Dấu ấn GTVT 75 năm: Những bước đột phá mạnh mẽ về trật tự ATGT

Tác giả: vũ thành vũ

saosaosaosaosao
27/08/2020 07:00

Thiệt hại về nhân mạng, tài sản và những hệ lụy xã hội do TNGT gây ra còn lớn hơn cả chiến tranh. Vì vậy, nhiệm vụ kéo giảm TNGT được ví như “cuộc chiến trong thời bình” và luôn là bài toán nhức nhối suốt mấy thập kỷ qua. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trật tự ATGT đã có những bước tiến mới, tạo nên nhiều kỳ tích được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Anh
Quản lý, siết chặt, xử lý nghiêm lái xe sử dụng rượu, bia, góp phần kéo giảm TNGT, tạo bước tiến trong công tác đảm bảo trật tự ATGT

Quá trình thiết lập chuẩn mực mới

Giai đoạn 1997 - 2000, cả 3 tiêu chí về số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương đều tăng rất nhanh, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2002 là năm có TNGT cao nhất với 13.186 người chết và 30.999 người bị thương. Vì vậy, cuối năm 2002, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13 - Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần TNGT trên toàn quốc.

Năm 2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 22 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT. Từ đó, công tác bảo đảm trật tự ATGT đã được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của chính quyền các cấp. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 13 và Chỉ thị 22 đã kiềm chế và giảm TNGT trong giai đoạn 2003 - 2006.

Đến năm 2007, TNGT tăng cao trở lại với 13.150 người chết. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32 về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự ATGT. Trong đó, thành công trong quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy đã góp phần quan trọng để giảm TNGT trong giai đoạn 2008 - 2011. Hội nghị toàn cầu các Bộ trưởng GTVT lần đầu tiên về ATGT tại Thủ đô Moskva, Nga năm 2009 đánh giá việc thực hiện thành công quy định đội mũ bảo hiểm tại Việt Nam là 1 trong 10 sự kiện nổi bật nhất về ATGT của thế giới.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết 88/2011 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT với sự đột phá về chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GTVT; tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác của người tham gia giao thông; xây dựng văn hóa giao thông. Tình hình trật tự ATGT có nhiều chuyển biến tích cực, số người chết vì TNGT năm 2012 giảm xuống dưới 10.000 người.

Tiếp đó, TNGT giảm liên tục cả 3 tiêu chí, đặc biệt là giai đoạn 2014 - 2016, số người chết giảm còn dưới con số 9.000 mỗi năm, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 đã giảm 12.546 số người chết do TNGT so với 5 năm trước đó. Tỷ lệ số người tử vong do TNGT/10.000 phương tiện theo thông lệ quốc tế cũng liên tục giảm mạnh từ 10,8 người/10.000 phương tiện năm 1997 xuống còn 1,66 người/10.000 phương tiện năm 2016.

Để có được kết quả đáng tự hào đó, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về trật tự ATGT, GTVT. Đặc biệt, công tác giáo dục về ATGT được triển khai từ mầm non đến đại học đã từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật. Công tác tuyên truyền về ATGT trong những năm qua chưa bao giờ sôi nổi hơn thế. Những kiến thức thông tin về ATGT được liên tục cập nhật và đầy đủ trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội để mọi người dễ dàng tiếp cận.

Nỗ lực của Việt Nam trong việc đem lại cho người dân cuộc sống bình yên trên mỗi cung đường nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các tổ chức quốc tế. Ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á nhìn nhận, Việt Nam đã đạt thành quả to lớn trong thập kỷ hành động vì ATGT. Rất nhiều nước bày tỏ ấn tượng với những gì mà Việt Nam đã đạt được. Tiến sỹ Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam bày tỏ, WHO đánh giá mô hình của Ủy ban ATGT Quốc gia Việt Nam là một cách tiếp cận đa ngành thành công về vấn đề ATGT. Sự chỉ đạo mạnh mẽ từ Chính phủ, đại diện 12 bộ, ngành và các cơ quan cấp quốc gia, đại diện 63 tỉnh, thành là yếu tố tạo nên thành công.

Bước đột phá mới

Năm 2019, TNGT đã giảm mạnh và hiện thực hóa mục tiêu giảm từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí. Đây cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện về ATGT với cách tiếp cận mới, có hiệu quả rất cao khi truyền thông trực tiếp quy mô lớn, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, ghi nhận sự hưởng ứng và tham gia của đông đảo người dân, trong đó nổi bật như logo “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” được dán lên các phương tiện cơ giới khiến mỗi mét đường đều hiện diện thông điệp này. Các sự kiện cộng đồng, tuần hành với sự tham gia của hàng nghìn người như: Chương trình đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia - Không lái xe”; Chương trình vận động “Toàn dân đội mũ bảo hiểm cho trẻ em”; các chương trình Ngày hội ATGT...

Vừa qua, thực trạng tài xế nghiện ma túy, vi phạm nồng độ cồn ở tình trạng báo động. Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 7, Khóa 14, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đáng chú ý trong Bộ Luật mới là quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia. Từ ngày 01/01/2020 - thời điểm triển khai Nghị định 100 và Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia, TNGT đã giảm mạnh ngay lập tức khi lực lượng chức năng triển khai “cú đấm thép” xử lý vi phạm về ma túy, nồng độ cồn mà trọng tâm là lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải; xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như chạy quá tốc độ, lấn làn, vượt ẩu...

Thời gian qua, Bộ GTVT đã chú trọng đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, trong đó 100% “điểm đen” TNGT đã được xóa bỏ theo kế hoạch. Những điểm nguy cơ xảy ra tai nạn, đặc biệt là tại những tuyến đường đèo dốc được bổ sung hệ thống biển báo lắp đặt hệ thống hộ lan hoặc xây dựng đường lánh nạn. Đối với lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cũng được siết chặt quản lý với những đột phá thông qua ứng dụng khoa học công nghệ.

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, tất cả các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe phải truyền ngay lập tức phần thi lý thuyết và phần thi sát hạch thực hành về Tổng cục để kiểm tra và lưu trữ trong 2 năm, đảm bảo tính khách quan, minh bạch và không có sự can thiệp.

Năm 2019 là lần đầu tiên kể từ năm 2014, số người chết đã giảm trên 5% (cụ thể là giảm 7,15%); số vụ, số người bị thương cũng giảm trên 5% so với năm 2018. Năm 2019, số người chết do TNGT là 7.624 người, tương đương với con số của năm 2000, trong khi dân số tăng 16 triệu người, số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng gấp 9 lần (năm 2000 có gần 7 triệu xe, năm 2019 có gần 63 triệu xe).

Dù mức giảm TNGT toàn diện từ 5 - 10% trong năm 2019 được coi là một kỳ tích, nhưng bước sang năm 2020, công tác đảm bảo trật tự ATGT liên tục thiết lập thêm nhiều kỷ lục mạnh mẽ hơn trong từng tháng nói riêng và sơ bộ 7 tháng đầu năm nói chung. Trong đó, có những thời điểm mức giảm TNGT cả 3 tiêu chí đạt xấp xỉ con số 20%.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, từ đầu năm đến nay, TNGT liên tục được kéo giảm rất sâu với những con số mang tính đột phá. Tình hình trật tự ATGT trên toàn quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó mức giảm TNGT sâu nhất trong nhiều năm qua, đặc biệt là số người chết liên tục đạt mức giảm kỷ lục, thậm chí là trong 10 năm trở lại đây.

Một trong những bước đột phá mạnh mẽ nhất về kéo giảm TNGT trong năm 2020 chính là sự “mạnh tay” một cách toàn diện đối với “ma men”. Ngay từ ngày đầu tiên của năm, sự “mạnh tay” trừng trị “ma men” đã được xã hội nhiệt liệt hưởng ứng mạnh mẽ. Hiệu quả kéo giảm TNGT sau khi thắt chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn đã cho thấy, rượu, bia chính là “gốc rễ” của một phần không nhỏ số vụ TNGT. Chính vì vậy, diệt trừ “ma men” cũng chính là sự khởi đầu quan trọng cho những bước tiến lớn hơn nữa về giảm TNGT.

Ý kiến của bạn

Bình luận