Đẩy mạnh triển khai toàn diện các nội dung của Đề án 844

Tác giả: Đăng Minh

saosaosaosaosao
Ứng dụng 05/09/2019 10:16

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác triển khai các nhiệm vụ trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844); đồng thời tạo cơ hội kết nối giữa các đơn vị triển khai nhiệm vụ Đề án 844 và cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, Văn phòng Đề án 844 phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia tổ chức hội thảo với chủ đề: Định hướng triển khai nhiệm vụ Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Chương trình có sự tham gia của gần 50 đơn vị đã, đang và sẽ triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án 844 các năm.

 

anh 1 ong Pham Dung Nam
Ông Phạm Dũng Nam – Giám đốc Văn phòng Đề án 844 đã giới thiệu tổng quan và định hướng triển khai Đề án 844 giai đoạn 2019 – 2025

Tại Hội thảo, ông Phạm Dũng Nam – Giám đốc Văn phòng Đề án 844 đã giới thiệu tổng quan và định hướng triển khai Đề án 844 giai đoạn 2019 – 2025. Theo đó, mục tiêu của Đề án 844 nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại địa chỉ startup.gov.vn.

Ông Phạm Dũng Nam cho biết thêm: Đến năm 2025, mục tiêu của Đề án hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; trong đó 600 dự án phát triển thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn tới, Đề án 844 sẽ tập trung đào tạo, nâng cao số lượng và chất lượng huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Gia tăng về số lượng các chương trình thúc đẩy kinh doanh chất lượng, từ đó nâng cao khả năng gọi vốn của startup; Hỗ trợ startup phát triển thị trường, liên kết với các trường đại học, tập đoàn, doanh nghiệp lớn; Đẩy mạnh dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho startup thông qua mạng lưới chuyên gia, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Đẩy mạnh hoạt động kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế.

Đặc biệt, tại Hội thảo ông Lê Văn Nam, Cán bộ văn phòng Đề án 844 đã giới thiệu Thông tư 45/2019/TT-BTC quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án 844. Theo đó, Thông tư quy định về nội dung và mức chi để phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể: Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật của một số cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung cho các nhóm khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo: Đối tượng thuộc phạm vi hỗ trợ phải đáp ứng các điều kiện quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung cho các nhóm khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Đơn vị phải lập và quản lý dự án nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Trong đó, tổng dự toán kinh phí hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật không vượt quá 30% tổng mức kinh phí thực hiện của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hỗ trợ kinh phí đối với nhiệm vụ tư vấn thành lập cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thành lập cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Tối đa không quá 80.000.000 đồng/nhiệm vụ/doanh nghiệp. Nội dung các hoạt động tư vấn được thực hiện theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Khoa học và Công nghệ.

anh 2 toàn canh
Toàn cảnh Hội thảo

Đối với nội dung và mức chi đối với hoạt động truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Thông tư quy định cụ thể như sau: Hỗ trợ tối đa 50% kinh phí xây dựng chương trình truyền thông về hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ đầu tư cho khởi nghiệp và phổ biến tuyên truyền các điển hình khởi nghiệp thành công của Việt Nam theo nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thông tư quy định: Hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trả tiền công lao động trực tiếp; sử dụng các dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; sử dụng không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ và tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn ở nước ngoài. Trong đó ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thành tích xuất sắc, đạt thứ hạng cao tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp quốc gia hoặc quốc tế.

Thời gian hỗ trợ, tối đa không quá 01 năm/doanh nghiệp; Số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ, tối đa không quá 10 doanh nghiệp/năm.

Hỗ trợ kinh phí sử dụng dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (gồm: đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp; marketing, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khai thác, thông tin công nghệ, sáng chế; thanh toán, tài chính; đánh giá, định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; tư vấn pháp lý, sở hữu trí tuệ, đầu tư, thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ): Mức kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 80.000.000 đồng/doanh nghiệp.

Hỗ trợ tối đa 50% kinh phí cung cấp không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa không quá 10 doanh nghiệp/năm.

Hỗ trợ tối đa không quá 50% kinh phí để doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn tại một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh uy tín ở nước ngoài (tối đa không quá 02 người/doanh nghiệp được cử đi tham gia các khóa huấn luyện). Số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa không quá 10 doanh nghiệp/năm.

Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ thêm về kinh nghiệm xây dựng chương trình thúc đẩy kinh doanh của Vietnam Silicon Valley; cách thức tổ chức 01 khóa đào tạo về khởi nghiệp sáng tạo hiệu quả; các thức xây dựng hoạt động truyền thông thuộc Đề án 844. Đặc biệt, đại diện Văn phòng Đề án 844, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Cục PTTT), Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia (VPCT) đã giải đáp những vướng mắc mà các đơn vị gặp phải trong quá trình triển khai nhiệm vụ. 

Buổi hội thảo hướng tới nâng cao hiệu quả công tác triển khai các nhiệm vụ trong khuôn khổ Đề án 844 thời gian tới; đồng thời tạo cơ hội kết nối giữa các đơn vị triển khai nhiệm vụ và cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên cả nước. 

Ý kiến của bạn

Bình luận