Cảng biển có vai trò cửa ngõ trong hoạt động vận tải, xuất nhập khẩu hàng hoá nên việc đáp ứng được vận tải hàng hoá trong thời gian tới là một bài toán lớn. |
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay trên cả nước có 31 cảng biển (256 bến cảng/402 cầu cảng) với 59.405 m dài cầu cảng, tổng công suất thiết kế đạt 470-500 triệu tấn hàng/năm. Năm 2015 đạt 427 triệu tấn, tăng 14,5%. Trong đó, hàng công-ten-nơ đạt 11,5 triệu TEUs, tăng 11,5% so với năm 2014 và theo dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh.
Chính vì vậy, để giải quyết được nhu cầu vận tải hàng hoá, Cục Hàng hải Việt Nam đã xây dựng đề án đầu tư kết nối cảng biển trên toàn quốc với hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa. Theo đó, đề án khi đưa vào thực hiện sẽ từng bước thiết lập hợp lý mạng lưới vận tải, đa dạng, đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối với cảng biển và nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá.
Về tiêu chí lựa chọn phương thức kết nối, Cục Hàng hải Việt Nam đưa ra 6 tiêu chí bao gồm: thời gian, chi phí, năng lực, độ tin cậy, tần suất vận tải, bảo vệ môi trường. Trong đó, về thời gian, các tổ chức phải đảm bảo sự lựa chọn các phương thức vận tải phải đáp ứng được thời gian giao. Chi phí gồm hai phần là thấy được và chi phí ẩn. Cả hai loại hình chi phí này cần phải được giảm thiểu nhưng không làm ảnh hưởng đến các dịch vụ khách hàng. Về độ tin cậy, mỗi thời điểm sự phân bố hàng hoá cần phải được thực hiện bởi một phương thức vận tải có sẵn và phải đảm bảo hàng hoá được vận tải đến đúng địa điểm, đúng thời gian. Đặc biệt, tiêu chí bảo vệ môi trường là tiêu chí mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đang hướng tới để đảm bảo tính chất bền vững trong phát triển kinh tế nói chung và GTVT nói riêng. Do đó, tiêu chí môi trường trong đề án được đề cập như một tiêu chí quản lý phát triển hạ tầng giao thông bền vững.
Về định hướng lựa chọn các phương thức vận tải, với loại hàng hoá là công-ten-nơ, bao kiện có khối lượng vận tải dưới 10 triệu tấn và có cự ly vận tải dưới 200 km thì sử dụng phương thức vận tải đường bộ. Những loại hàng hoá là công-ten-nơ, quặng, xăng dầu với khối lượng lớn hơn hoặc bằng 10 triệu tấn và có cự ly cận tải lớn hơn 300 km thì sử dụng hình thức vận tải đường sắt. Còn hình thức vận tải đường thuỷ, biển được áp dụng với các loại hàng hoá là công-ten-nơ, xăng dầu, hàng hoá rời có khối lượng lớn hơn hoặc bằng 10 triệu tấn và có cự ly vận tải lớn hơn 200 km.
Ông Đỗ Hồng Thái, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết sau khi xây dựng đề án, Cục Hàng hải Việt Nam đã gửi cho các cục liên quan xin ý kiến và tiếp thu các ý kiến đó. Trong đó, Cục Hàng hải đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý từ Vụ Vận tải, Vụ Môi trường, Cục đường sắt Việt Nam, Tổng cục ĐBVN và Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông. Các câu hỏi, kiến nghị đều đã được Cục Hàng hải Việt Nam giải trình cụ thể.
Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục triển khai đề án này, cụ thể là thống kê, cập nhật đánh giá bổ sung sửa đổi hệ thống giao thông kết nối cảng biển trên toàn quốc với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa.
Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam rà soát lại những phương thức kết nối giữa cảng biển với đường sắt đường bộ, đường thuỷ nội địa. Trong đó, Cục hàng hải làm rõ những hạng mục đã đầu tư, thứ tự ưu tiên, mục đích đầu tư liên quan đến cảng biển.
“Cục phải cập nhật bổ sung các quy hoạch chiến lược, quyết định của Thủ tướng chính phủ, căn cứ vào đó để xây dựng đề án, giải quyết vấn đề liên quan đến hàng hải như xu thế phát triển đội tàu, lưu lượng hàng hoá.. Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá lại để bổ sung và lược bớt những vấn đề không cần thiết nhưng cái nào cần bỏ đi thì phải bàn bạc, trao đổi kỹ và xin ý kiến của các cục liên quan”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.