Tỷ phú Richard Branson |
Trong cuốn tự truyện của mình có tên Phong cách Virgin, tỷ phú Richard Branson dành ngay những trang đầu tiên kể về cha mẹ mình. Ông cho rằng đôi khi những bài học lãnh đạo tuyệt vời nhất lại xuất hiện từ chính những chốn không ngờ nhất. Có những phẩm chất lãnh đạo hẳn nhiên mang tính di truyền và không thể né tránh một thực tế: mỗi người đều là sản phẩm của sự nuôi dạy và môi trường xung quanh.
Sau đây là bài học lãnh đạo mà ông học được từ cách cư xử khéo léo từ người cha của mình:
Chuyện "ăn cắp" quỹ đen của bố
Hiếm khi nào tôi thấy có lỗi vì việc kiếm cho mình vài xu lẻ từ chỗ tiền lặt vặt bố vẫn hay dốc ra từ các túi rồi bỏ vào ngăn kéo trên cùng ở tủ quần áo trong phòng ngủ. Vốn tính hiếu kỳ con nít, tôi cũng khám phá ra rằng trong ngăn kéo ấy, bố cất giữ một thứ bí mật, mà ta vẫn hay gọi là "quỹ đen", (tôi nói hơi lạc đề rồi). Tự ý lấy chút tiền lẻ ở chỗ bố không phải là việc tôi coi như "ăn cắp" hay đại loại thế. Trong trí óc non nớt của tôi, chỉ là tôi "mượn tạm", và chẳng qua là bố con tôi không bao giờ thiết lập các điều khoản hay cơ cấu hoàn trả thôi mà.
Thế nhưng, hóa ra tôi chính là kẻ sẽ nhận được hoàn trả dưới hình thức tự đẩy mình vào cảnh rắc rối to. Nhà tôi ở ngay gần một cửa hàng bánh kẹo, và tôi đã dùng khoản thu nhập bất chính để mua sôcôla, món tôi hảo nhất chính là sôcôla Cadbury hạt phỉ và trái cây. Một hôm, tôi quen mui bén mùi, lấy một “khoản vay” lớn hơn thường lệ từ ngân hàng tủ áo của bố, và sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ thúc đẩy giá trị cổ đông cho nhà Cadbury.
“Bà cụ” chủ tiệm mau chóng ngửi thấy mùi gian lận. Bà không nói nửa lời với tôi, nhưng lần kế tiếp tôi vào tiệm bánh kẹo cùng bố, bà cho tôi một phen chết đứng khi xổ ra cả tràng: “Tôi không muốn đổ tiếng xấu cho cháu nó đâu, bác Branson ạ, nhưng tôi không biết cháu Richard lấy tiền đâu ra. Cháu đã trở thành khách hàng thân thiết nhất của tôi – nên tôi mong là cháu không ăn cắp tiền.” Tôi vẫn nhớ lời của bà chủ tiệm rõ mồn một như mới hôm qua, và nghĩ bụng: “Chả lẽ bà ấy nhất định phải bồi câu chết người ấy vào cuối cùng?”
Nhưng rồi, đúng lúc tôi tự nhủ: “Thôi, xong, thế là mình toi hẳn!” thì bố khiến tôi sững sờ khi cự lại ngay, nhìn thẳng vào mắt bà chủ tiệm và lớn tiếng: “Thưa bà, sao bà dám gán cho con tôi tội ăn cắp?” Tôi còn ngạc nhiên hơn, vì sau khi bước rầm rập ra khỏi tiệm, bố không nói thêm nửa lời về chuyện đó.
Thế nhưng, có những lúc, quyền năng của lời không-nói mạnh mẽ đến kinh người, và việc im lặng có chủ đích của bố cả ngày hôm đó nói lên rất nhiều điều. Thêm nữa, sự thực là bố đã lập tức xông lên, kịch liệt bảo vệ sự trong sạch của đứa con nhỡ-tay-ăn-cắp khiến cho tôi cảm thấy ăn năn hối lỗi và khổ sở hơn nhiều so với trường hợp bố nhiếc móc tôi ngay trước mặt bà chủ tiệm.
Cách hóa giải tình huống của bố hẳn nhiên đã dạy tôi một bài học gây chấn động lớn. Không những tôi không bòn rút một xu một hào nào từ bố mẹ nữa, chuyện hôm đó còn dạy tôi một bài học nhớ đời về sức mạnh của tha thứ và cho người khác cơ hội thứ hai. Tôi cũng muốn nói rằng tai nạn ấy còn khiến tôi hiểu ra tầm quan trọng của việc “còn hồ nghi chớ vội kết tội”, ngoại trừ bố tôi chẳng còn gì phải hồ nghi gì về thực hư sự việc ngày hôm ấy.
Xử trí với nhân viên "ăn cắp" của công ty
Mãi về sau, tôi đã gặp một việc tình cờ rất giống chuyện ở cửa hàng bánh kẹo ngày xưa, có điều lần này, tôi lại ở vào vai trò của bố tôi năm nào. Một hôm, đang ngồi ở hãng thu âm Virgin Records, tôi nhận được điện thoại từ một chủ tiệm băng đĩa gần đó, người này muốn “mật báo” cho tôi một tin đáng giá, là một nhân viên chỗ chúng tôi (anh ta nói tên), vừa mới chào bán cho anh ta một mớ đĩa Virgin Records mới tinh với giá thấp đáng ngờ và yêu cầu chỉ trả bằng tiền mặt.
Khi anh ta cúp máy bằng câu “Tôi hy vọng là nhân viên của anh không ăn trộm đĩa,” tôi lập tức có một thoáng ký ức ảo giác, khi tâm trí tôi vụt lên lời kết tội tương tự ở tiệm bánh kẹo hồi còn là một cậu nhóc.
Đáng buồn là, người mà anh chủ tiệm đĩa nói tên, hóa ra lại là một nhân sự chúng tôi coi là một trong những chuyên viên tìm kiếm nghệ sĩ (A&R) trẻ trung xuất sắc. Cho dù tôi không ưa gì những kiểu đối đầu như thế, thì lần này, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài lôi cậu ta vào văn phòng và nhắc lại những lời tôi vừa nghe kể lại. Anh chàng tội nghiệp mặt đỏ lựng và rõ là vô cùng hổ thẹn, nhưng không hề tìm cách chối tội hay biện hộ cho hành động của mình, thay vào đó, cậu chỉ nhất mực xin lỗi và nói rằng không thể bào chữa gì cho cách hành xử đó.
Thế nhưng, thay vì sa thải cậu ta ngay tại chỗ, như những gì cậu ta hoàn toàn có thể thấy trước, thì trong khoảnh khắc thúc bách ấy, tôi lại bảo cậu ta rằng mặc dù cậu ta khiến tôi và cả công ty phải thất vọng nhưng chúng tôi vẫn sẽ cho cậu ta một cơ hội nữa. Vẻ sửng sốt cực độ trên gương mặt cậu ta đã nói lên tất cả, và từ hôm đó trở đi, cậu ta vắt kiệt sức mình cho công ty và gặt hái được một sự nghiệp chói sáng. Trong quá trình đó, cậu đã đích thân phát hiện ra một số nghệ sĩ thành công nhất cho Virgin Records – Boy George là một trong số đó.
Tuy vậy, khi bàn tới chuyện cần một cơ hội thứ hai, không ai tha thiết cần nó hơn các cựu tù nhân, những người đang tìm cách bắt đầu lại cuộc đời sau khi mãn án. Điều đáng buồn là nếu thật thà mà đánh dấu vào ô “có tiền án/ tiền sự” trên mẫu đơn ứng tuyển, họ hiếm khi nào nhận được lời mời phỏng vấn, chứ đừng nói là kiếm nổi một công việc.
Trớ trêu thay, kết quả thường có xu hướng là một lời tiên-đoán-tự-thực-hiện rõ ràng. Nếu họ không kiếm được công ăn việc làm, các số liệu cho thấy 50% hoặc nhiều hơn thế những cựu phạm nhân lựa chọn lối thoát có vẻ dễ dàng hơn và viện đến phạm tội như phương cách duy nhất để kiếm sống, rồi mau chóng quay lại phía sau song sắt.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.