Dấu ấn GTVT 75 năm: Tự hào chiến công trong hai cuộc kháng chiến

Tác giả: Lê Hoàng Long

saosaosaosaosao
27/08/2020 06:32

Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc chống Pháp và Mỹ xâm lược, ngành GTVT là một trong những nhân tố quyết định góp vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

e6913c9a1cdaf584accb_1
Vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trên đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Vừa ra đời đã có những đóng góp lớn vào kháng chiến chống Pháp

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Hồ Chủ tịch đã ký quyết định thành lập Bộ Giao thông công chính, từ đây, hệ thống giao thông đã thật sự trở thành tài sản của người Việt Nam, phục vụ người dân nước Việt.

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngành GTVT với hai nhiệm vụ quan trọng là thiết lập các đường dây giao liên, giữ giao thông liên lạc thông suốt các miền Bắc - Trung - Nam phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, sửa chữa, mở đường, vận tải hàng hóa, hành khách, vận chuyển lương thực, quân đội tham gia các chiến dịch tấn công giai đoạn 1945 - 1954.

Ngành đã tập trung xây dựng mạng lưới GTVT nhân dân. Hàng đoàn dân công, thanh niên xung phong đã sửa chữa hàng nghìn kilomet đường để dùng cho việc vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ. Do đó, mạch máu GTVT và bưu điện đã đảm bảo luôn luôn thông suốt. Ngành Giao thông bưu điện đã dựa vào nhân dân nên lực lượng vận tải chính là những đội dân công được tổ chức thành từng đoàn, đội, có đặt các trạm trên các tuyến đường và lấy đội thanh niên xung phong làm nòng cốt. Tổ chức giao thông (giao liên) đi bộ là chủ yếu, giữ vững liên lạc suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, góp phần quan trọng cho những trận đánh thắng lợi vang dội như chiến thắng Sông Lô, Thu Đông 1947. Cuối năm 1949, sau khi giải phóng Bắc Kạn, lực lượng giữa thực dân Pháp và Việt Nam đã thay đổi. Bộ đội, dân quân du kích của ta càng trưởng thành và yêu cầu vận chuyển cho tiền tuyến ngày càng nhiều hơn.

Các đơn vị đã tổ chức lại lực lượng làm đường, cầu, sửa chữa, mở rộng đường ô tô từ Tuyên Quang đi Cao Bằng, Tuyên Quang lên Hà Giang và Tuyên Quang đi Yên Bái... Từ chiến thắng Biên giới 1950 - 1951, tuyến đường của Việt Nam đã mở thông sang Trung Quốc và các nước XHCN.

Được Liên Xô và các nước XHCN anh em giúp đỡ, hàng trăm xe ô tô các loại được tăng cường cho lực lượng vận tải của quân dân ta. Từ căn cứ địa Việt Bắc, Ngành đã tổ chức nhiều lực lượng sửa chữa cầu đường, tỏa về vùng trung du, sang Tây Bắc, xuống khu 3, vào khu 4. Đồng thời, ngành Giao thông công chính còn sửa chữa khẩn trương đoạn đường sắt Yên Bái - Làng Thíp dài 70 km. Thiếu đầu máy xe lửa, ngành Đường sắt đã khắc phục bằng cách dùng đầu máy ô tô thay thế. Ở khu 4 cũ cũng sửa chữa, xây dựng lại đoạn đường goòng dài 70 km dùng vào việc vận chuyển phục vụ chiến trường Bình Trị Thiên. Ở Liên khu 5, đoạn đường sắt dài 300 km từ Quảng Nam đi Phú Yên được khôi phục, phục vụ sản xuất và chiến đấu kịp thời.

Một thành công lớn của ngành GTVT thời kỳ này là công tác mở đường phục vụ các chiến dịch tiến tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tuy không được đầu tư nhiều về tài chính nhưng sức dân, sự đoàn kết và dũng cảm của toàn quân, toàn dân đã mở ra những kỳ tích của GTVT nước nhà.

Giao thông là mạch máu làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta kết thúc bằng đại thắng mùa xuân 1975, trong đó GTVT có vai trò quan trọng, là nhân tố quyết định đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.

Đây là thời kỳ đầu đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của ngành GTVT kể từ khi thành lập. Hai đặc điểm nổi bật của Ngành thời kỳ này là GTVT phục vụ sự nghiệp củng cố, phát triển kinh tế miền Bắc và chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam. Cũng trong giai đoạn này, ngành GTVT đã nhận được sự đầu tư đáng kể của Nhà nước và viện trợ giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự giúp đỡ của Liên Xô (cũ) và Trung Quốc.

Nhiệm vụ lớn nhất của ngành GTVT trong thời kỳ này là khôi phục lại hệ thống giao thông đã bị phá hỏng trong kháng chiến chống Pháp để phục vụ phát triển kinh tế miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong 10 năm (1954 - 1964), hệ thống đường sắt miền Bắc đã được xây dựng và khôi phục lại với những tuyến đường chính là Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn. Những tuyến đường này đã có vai trò quan trọng phục vụ đi lại, khôi phục kinh tế miền Bắc trong nhiều năm tại thời điểm đó và còn phát huy tác dụng đến bây giờ.

Những sự kiện nổi bật ghi dấu ấn của Ngành trong giai đoạn này là đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử với phong trào “Tất cả vì miền Nam thân yêu” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, ngành GTVT Việt Nam đã lập nên những kỳ tích huy hoàng, góp phần quan trọng vào chiến thắng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ oanh liệt. Ngành GTVT đã đi đầu trong cuộc kháng chiến với tất cả những con đường có thể mở được, từ đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ đến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Những “con đường mòn” này về cơ bản vẫn dựa vào sức dân là chủ yếu song đã đóng vai trò quan trọng, nhất là trong việc vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí cho chiến trường miền Nam. Lịch sử sẽ còn nhắc lại những chiến công dũng cảm của cán bộ chiến sĩ, nhân viên ngành GTVT với các sáng kiến đã đi vào huyền thoại trong cả vận tải đường bộ, đường thủy và hàng không.

Chỉ tính riêng ngành Đường sắt, trong giai đoạn 1964 - 1975 đã liên tục đảm bảo giao thông suốt trong điều kiện địch đánh phá dữ dội. Ngành Đường sắt đã làm 3.915 m cầu tạm, 82 km đường, 274,5 km dây thông tin và vận chuyển được 4,16 triệu tấn hàng hóa. Cán bộ, nhân viên và tự vệ ngành Đường sắt đã bắn rơi hàng chục máy bay các loại và dò phá được hàng nghìn quả bom nổ chậm ở các chiến trường trọng điểm miền Nam. Với ngành vận tải ô tô đã hình thành 5 công ty vận tải hỗn hợp với 1.271 xe phục vụ chủ yếu chiến trường miền Nam. Ngành vận tải đường biển với những chiến công oanh liệt của những con tàu “không số” trên đường mòn Hồ Chí Minh trên biển...

Một lần nữa có thể khẳng định, những đóng góp to lớn của ngành GTVT trong suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc là nhân tố quyết định đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi và khẳng định vị thế của Ngành không chỉ trong năm tháng kháng chiến mà cả trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước hôm nay và mai sau.

Ý kiến của bạn

Bình luận