn giá đá khai thác từ mỏ khoảng 15%, mặt khác việc vận chuyển sỏi lại dễ dàng và luôn có sẵn, điều này tạo thói quen cho người dân thường mua sỏi để làm vật liệu xây dựng, đây là giải pháp quan trọng nhất, mang tính quyết định, bởi vì khi nhu cầu giảm thì việc khai thác cũng giảm xuống. 

- Khuyến khích người dân nuôi cá lồng trên sông kết hợp bảo vệ, canh gác và chống sự khai thác bừa bãi, cả ban ngày và buổi tối.

- Tổ chức nghiên cứu và đánh giá toàn diện về sự ảnh hưởng của việc khai thác cát sỏi trên sông ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội, số liệu được công bố công khai để người dân thấy rõ và trực quan, qua đó người dân ý thức hơn và tìm mọi cách để bảo vệ bờ sông, ngăn chặn hành động khai thác bừa bãi cát sỏi trên sông.

- Giao trách nhiệm cho chính quyền xã kết hợp với lực lượng kiểm lâm bảo vệ hai bên bờ sông, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định khai thác tài nguyên trên sông. Tạo điều kiện để những người khai thác cát sỏi để họ có công việc khác, ổn định cuộc sống khi họ từ bỏ việc khai thác cát sỏi trên sông.

- Trồng tre luồng, dừa nước để chống sạt lở hai bên bờ sông. Ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, cây dừa nước được trồng rất phổ biến, dừa nước bảo vệ và chống sạt lở rất hiệu quả.

- Trồng rừng nơi thượng nguồn để giữ nước, hạn chế lũ quét và sạt lở bờ sông nợi hạ lưu. Giải pháp này mang tính chiến lược và chính sách dài hạn, đồng bộ. Việc trồng rừng mang hiệu quả kép, vừa mang lại thu nhập cho người dân, vừa có tác dụng giữ đất, giữ nước chống xói mòn sạt lở. Tuy nhiên, giải pháp này nên chọn vùng ưu tiên để thực hiện dự án trồng rừng, tránh thực hiện tràn làn không hiệu quả.

- Kè đá ở những vị trí dễ xói lở. Thường thì giải pháp này tốn nhiều chi phí, nhất là ở những vị trí nước sâu khó thi công. Năm 2012, một vài vị trí bờ sông qua đoạn xã Lam Sơn, dự án xây kè bảo vệ bờ sông được thực hiện. Tuy nhiên, qua 2 năm, sự sạt lở vẫn diễn ra, việc xây kè đá có tác dụng rất nhỏ, nguyên nhân chính là sự khai thác cát sỏi vẫn diễn ra bình thường, kinh phí xây dựng ít nên chất lượng công trình bị hạn chế, không được kiên cố đúng quy chuẩn.

Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí để việc kè đá chống sạt lở. Việc kè đá hai bên bờ sông đúng quy chuẩn và cấp độ kỹ thuật là rất cần thiết. Để mang lại hiệu quả và tiết kiệm kinh phí, cần có sự nghiên cứu, khảo sát, đo lường về đặc điểm và tốc độ dòng chảy từng vị trí nhằm thiết kế cấp độ kỹ thuật cho công trình một cách phù hợp, tránh thiết kế như nhau tại mọi vị trí dẫn đến vừa lãng phí, vừa không đảm bảo kỹ thuật, về dài hạn hiệu quả kinh tế của dự án chắc chắn đảm bảo nguyên tắc: Giá trị kinh tế mang lại do chống được sạt lở cao hơn kinh phí đầu tư xây dựng và bảo trì công trình.

- Giao việc bảo vệ từng đoạn sông trực tiếp cho người dân. Giải pháp này tận dụng được lực lượng tại chỗ, để làm được việc này thì Nhà nước, chính quyền địa phương có thể tạo điều kiện vốn và kỹ thuật giúp người dân kết hợp bảo vệ bờ sông và đầu tư chăn nuôi thủy sản trên sông.

- Tạo công ăn việc làm cho những người đang khai thác cát sỏi, khi họ có công việc ổn định cuộc sống, họ sẽ từ bỏ việc khai thác cát sỏi và chu tâm vào công việc mới để mưu sinh.

3. Kết luận

Biết rằng bảo vệ tuyệt đối an toàn của các con sông là rất khó, ảnh hưởng của điều kiện thiên nhiên rất lớn nằm ngoài sự kiểm soát của con người, thế nhưng nếu nghiên cứu toàn diện một cách khoa học thì có thể tìm được giải pháp để hạn chế sự sạt lở và xói mòn một cách hiệu quả, những ý kiến của bài viết trên đây được đưa ra dưới góc độ đã nghiên cứu và tìm hiểu điều kiện thực tế ở địa phương, Nhà nước và chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc để bảo vệ sự an toàn cho người dân, khai thác theo hướng bền vững và hiệu quả các nguồn lợi mà các dòng sông mang lại.

Tài liệu tham khảo

[1]. Báo cáo đặc điểm kinh tế xã hội của UBND huyện Đô Lương 2010 - 2014.

[2]. Nguồn lợi của các dòng sông.

[3]. Điều tra trực tiếp từ người dân xã Ngọc Lam - Bồi Sơn - Đô Lương - Nghệ An.

Ý kiến của bạn

Bình luận