Đầu xuân gặp gỡ hai “ông trùm” đường cao tốc

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) được biết đến là hai "ông lớn" nổi bật trong lĩnh vực đường cao tốc Việt Nam. Trải qua quá trình khai thác, một số tồn tại, bất cập đã xuất hiện và rất cần tháo gỡ để phát huy tính ưu việt của những tuyến đường cao tốc hiện hữu, từ đó rút kinh nghiệm để quản lý, vận hành, khai thác các tuyến cao tốc trên trục Bắc - Nam được trơn tru và hiệu quả.

 

VEC
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do VEC quản lý

Ông Trương Việt Đông - Chủ tịch HĐTV VEC: Tập trung tái cơ cấu tài chính

VEC là một trong những đơn vị đầu tư phát triển đường cao tốc lớn nhất Việt Nam với 5 dự án do VEC quản lý, gồm: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành.Từ số vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỷ đồng, qua quá trình đầu tư mở rộng, đến nay con số đó đã lên tới 108.000 tỷ đồng. Hiện tại, VEC đang rốt ráo thực hiện tái cơ cấu tài chính 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Cả nước đang sục sôi trên những đại công trường, giao thông đất nước chuẩn bị đón thêm những con đường, cây cầu mang giá trị lớn và tính thẩm mỹ cao. Trước sức “nóng” đó, đã đến lúc VEC cần một cuộc cải tổ, tái cơ cấu toàn Tổng công ty, đặc biệt là tái cơ cấu tài chính để đảm bảo hoạt động và có định hướng rõ ràng cho mục tiêu phát triển tương lai.

Trong năm vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, VEC đã tập trung rà soát, tích cực xây dựng phương án tái cơ cấu tài chính. Vừa qua, Ban Cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Ban Cán sự đảng Chính phủ đã có Tờ trình Bộ Chính trị xin tiếp tục thực hiện cơ chế chuyển phần vốn ODA Nhà nước vay về cho vay lại sang Nhà nước cấp phát trực tiếp cho dự án của VEC theo Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Với phương án này, VEC đề xuất Nhà nước hỗ trợ tổng giá trị khoảng 48.300 tỷ đồng, tương đương 44,4% tổng mức đầu tư và VEC sẽ trả nợ 55,6% tổng mức đầu tư còn lại. So với các hình thức hỗ trợ khác của Nhà nước thì giải pháp này tiết kiệm được ngân sách cho Nhà nước. Giải pháp của VEC đưa ra giúp phương án tài chính không bị phá vỡ.

Theo phương án tái cơ cấu tài chính và sau khi được tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn Nhà nước đã đầu tư vào các dự án theo nội dung văn bản số 2393/TTg-CN ngày 30/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, VEC sẽ được phép huy động gần 150.000 tỷ đồng tiền vốn. Ở đây, Nhà nước không phải cấp trực tiếp mà vốn được tính bằng tài sản (con đường), từ đó VEC sẽ được chủ động quản lý sử dụng tài sản đó sao cho hiệu quả.

Thẳng thắn nhìn nhận, mô hình quản lý khai thác của VEC hiện đang tồn tại nhiều bất cập do vướng hàng loạt quy định của pháp luật, xác định rõ tài sản doanh nghiệp sẽ giúp tháo được nhiều “nút thắt” cho VEC.

Để nâng cao chất lượng phục vụ, lấy khách hàng làm chủ thể, vừa qua VEC đã thành lập Ban Công nghệ thông tin, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là xây dựng App công nghệ, kho dữ liệu quản lý hoạt động thu phí và các tài nguyên đi kèm. Khi tải và sử dụng App này, người tham gia giao thông trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý sẽ nắm được toàn bộ lộ trình tuyến, các dịch vụ dọc hành trình cũng như các quy định, chính sách và chương trình khuyến mại, tri ân khách hàng của VEC. Tóm lại, các dịch vụ theo con đường được tích hợp đầy đủ, tiện ích và rất hữu dụng.VEC đang làm tất cả để lấy lại hình ảnh, vực dậy một thương hiệu trong đầu tư xây dựng đường cao tốc nói riêng và ngành GTVT nói chung.

VIDIFI
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do VIDIFI làm chủ đầu tư

Ông Trần Anh Tú - Tổng Giám đốc VIDIFI:“Gỡ” vướng mắc tạo đà phát triển

Ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, VIDIFI đã rất quan tâm đến công tác quản lý chất lượng, do đó đơn vị đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng từ chủ đầu tư, tư vấn giám sát đến nhà thầu theo quy định. Các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các phần việc của dự án đều đảm bảo có đủ năng lực, từ khâu khảo sát, lập dự án đầu tư, thiết kế đến khâu thi công, giám sát thi công, nghiệm thu...

Ngay khi đưa vào khai thác, chủ đầu tư đã xây dựng các quy trình về quản lý, vận hành, thu phí và bảo trì đảm bảo rõ ràng, chặt chẽ. Hệ thống thu phí được triển khai theo hình thức thu phí kín, sử dụng công nghệ thẻ thông minh với máy phát thẻ tự động... đảm bảo thông suốt, không xảy ra ùn tắc tại trạm thu phí.

Vừa qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ, VIDIFI đã đầu tư lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) tại tất cả các trạm thu phí trên đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và QL5. Dữ liệu thu phí, camera giám sát thu phí tại tất cả các trạm được hậu kiểm, giám sát bởi nhiều bộ phận (giám sát trực tiếp tại trạm thu phí và giám sát tại Trung tâm điều hành). Công tác thu phí đảm bảo công khai, minh bạch, đã được các đoàn kiểm tra của Tổng cục ĐBVN kiểm tra và đánh giá tuân thủ đúng các quy định.

Hiện nay, vướng mắc lớn nhất của VIDIFI chính là hai khoản nợ chưa có hướng xử lý, khiến chủ đầu tư vẫn phải trả nợ lãi phát sinh với lãi suất 10%/năm, ảnh hưởng rất lớn tới phương án tài chính. Đây là các khoản VIDIFI được vay vốn theo lãi suất sát lãi suất thị trường; Nhà nước sẽ bố trí trả dần các khoản tham gia, hỗ trợ đối với dự án sau khi xây dựng xong. Vấn đề này cần phải tìm ra hướng giải quyết sớm, nếu không doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Để giảm thiểu UTGT tại các trạm thu phí do ít xe sử dụng dịch vụ ETC hoặc xe đã có thẻ ETC nhưng không đảm bảo theo quy định, VIDIFI đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN không tạm dừng thu, “xả trạm thu phí” khi nguyên nhân gây ùn tắc tại trạm thu phí có liên quan đến dịch vụ ETC. VIDIFI yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí điện tử tự động không dừng thực hiện tốt công tác dán thẻ, định danh loại xe... để giảm thiểu các lỗi xảy ra khi lưu thông qua trạm thu phí. Đồng thời, các đơn vị cung cấp dịch vụ ETC thống nhất quy trình quản lý, khắc phục ngay các lỗi về thẻ, phần mềm, đường truyền... để tránh gây bức xúc cho khách hàng.

Để nâng cao ý thức của người dân tham gia giao thông, lợi ích của việc sử dụng dịch vụ ETC, không đi nhầm vào làn ETC, kiểm tra tài khoản thanh toán trước khi qua trạm..., ngành GTVT cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu, nắm rõ và chấp hành nghiêm khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, góp phần giảm thời gian lưu thông qua các trạm thu phí.

Ý kiến của bạn

Bình luận