Dấu ấn 20 năm Bộ môn Công trình giao thông thành phố và Công trình thủy

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 27/02/2023 14:39

Vừa qua, thầy và trò Bộ môn Công trình giao thông thành phố và Công trình thủy tổ chức Kỷ niệm 20 năm thành lập (25/02/2003 - 25/02/2023).


Bộ môn Công trình giao thông thành phố và Công trình thủy Dấu ấn và tự hào - Ảnh 1.

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT tặng Bằng khen cho Bộ môn Công trình giao thông thành phố và Công trình thủy

Trở lại 20 năm trước, ngày 25/02/2003, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT đã ban hành Quyết định số 190/QĐ-TCCB về việc thành lập Bộ môn Công trình Giao thông thành phố, phụ trách chuyên ngành Công trình Giao thông thành phố, đào tạo bậc đại học và sau đại học, đồng thời thực hiện công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Năm 2008, Nhà trường mở rộng thêm chuyên ngành đào tạo Công trình giao thông thủy, Bộ môn được đổi tên thành Công trình Giao thông thành phố và Công trình thủy theo Quyết định số 1165/QĐ-ĐHGTVT ngày 04/8/2008 của Hiệu trưởng Trường Đại GTVT.

Khi mới thành lập, Bộ môn chỉ có 3 giảng viên, Trưởng Bộ môn là cố NGND. GS. TS. Nguyễn Viết Trung. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Bộ môn có 16 giảng viên, trong đó có 11 phó giáo sư-tiến sĩ, 4 tiến sĩ, 01 thạc sĩ. Bên cạnh đó, Chi bộ Công trình Giao thông thành phố và Công trình thủy cũng được ra đời với 12 đảng viên thuộc Đảng bộ Khoa Công trình, Trường Đại học GTVT.

Năm 2005, Nhà trường giao cho Bộ môn đào tạo Chương trình Tiến sĩ ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình đặc biệt. Năm 2013, Nhà trường giao cho Bộ môn đào tạo Chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Xây dựng công trình giao thông đô thị thuộc ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Năm 2017, Bộ môn chính thức nhận được Quyết định số 4469/QĐ-BGDĐT ngày 20/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo ngành Kỹ thuật Công trình thủy, mở ra một ngành mới cho Khoa Công trình, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành GTVT.

Kế thừa truyền thống tốt đẹp của các bộ môn đi trước, trong 20 năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, Ban Chủ nhiệm Khoa Công trình qua các thời kỳ và sự ủng hộ, giúp đỡ của các đơn vị trong và ngoài trường, Bộ môn đã gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Khoa Công trình và của Trường Đại học GTVT.

Về đào tạo đại học, Bộ môn đã đào tạo hơn 1.000 sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (chuyên ngành Công trình giao thông đô thị và các chuyên ngành khác như Cầu đường ô tô và Sân bay, Công trình giao thông đô thị Việt - Nhật, Chương trình tiên tiến - Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông) và ngành Kỹ thuật xây dựng Công trình thủy; tham gia giảng dạy các chuyên ngành Công trình giao thông công chính, Quản lý dự án công trình giao thông, Vật liệu và công nghệ xây dựng.

Về đào tạo sau đại học, đến thời điểm này, Bộ môn đã đào tạo được 15 tiến sĩ ngành Kỹ thuật xây dựng công trình đặc biệt và đào tạo gần 200 thạc sĩ tốt nghiệp ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông và Kỹ thuật cơ sở hạ tầng, trực tiếp phụ trách chuyên môn Thạc sĩ chuyên sâu Công trình giao thông đô thị. Đến nay, các thế hệ kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ môn đào tạo đã và đang giữ các trọng trách trong các cơ quan, doanh nghiệp trên mọi miền đất nước, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, các giảng viên Bộ môn đã tích cực biên soạn hơn 40 giáo trình và tài liệu tham khảo cho bậc đại học và bậc thạc sỹ, xây dựng bộ đề cương các học phần theo chuẩn CDIO cho các chương trình bậc đại học, tham gia triển khai các kế hoạch tự đánh giá và đánh giá ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông theo Tiêu chuẩn AUN-OA, trong đó có thể kể đến một số giáo trình, tài liệu tham khảo tiêu biểu chuyên ngành Công trình giao thông đô thị như: cầu bê tông, cầu thành phố, cầu hiện đại và chuyên đề, thiết kế tối ưu, kết cấu thép hiện đại cho công trình giao thông đô thị, thiết kế các phương án cầu, kết cấu móng cọc ống thép dạng giếng, thép chịu thời tiết… và các giáo trình, tài liệu tham khảo cho ngành Công trình thủy như: Công trình bến cảng Phần 1 và Phần 2; công trình biển, chỉnh trị sông và cửa sông ven biển; công nghệ xây dựng công trình biển; các giải pháp kết cấu công trình ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu…

Bộ môn Công trình giao thông thành phố và Công trình thủy Dấu ấn và tự hào - Ảnh 2.

Lãnh đạo Bộ môn tặng hoa tri ân các thầy cô nguyên là Lãnh đạo Bộ môn qua các thời kỳ

Cùng với đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được Bộ môn hết sức quan tâm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, tăng cường viết các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế được chú trọng; thông qua việc tìm kiếm các nguồn kinh phí cho khoa học công nghệ, đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan đơn vị trong và ngoài nước để hợp tác nghiên cứu khoa học.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên trong Bộ môn đã có những đóng góp đáng kể vào thành tích chung của Nhà trường. Nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn đã tạo ra hiệu quả nhất định trong đời sống kinh tế - xã hội. Đến nay, Bộ môn đã thực hiện 2 đề tài cấp Nhà nước, 22 đề tài cấp Bộ, trên 50 đề tài cấp Trường, biên soạn các tiêu chuẩn. Một số đề tài đã có sản phẩm được ứng dụng trong ngành GTVT.

Bộ môn Công trình giao thông thành phố và Công trình thủy Dấu ấn và tự hào - Ảnh 3.

Thầy và trò Bộ môn Công trình giao thông thành phố và Công trình thủy vui mừng tại Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập

Bên cạnh đó, Bộ môn luôn đi đầu về số lượng công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế, trên 25 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí ISI/Scopus, 42 bài báo khoa học trên Hội thảo quốc tế và trên 100 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí trong nước. Hằng năm, Bộ môn lên kế hoạch và tổ chức thành công một số hội thảo chuyên đề, tham gia cùng Khoa Công trình và Nhà trường tổ chức tốt một số hội thảo chuyên môn khác.

Các thầy cô giáo trong Bộ môn với vai trò chuyên gia, chủ trì thực hiện nhiều hợp đồng lao động sản xuất, chuyển giao công nghệ phục vụ thiết thực cho hiện trường sản xuất, được các đơn vị trong ngành GTVT đánh giá cao; chủ trì kiểm định hầu hết các cầu dây văng lớn trên cả nước như cầu Bính, cầu Kiền, cầu Rạch Miễu, cầu Cần Thơ, cầu Bãi Cháy, cầu Phú Mỹ, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Thuận Phước…; kiểm định các công trình cảng lớn như cảng Vĩnh Tân 1, cảng Tân Thuận, cảng Tân Thuận 2 thuộc cảng Sài Gòn, cầu cảng Tân Thuận 2 thuộc cảng Tân Thuận; tham gia lập quy hoạch chi tiết xây dựng Cảng - Dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh - Thanh Hóa, cảng chuyên dụng - Dự án Nhà máy Nhiệt điện Phú Thọ. Đồng thời, giảng viên của Bộ môn cũng chủ trì thẩm tra các dự án giao thông lớn như cầu Bạch Đằng, cầu nhật Tân, cầu Rào 1, cầu vượt Hoàng Minh Giám, cầu Sông Hiếu, dự án đường vành đai Cần Thơ, Cao tốc Bắc Nam - Giai đoạn 2; thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công Dự án Sông Lô II, Khu Công nghiệp Khai Quang...

Với những kết quả đạt được từ ngày thành lập đến nay, Bộ môn và các thầy cô trong Bộ môn đã vinh dự đạt được nhiều bằng khen và danh hiệu thi đua. Cố NGND. GS. TS. Nguyễn Viết Trung đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2012 và được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2010. PGS. TS. Hoàng Hà và PGS. TS. Nguyễn Viết Thanh được nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ và nhiều thầy cô được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ môn đã đạt được danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc nhiều năm liền với một lần được nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2013 và 3 lần được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2015, 2019 và năm 2023.

Dưới sự dìu dắt của cố NGND. GS. TS. Nguyễn Viết Trung, đội ngũ giảng viên của Bộ môn đã được đào tạo bài bản, chất lượng cao ở trong và ngoài nước, đáp ứng được yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, bắt kịp được công nghệ mới và đổi mới sáng tạo về khoa học trên thế giới.

20 năm xây dựng và phát triển, Bộ môn tự hào và trân trọng những thành tích đã đạt được của cả thầy và trò, sự đóng góp đáng kể công sức và trí tuệ cho sự thành công của các dự án giao thông lớn, tiêu biểu trong cả nước.