Đẩy mạnh công tác ứng phó biến đổi khí hậu

Tác giả: P.V (tổng hợp)

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 28/12/2015 07:08

Việt Nam là một trong số những nước dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm ứng phó với hiện tượng này.

Đẩy mạnh công tác ứng phó biến đổi khi
Việt Nam là một trong 10 nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu

Chủ động thích ứng

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, Việt Nam là một trong 10 nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là vào cuối thế kỷ này. Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam, lại là một trong ba đồng bằng trên thế giới chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu trong tương lai. Bên cạnh đó, với đặc điểm Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.200km nên biến đổi khí hậu còn tác động trực tiếp đến 28 tỉnh ven biển và đồng bằng sông Hồng.

Vì vậy thời gian qua, các cơ quan thường trực ứng phó với biến đổi khí hậu cùng với Ủy ban quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu đã cụ thể hóa ứng phó với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, xây dựng các chương trình hành động, chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với chiến lược biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết ứng phó với biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nghị quyết rất mới, nhằm thực hiện hiệu quả việc ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực này.

Mặt khác, do khí hậu trái đất thay đổi ngoài dự đoán của các nhà khoa học nên cần phải điều chỉnh kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2100, dự báo đồng bằng sông Cửu Long ngập thế nào? TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ra sao? để cần phải có điều chỉnh kịch bản cho phù hợp.

Nhận thức rõ tầm quan trọng và những nguy cơ, thách thức của biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và ô nhiễm môi trường, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết đề cập đến các vấn đề trên, đặc biệt là hệ thống chính sách pháp luật, tổ chức bộ máy về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường sớm được hình thành, như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng… Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh; Chiến lược Quản lý tổng hợp chất thải rắn...

Là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã sớm tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto. Đồng thời, việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được đưa vào chương trình giáo dục ở các cấp học và được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, qua đó, nhận thức của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành và toàn dân về vấn đề này đã có bước chuyển biến tích cực. Các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ tài nguyên, môi trường đã được triển khai và đạt một số kết quả bước đầu.

Nhiều bất cập cần khắc phục

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục. Đó là, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về biến đổi khí hậu chưa đầy đủ, chưa thống nhất. Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng, thiếu đồng bộ; năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vẫn chủ yếu tập trung vào ứng phó và khắc phục hậu quả mà chưa chú trọng đúng mức đến chủ động phòng ngừa. Tài nguyên chưa được điều tra, đánh giá đầy đủ tiềm năng giá trị; chưa được khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững. Ô nhiễm môi trường còn diễn ra phổ biến, một số nơi rất nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, các chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường còn bất cập, thiếu đồng bộ và chưa sát với thực tế; tổ chức bộ máy và nhân lực về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn bất cập, năng lực còn hạn chế….

Ý kiến của bạn

Bình luận