Dấu ấn GTVT 75 năm:Cắt giảm gần 70% điều kiện kinh doanh vì dân, DN

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
28/08/2020 07:25

Áp dụng công nghệ thông tin hiện đại, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết, hạn chế tối đa các biểu hiện tiêu cực là những kết quả thiết thực, nổi bật của ngành GTVT trong những năm qua nhằm phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Screen Shot 2020-08-08 at 10.05.16 PM
Trang chủ Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ GTVT

Cắt giảm 384/570 điều kiện kinh doanh

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, quan điểm chỉ đạo của Bộ là luôn lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh và giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh GTVT.

Chính vì vậy, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã kịp thời cắt giảm, đơn giản hóa những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong các văn bản QPPL hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt kinh doanh trong lĩnh vực GTVT.

Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã cắt giảm 384 điều kiện trên tổng số 570 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực của Ngành. Riêng quý I/2020, Bộ đã đơn giản, sửa đổi 13 thủ tục hành chính và bãi bỏ 5 thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính sau khi được công bố đều được Bộ GTVT cập nhật và công khai trên Cơ sở Dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp tra cứu thực hiện.

Về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, Bộ GTVT đã hoàn thành rà soát, cắt giảm 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành.

Bộ GTVT cũng thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành như áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hóa; chuyển mạnh sang hậu kiểm, chủ yếu thực hiện tại giai đoạn lưu thông hàng hóa tại thị trường nội địa; minh bạch về danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành kèm mã hồ sơ ở cấp độ chi tiết về chế độ quản lý và chi phí.

Giai đoạn từ nay đến năm 2025, Bộ sẽ tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đồng thời giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực GTVT trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản hành chính, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định của Chính phủ; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý, xử lý thủ tục hành chính

Theo thống kê của Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT), trong tổng số 453 thủ tục hành chính của ngành GTVT, có 366 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ và gần 90 thủ tục liên quan đến các địa phương. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của Bộ đạt 20% trở lên, 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4; Cổng Dịch vụ công Bộ GTVT cung cấp giao diện cho các thiết bị di động; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Để có kết quả này, Bộ GTVT đã tích cực thực hiện các biện pháp quyết liệt để đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: tập trung tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ và rà soát để lựa chọn các thủ tục hành chính đưa lên dịch vụ công trực tuyến mang lại hiệu quả cao; tận dụng để nâng cấp, phát triển các hệ thống thông tin hiện có nhằm bảo đảm khả năng sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến và xử lý hồ sơ hoàn toàn trên môi trường mạng.

Đồng thời, Bộ cũng tập trung triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để giảm thành phần hồ sơ phải nộp hoặc xuất trình khi thực hiện thủ tục trực tuyến; tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến hiệu quả. Cụ thể, từ năm 2017, Bộ GTVT đã xây dựng hệ thống dịch vụ công cấp đổi giấy phép kinh doanh vận tải, cấp đổi biển hiệu triển khai cho 63 sở GTVT với dữ liệu tập trung về Tổng cục ĐBVN. Sau hơn 3 năm triển khai, đây là một trong những nhóm dịch vụ được đánh giá khá hiệu quả, hiện việc quản lý giấy phép kinh doanh vận tải, hồ sơ thẩm định... của các tỉnh, thành đều bằng hồ sơ điện tử, không còn hồ sơ giấy.

Theo ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, để tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý, xử lý công việc, từ nay đến cuối năm, các đơn vị trong Ngành tập trung hoàn thành hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng Chính phủ điện tử năm 2020 theo kế hoạch đã được ban hành. Các đơn vị ngành GTVT cũng sẽ đẩy mạnh xử lý và giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng; sử dụng chữ ký số cá nhân để thực hiện ký, phê duyệt văn bản; xây dựng hệ thống thông tin báo cáo Bộ GTVT, đảm bảo trong năm 2020 cung cấp tối thiểu 30% báo cáo trực tuyến; hoàn thành kết nối chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công các công trình giao thông trọng điểm với Hệ thống Báo cáo Chính phủ; hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) Bộ GTVT, kết nối với Nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu ở Trung ương và địa phương (NGSP); nâng cấp Cổng Dịch vụ công Bộ GTVT, kết nối với hệ thống thanh toán quốc gia và Hệ thống thu thập đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ý kiến của bạn

Bình luận