Dấu ấn giao thông vận tải Việt - Lào

Tác giả: Cao Hà

saosaosaosaosao
Xã hội 24/12/2018 14:57

GTVT có vai trò đặc biệt trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết và hợp tác toàn diện Việt - Lào.

 

2_387372

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trao Chứng nhận đăng ký Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào Việt cho Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào Bun-chăn Xỉn-thạ-vong năm 2017

Những con đường tình nghĩa

Chung đường biên giới dài hơn 2.340km, hai nước Việt Nam và Lào cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, uống chung dòng nước sông Mê Kông. Lịch sử đấu tranh và phát triển của nhân dân hai nước đã khiến hai dân tộc Việt Nam và Lào thân thiết, gắn bó với nhau từ bao đời nay. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ đặc biệt ấy được hai nước không ngừng vun đắp, trở thành tấm gương mẫu mực, thủy chung, trong sáng, vững bền, hiếm có trong quan hệ quốc tế.

Sự phối hợp và hợp tác giữa hai nước không chỉ bền chặt, sắt son trong lĩnh vực chính trị, đối ngoại, kinh tế, giáo dục mà còn thể hiện sâu đậm ở lĩnh vực GTVT. Từ năm 1964, theo thỏa thuận của Nhà nước Việt Nam và Mặt trận Lào yêu nước, Bộ GTVT Việt Nam đã thành lập hai công trường B1 và B2 làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào. Sau một thời gian hoạt động, hai công trường sáp nhập thành Ban Xây dựng 64 - tiền thân của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) ngày nay.

Từ năm 1964 - 1975, Ban Xây dựng 64 phối hợp với nước bạn bảo đảm 600km các tuyến giao thông huyết mạch từ vùng căn cứ địa cách mạng (Bắc Lào) ra mặt trận. Từ năm 1975 - 1988, Ban cùng với các đơn vị của bạn đã cải tạo mạng lưới giao thông và khảo sát, thiết kế nhiều tuyến đường bộ quan trọng phục vụ công tác tái thiết đất nước hoa Chăm-pa sau chiến tranh.

Trong hồi ký của mình về những năm tháng xây dựng đường giao thông huyết mạch trên đất Lào, TS. Bua-xỉ Lò-văn-xay - nguyên Trưởng ban Vận tải Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, Bưu điện và Xây dựng Lào từng chia sẻ: “Công việc làm đường, mở đường, sửa chữa cầu đường để bảo đảm giao thông, vận chuyển chủ yếu được làm về đêm. Các chiến sĩ vận tải Lào - Việt đã kề vai sát cánh bên nhau dũng cảm làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực cho tiền tuyến, đặc biệt là phục vụ cho chiến dịch Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Có những lúc bọn "giặc trời" đánh mạnh, đường hỏng, đường tắc, các chiến sĩ vận tải Lào cùng các chiến sỹ giao thông Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ tại tuyến đường đó khẩn trương thu dọn mở đường dưới ánh pháo sáng và tiếng gầm rú của máy bay địch. Việc vận chuyển cũng chỉ tiến hành được vào ban đêm, dựa vào ánh sáng của những chiếc đèn gầm. Có những lúc địch hoạt động mạnh, ánh đèn gầm tù mù cũng bị phát hiện, các chiến sĩ lái phụ phải vận đồ trắng xuống đi trước xe, các lái xe cho xe chạy theo sự dẫn đường đó. Có lúc bom địch ném xuống lòng đường chưa nổ, buộc đoàn xe vận tải Lào - Việt phải dừng lại, các lái xe vào hầm trú ẩn, các đồng chí Việt Nam có gói bánh, các đồng chí Lào có gói thuốc đều chia sẻ cho nhau. Hình ảnh thân thương đó mãi in đậm trong ký ức của các chiến sỹ vận tải Lào - Việt Nam”.

Những năm tháng ấy, dù có phải trải qua bao mưa bom bão đạn bên đất bạn nhưng những thanh niên xung phong, chiến sỹ, kỹ sư cầu đường Việt Nam vẫn luôn hết mình “coi việc làm đường cho bạn như làm cho chính mình”. Những tuyến đường luôn bảo đảm thông suốt, góp phần làm nên chiến thắng vang dội tại Nậm Bạc, cánh đồng Chum, Loọng Chẹng, Pha Thí... Máu của những liệt sỹ và thương binh GTVT Việt Nam đã thấm đỏ các con đường.Nhiều tuyến đường giao thông ở Lào đã trở thành biểu tượng của mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Mối quan hệ đó được xây dựng và hun đúc bằng mồ hôi và xương máu của biết bao anh hùng liệt sỹ và các thế hệ người Việt Nam và Lào; trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng; là nguồn sức mạnh và nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của cách mạng mỗi nước.

Vững tin vào tương lai

Những năm tháng chiến tranh là vậy, đến thời bình, mối quan hệ hợp tác hữu nghị trong lĩnh vực GTVT này tiếp tục được vun đắp và phát triển. Kể từ ngày ký kết Hiệp định Hữu nghị và hợp tác giữa Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Công hòa Dân chủ Nhân dân Lào (18/7/1977), những năm qua ngành GTVT Việt Nam đã có sự hỗ trợ, hợp tác ngày càng sâu rộng với Lào như: Thỏa thuận về đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (tháng 11/2016); kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) thực hiện Bản ghi nhớ về Chiến lược GTVT Việt Nam - Lào; đẩy mạnh xây dựng và nâng cấp các tuyến đường kết nối hành lang Đông - Tây và kết nối với khu vực, tạo điều kiện cho Lào có đường ra biển để xuất nhập khẩu hàng hóa…

Trong đó, Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn là bước đột phá trong kết nối GTVT Việt - Lào. Dự án này có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng cường, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Tiếp đó, Dự án đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ - Thà Khẹk - Viêng Chăn nhằm giảm chi phí logistics thông qua đường sắt kết nối trực tiếp cảng Vũng Áng với Viêng Chăn, góp phần phát triển kinh tế của Việt Nam và nâng cao phúc lợi trong các khu vực dự án đi qua, đồng thời cải thiện tính cạnh tranh quốc gia thông qua việc vận chuyển hành khách và phân phối hàng hóa.

Bên cạnh các dự án mang tính chiến lược, Chính phủ và Bộ GTVT Việt Nam đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa để đất nước bạn Lào sử dụng, khai thác cảng Vũng Áng và các cảng biển khác của Việt Nam.

Sự hợp tác bền chặt trong lĩnh vực GTVT chỉ là một trong số rất nhiều quan hệ hợp tác giữa hai nước. Nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng, nhân dân Việt Nam và Lào có thể hoàn toàn tự hào về mối quan hệ thủy chung trong sáng, đoàn kết đặc biệt và hiếm có giữa hai dân tộc anh em. Với những gì đã có trong quá khứ cùng với sự quyết tâm và nỗ lực của lãnh đạo và người dân hai nước, quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào chắc chắn sẽ có những bước phát triển mới, năng động, hiệu quả, thiết thực, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước như câu thơ bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Thương nhau mấy núi cũng trèoMấy sông cũng lội, mấy đèo cũng quaViệt - Lào hai nước chúng taTình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”

Ý kiến của bạn

Bình luận