Dấu ấn giao thông đô thị Bình Dương: Nhìn từ thiết kế

Tác giả: Sơn Khê

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 01/01/2019 08:44

Trong quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh Bình Dương xác định ngay từ đầu là một tỉnh công nghiệp gắn với dịch vụ và đô thị. Đây là một bước đột phá tại thời điểm những năm đầu của thế kỷ 21.

 

Diện mạo giao thông hiện đại TP mới Bình Dương
Diện mạo giao thông hiện đại thành phố mới Bình Dương

Lựa chọn dự án phù hợp

Trong quá trình phát triển và xây dựng đô thị Bình Dương, điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội từng bước được nâng lên. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo “kết cấu hạ tầng giao thông đi trước mở đường” nên hệ thống hạ tầng giao thông thiết yếu được tập trung đầu tư kết nối các vùng phát triển công nghiệp và đô thị. Giao thông hướng ngoại, kết nối với các tỉnh, thành lân cận trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông kết nối giữa đô thị trung tâm và các đô thị trong tỉnh được chủ động đầu tư theo quy hoạch và cơ bản hoàn thành các tuyến đường: Mỹ Phước - Tân Vạn, Phạm Ngọc Thạch, Cầu Phú Long… Hệ thống giao thông nội thị từng bước được đầu tư, chỉnh trang đồng bộ; giao thông nông thôn được xây dựng theo quy chuẩn hóa, nhựa và bê tông hóa.Ông Võ Văn Lượng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, khi có quy hoạch tổng thể, Sở GTVT có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các dự án giao thông trọng điểm, đáp ứng được yêu cầu thì UBND tỉnh sẽ phê duyệt các dự án.

Ông Trần Bá Luận - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết thêm, giao thông đô thị tỉnh Bình Dương đạt được như ngày hôm nay thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của tỉnh. Cùng với đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở, ngành và UBND các thành phố, thị xã… Trên địa bàn tỉnh hiện nay có rất nhiều tuyến đường là đường đối ngoại, nhưng đồng thời cũng là đường đô thị như: QL13, Mỹ Phước - Tân Vạn, đường tỉnh 743, đường tỉnh 741…

Ông Luận dẫn chứng, ngay từ khi nhận thấy tốc độ phát triển tại địa phương tăng cao, Sở đã tham mưu UBND tỉnh nâng cấp, mở rộng tuyến QL13 hiện hữu. Khi thực hiện xong, địa phương đã thể hiện tầm nhìn chiến lược khi lập quy hoạch tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn (gần như song song với QL13). Tại thời điểm này, tuyến mới đi vào hoạt động nhưng lưu lượng đã tăng vượt bậc và có khi xảy ra ùn tắc. Trước tình hình này, Sở đã lập dự án hai tuyến đường tạo lực mới để triển khai trong tương lai, đó là tuyến Vành đai 4 và tuyến Thủ Biên - Đất Cuốc. Đây là hai tuyến tạo lực mới nhằm phục vụ vận tải bộ từ các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước, từ Campuchia… đến QL1A, Đồng Nai và cảng Cái Mép - Thị Vải.

Hầu hết, các dự án giao thông lớn trên địa bàn đều nhờ các đơn vị tư vấn và thực hiện thi công. Đơn cử như Becamex IDC Corp là một trong những doanh nghiệp có sức ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh thông qua các dự án về giao thông, đô thị, nhà ở…

Chọn lựa đơn vị tư vấn có năng lực

trung-tam-hc-tap-trung-tp-moi-binh-duong
Khu Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương

 

Theo Tổng công ty Becamex IDC - đơn vị đã thực hiện các dự án trên tuyến đường huyết mạch QL13 và đưa vào sử dụng dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn là một điểm mấu chốt, đưa một con đường “thẳng” kết nối trực tiếp vào khu tam giác vàng “Bình Dương - Đồng Nai - TP. Hồ Chí Minh” tạo điều kiện thuận lợi cho các khu công nghiệp, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Đây được xem như đòn bẩy phát triển kinh tế và lưu thông hàng hóa giữa Bình Dương với toàn vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và khu vực Tây Nguyên. Những dự án phát triển hạ tầng giao thông này không những góp phần to lớn vào việc ổn định môi trường thu hút đầu tư mà còn mang đến diện mạo mới của tỉnh, đưa Bình Dương trở thành thành phố loại 1 theo định hướng quy hoạch đến năm 2020.Bên cạnh đó, đơn vị đã xây dựng thành công các khu công nghiệp lớn mang tầm cỡ quốc gia và một số cụm công nghiệp. Tất cả các khu công nghiệp đều đạt diện tích thu hút đầu tư trên 95% với tổng vốn đầu tư khoảng 6,3 tỷ USD, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 150.000 lao động. Trong đó, mô hình công viên công nghiệp đã tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư và là nơi an cư lạc nghiệp cho người lao động từ các địa phương khác đến.

Quy hoạch của tỉnh luôn ưu tiên phát triển giao thông đô thị

Theo UBND tỉnh Bình Dương, đơn vị đã tập trung rà soát, điều chỉnh và lập các loại quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng để phát triển tỉnh nhà, trong đó tập trung công tác xây dựng phát triển đô thị và triển khai các dự án đầu tư, chỉnh trang, xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, đặc biệt ưu tiên không gian đô thị và tạo liên kết chặt chẽ giữa các “đô thị” nhỏ với nhau.

Về hạ tầng kỹ thuật, tỉnh đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng QL13, các tuyến đường tỉnh, một số tuyến đường huyện, liên xã, cùng với các tuyến đường trong các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư đã đảm bảo thông suốt trong địa bàn và kết nối với hệ thống giao thông các tỉnh, thành trong khu vực.

Giai đoạn 2006 - 2011, tỉnh Bình Dương tập trung đầu tư theo hướng huy động nhiều nguồn vốn vừa cải tạo, nâng cấp, vừa xây dựng mới, kết nối các đô thị trong tỉnh tạo ra bước đột phá về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng văn minh, hiện đại và tiên tiến, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trên địa bàn. Ngân sách ưu tiên đầu tư thực hiện các kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để cải tạo, chỉnh trang đô thị, công trình kỹ thuật mang tính liên huyện, liên xã, ngoài khu công nghiệp, khu dân cư, từ đó khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước tham gia đầu tư phát triển đô thị như: Đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu dân cư, khu dịch vụ - du lịch - thương mại, xử lý môi trường, nhà ở xã hội, trường học, bệnh viện…

Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng với nhiều hình thức như BOT, BT và vận động tốt sự tham gia, đóng góp của nhân dân vào phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn. Nguồn vốn đầu tư của ngân sách tỉnh chủ yếu bố trí đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, trọng điểm, quan trọng mà không có khả năng huy động được các nguồn lực xã hội.

Việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đồng bộ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Hệ thống hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư kết nối vùng phát triển công nghiệp và đô thị trong tỉnh, hệ thống giao thông đô thị từng bước đầu tư hoàn chỉnh. Các trục đường giao thông hướng ngoại đã được tỉnh chủ động đầu tư theo quy hoạch, kết nối với các tỉnh, thành lân cận trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Ý kiến của bạn

Bình luận