Đào tạo chiến lược 14.000 lao động phục vụ sân bay Long Thành

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Hàng không 28/05/2024 10:05

Sân bay Long Thành giai đoạn 1 khi đưa vào khai thác sẽ cần khoảng 14.000 lao động với trình độ học vấn và tay nghề khác nhau.

Đào tạo chiến lược 14.000 lao động phục vụ sân bay Long Thành- Ảnh 1.

Sân bay Long Thành giai đoạn 1 khi đưa vào khai thác sẽ cần số lượng lớn lao động

Ngày 28/5, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết đơn vị vừa phối hợp với Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) và Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược chuẩn bị nguồn lực cho ACV.

Theo ACV, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ cần khoảng 14.000 lao động với trình độ học vấn và tay nghề khác nhau. Do đó, để đáp ứng nhu cầu khai thác khi sân bay đi vào hoạt động cần phải chuẩn bị nguồn lực lớn, với đội ngũ nhân lực có tay nghề cao, trang thiết bị hàng không hiện đại.

Bên cạnh nguồn lực hiện nay, ACV và SAGS đã nghiên cứu, tìm kiếm và đánh giá các đơn vị, cơ sở đào tạo có năng lực và kinh nghiệm tại Đồng Nai nhằm phát triển thêm nguồn nhân lực tại chỗ.

Theo đó, các lĩnh vực hợp tác gồm: Đào tạo nguồn nhân lực ngành Hàng không; Gia công, sản xuất vật tư, linh kiện phụ tùng để phục vụ công tác bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, trang thiết bị hàng không; Xây dựng khu phức hợp với các công năng, phục vụ cho đào tạo, bảo dưỡng sửa chữa, khu vực làm việc cho cán bộ, chuyên gia công tác tại sân bay.

Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Lilama 2 cho biết: "Trường Lilama 2 là đơn vị được Chính phủ Đức và Chính phủ Pháp chọn để xây dựng thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao đầu tiên ở Việt Nam. Trường có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên để đào tạo các ngành nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp hàng không. Trường mong muốn các bên tham gia thỏa thuận hợp tác nâng cao trách nhiệm, hỗ trợ lẫn nhau để đào tạo được nhân lực đáp ứng nhu cầu".

Ông Nguyễn Xuân Phong, Trưởng ban Chuẩn bị khai thác sân bay Long Thành (thuộc ACV), cho biết, chỉ tính riêng giai đoạn 1 sẽ cần khoảng 11.000 - 12.000 cán bộ, công nhân viên (chưa tính cảng vụ, hải quan, công an cửa khẩu, lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế, kiểm dịch động thực vật...

Theo ông Phong, yêu cầu năng lực, chuyên môn đối với cán bộ lãnh đạo quản lý phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy, tiếng Anh tối thiểu đạt TOEIC 500 hoặc tương đương trở lên. Đối với lao động có tay nghề thì tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng hệ chính quy, tiếng Anh tối thiểu TOEIC 400 hoặc tương đương trở lên. Riêng lao động phổ thông thì tốt nghiệp THPT trở lên và cũng yêu cầu tiếng Anh tối thiểu TOEIC 300 hoặc tương đương trở lên.

Dự án sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư hơn 330.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 16 tỷ USD), chia làm 3 giai đoạn với tổng công suất thiết kế khi hoàn chỉnh là 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong đó, giai đoạn 1 có đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Theo yêu cầu của Quốc hội, chậm nhất năm 2025, giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành phải hoàn thành và đưa vào khai thác.

Ý kiến của bạn

Bình luận