Có sự thống nhất
Qua tìm hiểu Tạp chí GTVT được biết, ngày 27/3 vừa qua Cục Đường bộ VN đã có văn bản 1988/CĐBVN-QLBTKCHTGT gửi UBND tỉnh Hà Nam, UBND huyện Lý Nhân, Sở GTVT Hà Nam, Công ty Cổ phần BOT cầu Thái Hà và Khu Quản lý đường bộ (QLĐB) I về việc đấu nối tạm thời có thời hạn để làm đường công vụ, phục vụ thi công tuyến ĐT495B tỉnh Hà Nam.
Theo đó, Cục Đường bộ VN chấp thuận đấu nối tạm thời có thời hạn vào đường nối 2 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại Km31+00/trái tuyến (lý trình dự án BOT cầu thái Hà tại Km1+240/phải tuyến) để làm đường công vụ thi công Dự án ĐT 495B, với điều kiện: Thời hạn sử dụng điểm đấu nối tạm có thời hạn là 12 tháng kể từ ngày được cấp phép thi công và không quá ngày 30/5/2025. Trong thời hạn khai thác, sử dụng nút giao đấu nối tạm thời, UBND tỉnh Hà Nam giao các cơ quan chức năng của địa phương kiểm tra, giám sát, phối hợp với Khu QLĐB I và Chủ đầu tư dự án bảo đảm trật tự, ATGT khu vực đấu nối tạm. Nếu để xảy ra tình trạng mất ATGT và để phương tiện chở vật liệu thi công quá tải, Khu QLĐBI đóng ngay điểm đấu nối tạm thời này. Việc đấu nối chỉ được thực hiện sau khi thiết kế kỹ thuật phương án tổ chức giao thông nút giao đấu nối tạm thời được cấp có thẩm quyền chấp thuận; trong đó lưu ý đến hệ thống an toàn giao thông như vạch sơn, biển báo, phương án tổ chức giao thông.
Theo lãnh đạo Cục Đường bộ VN, để đi đến quyết định này Cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức cuộc họp có sự tham gia của đại diện UBND tỉnh Hà Nam, Sở GTVT Hà Nam, UBND huyện Lý Nhân, Khu QLĐB I và Công ty BOT cầu Thái Hà vào ngày 26/3/2024. Tại cuộc họp Cục Đường bộ Việt Nam cũng ghi nhận và chia sẻ khó khăn với Nhà đầu tư, và kiến nghị của Nhà đầu tư do công tác khảo sát dự đoán lưu lượng chưa chính xác dẫn đến sụt giảm doanh thu (doanh thu mới đạt thấp so với hợp đồng BOT). Nội dung này Cục Đường bộ Việt Nam đã rà soát, báo cáo Bộ GTVT và Bộ GTVT đã có Tờ trình số 2451/TTr-BGTVT ngày 8/3/2024 gửi Chính phủ về giải về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Trong đó Dự án BOT "Đầu tư xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình", Bộ GTVT đề nghị Chính phủ bố trí khoảng 70% vốn nhà nước để hỗ trợ Nhà đầu tư. Đồng thời cũng đề nghị Nhà đầu tư phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT để giải trình với Chính phủ để sớm được giải quyết.
Phù hợp với quy hoạch Thủ tướng phê duyệt
Được biết, về chủ trương đấu nối, đã được Bộ GTVT kết luận tại Thông báo số 279/TB-BGTVT ngày 11/7/2022. Mặt khác, Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 26/12/2023, trong đó tuyến ĐT495B là một trong các tuyến quan trọng trên địa bàn tỉnh Hà Nam có điểm đầu tại tại ranh giới giữa Hà Nam và Ninh Bình tại xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, điểm cuối tại giao đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (đường nối hai cao tốc); theo phương án phát triển hạ tầng kỹ thuật đã được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, nút giao giữa đường nối hai cao tốc với
đường ĐT495B là nút giao liên thông khác mức tại Km31+00 đường nối hai cao tốc có nhánh kết nối với ĐT495B. Đồng thời để tạo điều cho địa phương kịp thời đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch tỉnh Hà Nam đã được phê duyệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Theo lãnh đạo Cục Đường bộ VN việc chấp thuận đấu nối tạm thời có thời hạn để làm đường công vụ phục vụ thi công tuyến ĐT495B vào tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại Km31+00/trái tuyến, trên cơ sở rà soát đầy đủ tính pháp lý, quy định các giải pháp kỹ thuật, công tác tổ chức giao thông tại nút giao để đảm bảo ATGT.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó giám đốc Khu QLĐB I cho biết, việc mở điểm đấu nối đoạn từ Km1+240/phải tuyến đường BOT cầu Thái Hà để làm đường công vụ thi công Dự án ĐT 495B, tỉnh Hà Nam trên cơ sở được sự đồng ý của Cục Đường bộ Việt Nam và đề nghị của UBND tỉnh Hà Nam. Việc chấp thuận đấu nối thứ nhất là phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT của địa phương đã được Thủ tướng phê duyệt và để phục vụ lợi ích chung không chỉ cho tỉnh Hà Nam mà cả vùng kinh tế; thứ hai đây là trạm thu phí hở, việc đấu nối cho phương tiện qua trạm không làm ảnh hưởng đến lưu lượng xe qua trạm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.