Qua khảo sát, hầu hết các trung tâm cam kết chỉ thu học phí trọn gói từ 3,5 đến 5,5 triệu đồng |
Loạn mức phí đào tạo
Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường đào tạo cấp GPLX, nhiều trung tâm đào tạo đã tung những chiêu lập lờ nhằm thu hút khách hàng. Không ít trung tâm quảng cáo đào tạo GPLX không quên kèm theo câu “100% có bằng”. Qua khảo sát, hầu hết các trung tâm cam kết chỉ thu học phí trọn gói từ 3,5 đến 5,5 triệu đồng.
Trong vai người muốn học lái ô tô hạng B2, chúng tôi gọi đến số máy một trung tâm đào tạo sát hạch lái xe đóng trên địa bàn Hà Nội và được nhân viên tư vấn khẳng định: “Với mức phí 5,5 triệu đồng học là đỗ và không phát sinh chi phí gì ngoài học phí”. Trong khi đó, giá thị trường dành cho gói đào tạo và thi bằng lái ô tô hạng B2 hiện nay trung bình từ 8 - 15 triệu đồng, tùy từng trung tâm.
Gần 10 năm dạy lái xe ở Hà Nội, giáo viên Lã Văn Hoàng khẳng định, với mức học phí được quảng cáo trên mạng chỉ từ 3,5 đến 5,5 triệu trọn gói cho bằng lái xe hạng B2 chắc chắn không đủ để học viên được trang bị những kỹ năng cơ bản, mà tối thiểu phải là 8 triệu đồng.
Theo nhẩm tính của anh Hoàng, nếu tính mức giá trung bình trên thị trường, một giờ học thực hành là 200 ngàn đồng, học viên cần học ít nhất 10 giờ, nghĩa là phải mất 02 triệu đồng. Cộng với chi phí làm hồ sơ thi khoảng 3 triệu, chi phí đào tạo lý thuyết, cơ sở vật chất… thì mức giá 5,5 triệu đồng được một số trung tâm đưa ra là “không tưởng”. Với mức phí này, việc đào tạo cả lý thuyết và thực hành đều bị cắt xén, dẫn đến chất lượng đào tạo không đảm bảo khiến tỉ lệ thi đậu của học viên giảm xuống hoặc có đậu chỉ là “ăn may”, cho ra đời những tài xế chất lượng kém.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá Hùng - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Sao Bắc Việt cho biết: Năm 2011, Bộ GTVT và Bộ Tài chính ra Thông tư liên tịch số 72 cho phép các cơ sở đào tạo lái xe tự xây dựng mức thu học phí và yêu cầu các cơ sở niêm yết công khai tại khu vực nhà trường tuyển sinh. Tuy nhiên, ngoài các cơ sở đào tạo lái xe “chính quy” thì đơn vị bên ngoài cũng có nhiều văn phòng mang danh cơ sở đào tạo nhưng họ không phải là đơn vị giảng dạy và vẫn tự đề ra mức thu học phí.
Trong quy định của liên Bộ GTVT và Bộ Tài chính thì người học lái xe trước khi vào học có ký hợp đồng với cơ sở đào tạo, trong đó đã quy định rõ là chương trình bao lâu, được đào tạo những nội dung gì, kỹ năng gì, mức thu học phí và đào tạo trên phương tiện gì. Nhưng mức thu nào thì cũng phải trên cơ sở chương trình đó, phải xây dựng đủ mức tối thiểu để đảm bảo nội dung đào tạo.
Mặt khác, quy định cũng nêu rõ khi xây dựng mức thu, các đơn vị đào tạo phải báo cáo với sở GTVT, sở tài chính và UBND tại địa phương đó. Khi thấy mức giá không phù hợp, có sự chênh lệch quá nhiều giữa cơ sở này với cơ sở khác thì các cơ quan liên quan vừa nêu sẽ có ý kiến.
“Ở đây, chúng ta đang bị hạn chế ở khâu hậu kiểm nên để xảy ra tình trạng “loạn” mức phí đào tạo lái xe. Hiện mức phí đào tào lái xe ở các trung tâm đặt ra mỗi nơi một kiểu, trong đó không thiếu những chiêu trò nhằm thu hút học viên”, ông Hùng chia sẻ.
Do buông lỏng công tác quản lý nên không ít trường hợp giáo viên dạy lái xe ở các trung tâm vi phạm luật giao thông, vi phạm các quy định liên quan tới đào tạo sát hạch lái xe, bị lực lượng TTGT Hà Nội xử lý |
Loạn thầy, loạn giáo trình: Chất lượng có được kiểm soát?
Thực tế hiện nay là chỉ cần đem một chiếc xe đăng ký với một số trung tâm đào tạo và có bằng lái xe là nghiễm nhiên trở thành giáo viên dạy lái, bất kể người đó là ai, làm nghề gì và trình độ như thế nào.
Mỗi trung tâm đào tạo có khá nhiều giáo viên nhưng thường chỉ có một số giáo viên “cứng” đứng tên, còn lại là giáo viên “xã hội hóa”, tức ai tham gia cũng được, miễn là có bằng, có xe.
Ông Nguyễn Trí Quân - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Sát hạch lái xe Việt Thanh cho biết: Quy định của Bộ GTVT nêu rõ, với giáo viên, tiêu chuẩn chung là có phẩm chất, tư cách đạo đức tốt; có đủ sức khỏe theo quy định; trình độ văn hóa tốt nghiệp THPT trở lên; có chứng chỉ đào tạo sư phạm, trừ trường hợp đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học sư phạm kỹ thuật. Riêng về giáo viên dạy lý thuyết còn phải bảo đảm các tiêu chuẩn là có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề; có trình độ A về tin học trở lên. Giáo viên dạy môn pháp luật giao thông đường bộ phải có GPLX ô tô; giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có GPLX hạng tương ứng hạng xe đào tạo trở lên.
Còn đối với giáo viên dạy thực hành, ngoài tiêu chuẩn chung, giáo viên dạy lái xe các hạng A1, A2, A3, A4 phải có GPLX hạng tương ứng. Giáo viên dạy lái xe ô tô phải có GPLX hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo nhưng không thấp hơn hạng B2. Thời gian hành nghề lái xe của giáo viên dạy các hạng B1, B2 từ ba năm trở lên. Thời gian hành nghề lái xe của giáo viên dạy các hạng C, D, E và F từ 5 năm trở lên. Ngoài ra, họ phải qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo hướng dẫn của Tổng cục ĐBVN và được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe.
Đào tạo lái xe để người học lái được xe chứ không phải chỉ để lấy bằng. Vì lẽ đó, thiết nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác hậu kiểm tại các cơ sở đào tạo làm ăn chộp giật, thiếu tính chính quy, đồng thời kiểm soát tốt đội ngũ giáo viên, giáo trình giảng dạy, công tác chấm bài thi, giám sát thi... Có như vậy mới cải thiện được chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.