Đầu tư 2.800 tỷ đồng chống ùn tắc cửa ngõ phía Nam Hà Nội

Thị trường 07/03/2017 06:42

Cuối tháng 10/2016, báo Kinh tế & Đô thị đã có loạt bài “Nhức nhối điểm nghẽn bán đảo Linh Đàm”, phản ánh tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) do bất cập trong phát triển hạ tầng tại khu vực cửa ngõ phía Nam Hà Nội.


 

Đầu tư 2.800 tỷ đồng chống ùn tắc cửa ngõ phía Nam
Nút giao Pháp Vân -Vành đai 3 sẽ được đầu tư 2.800 tỷ đồng để cải tạo hạ tầng.  Ảnh: Huy Hùng

Để giải quyết vấn đề này, ngày 15/2, UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT đã thống nhất 2 nhóm giải pháp cấp bách cho hạ tầng khu vực với khoản đầu tư khoảng 2.800 tỷ đồng.

Thêm nhánh rẽ kết nối

Có thể nói, đường Vành đai 3 đang là một trong những tuyến giao thông trọng yếu nhất của Hà Nội, kết nối từ cầu Thăng Long đến cao tốc Pháp Vân, QL5; đi xuyên qua một loạt khu vực dân cư đông đúc, như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy. Hiện trạng dở dang, nhiều khoảng hở, kết nối thiếu chặt chẽ của Vành đai 3, đặc biệt là khu vực cửa ngõ phía Nam, đang đẩy Hà Nội vào một tình thế hết sức khó khăn trước áp lực giao thông nặng nề và ngày càng tăng cao trên tuyến. Từ ngày 2/1, hàng chục nghìn lượt chuyến xe khách liên tỉnh được điều chuyển về 2 Bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, gia tăng mạnh áp lực giao thông trên các tuyến đường Giải Phóng, Vành đai 3... Nhu cầu phải cải tạo nút giao Pháp Vân, tổ chức lại giao thông khu vực càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Ngày 15/2 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có văn bản thống nhất với Bộ GTVT về 2 nhóm giải pháp pháp căn cơ, toàn diện để giảm thiểu UTGT bền vững cho khu vực. 2 nhóm giải pháp được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất gồm có: Cải tạo nút giao Pháp Vân - Vành đai 3 và phân luồng từ xa, với tổng mức đầu tư khoảng 2.800 tỷ đồng. Trong đó, dự chi khoảng 423 tỷ đồng để mở rộng nút giao Vành đai 3 - Pháp Vân; tạo thêm nhánh rẽ, tối ưu khả năng lưu thông cho các phương tiện qua lại. Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất bổ sung thêm 1 nhánh rẽ từ nút giao này, đi thấp dưới cầu cạn Vành đai 3 ra QL1 (khu vực đường Giải Phóng). Khu vực đảo xoay của nút giao sẽ được mở thêm 1 điểm quay đầu để chia nhỏ dòng phương tiện từ Pháp Vân rẽ trái đi Giải Phóng. Ở chiều ngược lại, hướng Giải Phóng đi Pháp Vân, sẽ bổ sung thêm 1 nhánh rẽ vào cao tốc bên cạnh nhánh chính hiện tại để phân bổ áp lực giao thông. Nhánh rẽ mới dự kiến nối từ đầu phố Trần Thủ Độ (Hoàng Mai), đi song song bên dưới đường dẫn từ cầu cạn Vành đai 3 vào cao tốc. Lối rẽ phải từ nút giao vào cao tốc Pháp Vân hiện có sẽ được mở rộng hơn nữa để đáp ứng các phương tiện lưu thông thuận lợi, nhanh chóng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, cần sửa chữa hiện trạng nơi giao cắt giữa đầu cầu cạn Vành đai 3 với cao tốc Pháp Vân do cầu lún, mặt đường hư hỏng; bổ sung trồng cây xanh, thảm cỏ để tạo cảnh quan tại các đảo giao thông.

Mở hướng ra vào chiến lược

Tổng cục Đường bộ Việt Nam còn đề xuất xây dựng 3 tuyến đường mới để phân luồng từ xa, giảm thiểu áp lực cho nút giao Pháp Vân - Vành đai 3; đảm bảo kết nối cửa ngõ phía Nam với khu vực lân cận. Trong đó quan trọng nhất là tuyến nối từ nút giao đi thấp ra Vành đai 2,5, đoạn Tân Mai (Hoàng Mai). Hiện, đoạn đầu tuyến này, đi qua trước cửa trụ sở UBND quận Hoàng Mai đã được hoàn thành với mặt cắt 30m; toàn tuyến có chiều dài 1,7km, tổng mức đầu tư dự kiến 1.955 tỷ đồng. Cùng với đó sẽ làm một tuyến đường nối từ khu tái định cư Đồng Tàu ra QL1, đoạn giao cắt với đường Nguyễn Hữu Thọ. Một tuyến nhập thẳng vào cao tốc Pháp Vân, vị trí sau cầu Văn Điển, cũng được đưa vào danh mục đầu tư với số vốn khoảng 448 tỷ đồng. Đây là 3 tuyến kết nối chiến lược có ý nghĩa quan trọng với cửa ngõ phía Nam Thủ đô, đặc biệt là tuyến kết nối với Vành đai 2,5 đã được UBND TP Hà Nội thống nhất chủ trương đầu tư, xây dựng. Với 3 nhánh kết nối mới, đảm bảo áp lực giao thông dồn lên nút giao Pháp Vân - Vành đai 3 sẽ được giảm thiểu tối đa, hạn chế UTGT mỗi dịp lễ, tết hoặc cuối tuần, khi lượng phương tiện ra vào TP tăng đột biến.

Tuy nhiên, TS Đặng Minh Tân (Đại học GTVT) cho rằng, chỉ cải tạo nút giao Pháp Vân - Vành đai 3 thôi sẽ không phải là biện pháp toàn diện. “Hằng ngày, lưu lượng giao thông từ các hướng qua lại khu vực Pháp Vân - Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ rất lớn. Mà hiện đường Nguyễn Hữu Thọ vẫn chưa hoàn thành, đường Vành đai 3 dưới thấp, đi bằng cầu qua hồ Linh Đàm chưa được xây dựng. Không hoàn thiện cả mạng lưới giao thông khu vực sẽ khó phát huy được tối đa hiệu quả của hạ tầng”.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, con đường kết nối từ nút Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ đến khu Đồng Tàu sẽ dồn thêm áp lực lên đường Nguyễn Hữu Thọ, hướng vào trung tâm TP; không xử lý được dứt điểm đoạn thắt cổ chai kéo dài 200m trên đường Nguyễn Hữu Thọ thì tuyến này sẽ còn ùn tắc nghiêm trọng hơn nữa. Bên cạnh đó, đoạn tuyến Vành đai 3 dưới thấp, đi bằng cầu qua hồ Linh Đàm, dài 560m, cũng đã được Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội trình TP phương án đầu tư. Lãnh đạo Ban này cho biết, nếu TP phê duyệt chủ trương thì dự án sẽ nhanh chóng được triển khai để khớp nối với phương án của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Hà Nội đã thành công đẩy một phần áp lực giao thông trên tuyến Vành đai 3 ra xa khu trung tâm, nhưng lại đang tiếp tục gặp khó với điểm nghẽn khu vực cửa ngõ phía Nam. Muốn giải quyết triệt để vấn đề UTGT cho cửa ngõ, khai thác hiệu quả đường Vành đai 3 thì bên cạnh việc đầu tư xây dựng các tuyến đường mới còn phải giải quyết hết tồn đọng cũ để hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng khu vực.

Chuyên gia giao thông  Đặng Chí Nga

Ý kiến của bạn

Bình luận