Một mảnh vỡ máy bay AirAsia được trục vớt từ biển Java - Ảnh: Reuters |
Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Indonesia cho biết một vết nứt trong bộ phận kiểm soát cánh đuôi đã mở đầu chuỗi diễn biến dẫn đến việc chiếc Airbus A32-200 của AirAsia đâm xuống biển Java hồi tháng 12-2014 khiến 162 người thiệt mạng.
Tuy nhiên việc các phi công quyết định tái khởi động hệ thống kiểm soát máy bay đã khiến hệ thống bay tự động tê liệt.
Sự thiếu kinh nghiệm của các phi công trong điều khiển máy bay bằng tay trong thời tiết xấu sau đó khiến máy bay bị khựng lại và rơi xuống biển.
Báo cáo khẳng định tổ bay AirAsia không được đào tạo cách đối phó với tình huống tương tự trên máy bay Airbus A320. Khi máy bay bị khựng lại các phi công không biết xoay xở ra sao.
Điều tra cho thấy vết nứt ở bộ phận kiểm soát cánh đuôi khiến hệ thống vi tính liên tiếp gửi cảnh báo đến các phi công. Khi đó, cơ trưởng chuyến bay QZ8501 nhờ cơ phó lái máy bay rồi tìm cách tắt điện một phần hệ thống kiểm soát máy bay để tái khởi động hệ thống. Quyết định này đã làm vô hiệu hóa chế độ bay tự động.
Sự trao đổi không hiệu quả giữa hai phi công cũng là nguyên nhân khiến họ làm khựng máy bay.
Nhà điều tra Indonesia Nurcahyo Utomo cáo buộc các phi công của AirAsia không được đào tạo đúng quy trình để điều khiển máy bay Airbus khi máy bay mất ổn định. Cựu giám đốc Cơ quan Hàng không Pháp (BEA) Jean-Paul Troadec cho rằng AirAsia không tuân thủ các quy tắc đào tạo do BEA đề ra.
Chuyên gia hàng không Gerry Soejatman thuộc hãng tư vấn CommunicAvia ở Indonesia nhận định trong cả vụ tai nạn của AirAsia và của AirFrance, các phi công đều không có phản ứng đúng như quy trình đào tạo khi máy bay bị khựng lại.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.