Ảnh minh họa. |
Dưới đây là chia sẻ của PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình (Viện Nghiên cứu Sư phạm - Trường ĐHSP Hà Nội) và TS. Lê Thị Thu Hà (Trường ĐH Hồng Đức) về một số kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của Singapore, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Viện Giáo dục quốc gia Singapore đưa ra 3 chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD), các chương trình này được coi là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của cán bộ giáo dục và được xây dựng thông qua nỗ lực hợp tác của các nhóm học giả của Viện Giáo dục Quốc gia Singapore và của Bộ Giáo dục Singapore.
Triết lý của các chương trình này là: phát triển các nhà lãnh đạo giáo dục có tư duy và năng lực quản lý, lãnh đạo sự thay đổi trong một môi trường tiên tiến và phức tạp.
Cụ thể, các chương trình đào tạo và bồi dưỡng CBQLGD gồm: Chương trình cho các lãnh đạo nhà trường (Bồi dưỡng để trở thành hiệu trưởng); Chương trình cho các lãnh đạo nhà trường bậc trung (Bồi dưỡng để trở thành phó hiệu trưởng); Chương trình cho các tổ trưởng bộ môn.
6 tháng đào tạo toàn thời gian để trở thành hiệu trưởng
Chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng được gọi là “Nhà lãnh đạo trong chương trình giáo dục” đào tạo toàn thời gian kéo dài 6 tháng dành riêng cho phó hiệu trưởng và các viên chức của Bộ Giáo dục Singapore được tuyển chọn để chuẩn bị cho họ trở thành hiệu trưởng nhà trường.
Những người cán bộ này có một hồ sơ nghề nghiệp thể hiện tiềm năng và đánh giá hiệu quả công việc tốt, đồng thời vượt qua được một loạt bài phỏng vấn và kiểm tra tình huống do Bộ Giáo dục thực hiện.
Những ứng viên được chọn sẽ rời khỏi nhà trường, nơi mà họ đang làm việc để tham gia chương trình đào tạo toàn thời gian này và họ sẽ được bổ nhiệm ở những ngôi trường mới sau khi tốt nghiệp.
Những ứng viên này được Bộ Giáo dục tài trợ hoàn toàn (bao gồm toàn bộ học phí, chi phí sinh hoạt và các chuyến tham quan nước ngoài).
Chương trình này nhấn mạnh một chu trình hành động - phản hồi lặp lại liên tục và làm cho người tham gia nhận thức được bản chất tương tác của “vai trò” và “tư duy nhận thức” lãnh đạo nhà trường.
Khung chương trình 5R5M kết hợp bản chất đa diện trong vai trò của người hiệu trưởng cùng với các tư duy cần thiết để thực hiện các vai trò, phù hợp với bối cảnh lãnh đạo nhà trường của Singapore.
Ngoài nội dung tổng quan về Khung chương trình 5R5M, còn có các nội dung sau: Lãnh đạo nhà trường, tầm nhìn và văn hóa; Lãnh đạo giáo dục thông qua các lăng kính phức tạp; Quản lý chiến lược hiện đại; Phát triển nguồn nhân lực; Tư duy thiết kế: đổi mới, cách tân và các giá trị; Đánh giá và phát triển con người; Các giá trị và đạo đức của lãnh đạo nhà trường; Lãnh đạo sự thay đổi và chương trình giảng dạy; Lượng giá và đánh giá;
Phương thức học tập bằng tổ chức các khóa học, cuộc hội đàm, đọc hiểu, tham quan quốc tế và tham quan toàn ngành để kích hoạt quá trình tư duy và bắt đầu đối thoại nhằm kiến tạo tri thức.
Trong đó, các cuộc thảo luận, hội đàm với quản lý cấp cao (mỗi phiên thảo luận gồm Thư kí thường trực, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Giáo dục) tập trung vào các nguyên tắc tổ chức củng cố Singapore và hệ thống giáo dục của nó cũng như các giá trị, niềm tin hướng tới việc xây dựng chính sách.
Những buổi họp này sẽ giúp học viên phát triển nhận thức sâu sắc một cách tự nhiên về cách thức hành động và các quyết định trong nhà trường phải phù hợp với các nguyên tắc tổ chức cơ bản của Singapore và Bộ Giáo dục.
Đồng thời, chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiệu trưởng này sẽ có một chuyến tham quan nghiên cứu ở nước ngoài kéo dài 2 tuần cho tất cả học viên, được dẫn dắt và hỗ trợ bởi một cán bộ của Viện Giáo dục Quốc gia.
Mục đích là để quan sát một hệ thống, một văn hóa khác và sử dụng những quan sát làm cơ sở để thách thức tư duy của học viên đối với hệ thống giáo dục của Singapore.
Ngoài ra, tổ chức các nhóm học tập và các dự án hành động sáng tạo để tạo điều kiện cho việc xây dựng, chia sẻ và đào sâu thêm kiến thức nhằm phát hiện tri thức. Trong đó, học viên thực hiện các nghiên cứu trường hợp khác nhau về những tình huống thực tế trong nhà trường theo những nhóm nhỏ.
Điều này cho phép họ suy ngẫm về những giá trị và các ưu tiên của họ, đồng thời có được những hiểu biết sâu sắc về hoạch định chính sách và thực hành các vai trò lãnh đạo khác nhau của một người hiệu trưởng.
Đồng thời, các dự án hành động sáng tạo nhằm mục đích cung cấp cho các học viên cơ hội vô giá để đề xuất và tiến hành thực hiện sự thay đổi làm gia tăng giá trị cho nhà trường được biệt phái.
Đối với việc sử dụng các nguyên tắc Tương lai và Tư duy thiết kế, mỗi học viên phải dự đoán được tương lai của nhà trường sẽ như thế nào trong 10-15 năm tới và thực hiện ngay một phần tương lai của nhà trường đó khi nó hấp dẫn và khả thi.
Dự án này giúp phát triển tài năng lãnh đạo và khả năng thích ứng để đối phó với những vấn đề phức tạp trong một môi trường mới.
Cùng với đó, khóa học cũng tổ chức ghi nhật kí học tập, các bài tập khóa học và các dự án cho phép các học viên được áp dụng kiến thức mới của họ để ứng dụng tri thức. Học viên được yêu cầu phải lưu giữ nhật kí học tập cá nhân để phản ánh niềm tin, giá trị và mục đích về việc lãnh đạo, quản lý, hoạt động dạy và học, được hình thành bởi những trải nghiệm học tập khác nhau gặp phải trong chương trình này.
Chương trình bồi dưỡng để trở thành phó hiệu trưởng
Chương trình bồi dưỡng để trở thành phó hiệu trưởng (Chương trình quản lý và lãnh đạo trong các nhà trường) là chương trình đào tạo toàn thời gian trong 17 tuần dành cho các nhà lãnh đạo cấp trung được tuyển chọn trong các nhà trường ở Singapore.
Các triết lý và phương pháp học tập tương tự như chương trình Nhà lãnh đạo trong chương trình giáo dục (dành cho hiệu trưởng). Tuy nhiên, chương trình này có một số điểm khác biệt so với chương trình đào tạo hiệu trưởng.
Khóa học cốt lõi được gọi là “Các cơ sở khoa học của quản lý và lãnh đạo”, các chủ đề trong khóa học cốt lõi bao gồm: các chính sách giáo dục, lãnh đạo, quản lý, chương trình giảng dạy và đánh giá.
Những người tham gia phải chọn 6 môn tự chọn trong số hơn 30 môn tự chọn (danh sách môn tự chọn được chỉnh sửa theo thời gian). Các môn tự chọn thuộc các lĩnh vực như Tiếng Anh, Toán học và Khoa học cũng được đưa ra.
Về phương thức bồi dưỡng, Dự án Chương trình giảng dạy được thực hiện tại một trường học địa phương trong các nhóm dự án liên ngành nhỏ. Dự án cho phép việc học tập thực sự bằng cách kiểm tra và giải quyết các vấn đề thực tiễn xảy ra trong chương trình giảng dạy mà các phó hiệu trưởng thường gặp phải.
Dự án yêu cầu mỗi một nhóm phải xây dựng một chương trình giảng dạy sáng tạo 10 tuần có thể được thực hiện trong nhà trường.
Chương trình Quản lý và lãnh đạo trong các nhà trường có một chuyến tham quan nghiên cứu kéo dài 1 tuần cho tất cả người tham gia đến các nước trong khu vực ASEAN và Châu Á Thái Bình Dương. Mục đích là để học hỏi, nghiên cứu các hệ thống giáo dục khác nhằm cung cấp các quan điểm thay thế để thách thức những suy nghĩ thông thường, lối mòn trong hệ thống nhà trường.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.