Nhóm nghiên cứu làm việc tại Phòng Thí nghiệm mô phỏng của Trường Đại học Xây dựng |
Những nước có thu nhập thấp và trung bình (LMICs) có tỷ lệ người chết và bị thương về TNGT cao gấp hai lần các nước có thu nhập cao, trong khi tổng số dân chiếm 82% dân số toàn cầu. LMICs chỉ chiếm 52% số phương tiện đăng ký và có tỷ lệ người chết vì TNGT đặc biệt cao.
Mục tiêu của nhóm nghiên cứu sức khỏe toàn cầu (GHRG) là nhằm làm giảm số vụ tai nạn và mức độ nghiêm trọng của tai nạn giữa các nước thuộc nhóm LMICs thông qua cách tiếp cận với quan điểm “giải pháp khu vực cho những vấn đề khu vực”. Bốn đại diện cho các mức độ kinh tế khác nhau đã cùng tham gia vào dự án nghiên cứu này. Việt Nam - nước có thu nhập trung bình, đại diện là Trường Đại học Xây dựng (NUCE); Bangladesh - nước có nền kinh tế chậm phát triển (đại diện là Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Bangladesh); Kenya - nước có thu nhập thấp (đại diện là Trường Đại học Stramore) và Trung Quốc - nước có thu nhập trên trung bình, đại diện là Trường Đại học Thanh Hoa).
Nhóm nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của Đại học Southampton, Vương quốc Anh và trưởng nhóm là GS. TSKH. Neville A. Stanton - một trong những chuyên gia đầu ngành thế giới về nghiên cứu ứng dụng nhân tố con người và hành vi trong nhiều vấn đề an toàn khác nhau, trong đó có giao thông đường bộ. Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Xây dựng gồm nhiều chuyên gia, nhà khoa học, trong đó PGS. TS. Vũ Hoài Nam là trưởng nhóm nghiên cứu và TS. Đỗ Duy Đỉnh là thành viên nghiên cứu chủ chốt.
Nhóm nghiên cứu làm việc tại Trường Đại học Xây dựng |
Phương pháp nghiên cứu mới có tên gọi là “Phương pháp xã hội - kỹ thuật”, gọi tắt là STARS mà nhóm nghiên cứu đang thực hiện nhắm tới các vấn đề ATGT với 7Es bao gồm: Công thái học (Ergonomics), Kinh tế (Economics), Y tế (Emmergency), Giáo dục (Education), Thể chế (Enablement). STARS có 4 mục tiêu chính:
- Đánh giá tình trạng ATGT của mỗi nước thuộc LMICs;
- Đề xuất giải pháp giảm TNGT trên góc độ xem ATGT là một hệ thống phức tạp và đánh giá trên phương pháp hệ thống xã hội - kỹ thuật dựa trên số liệu tại mỗi quốc gia;
- Đánh giá giải pháp từ mô phỏng môi trường người lái xung quanh (một trong những mục tiêu của dự án là trang bị công cụ mô phỏng hiện đại cho mỗi trường đại học kể trên);
- Chuyển giao những kết quả nghiên cứu hướng tới định hướng, hướng dẫn nghiên cứu, chính sách, thể chế làm giảm TNGT của mỗi quốc gia, làm giảm thiệt hại sức khỏe cộng đồng.
Lợi ích mang lại của dự án nghiên cứu không chỉ giảm số người chết và bị thương vì TNGT mà xa hơn nữa, STARS sẽ trang bị mỗi quốc gia những nền tảng khoa học mới và công cụ để tiếp tục có được những con đường an toàn hơn sau khi dự án kết thúc vào năm 2020.
PGS. TS. Vũ Hoài Nam – Trưởng nhóm nghiên cứu Việt Nam trình bày tại Hội nghị quốc tế |
Ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu tập trung vào việc xây dựng mô hình STARS trong điều kiện thể chế chính sách, xã hội, kỹ thuật thực tại. Hệ thống giao thông đường bộ được chia làm các lớp chủ thể từ cao xuống thấp. Trong đó, cao nhất là Quốc hội và Chính Phủ và dưới cùng là con đường và các điều kiện khai thác. Các loại hình tai nạn được tiếp cận từ dưới lên (hạ tầng kỹ thuật, người lái, phương tiện) và từ trên xuống (Quốc hội, Chính phủ đến các UBND địa phương), trên cơ sở đó hình thành các phác đồ tai nạn (AcciMap). Phương pháp tiếp cận này kết hợp với mô hình đánh giá quá trình kiểm soát và vận hành (STAMP) cho phép đánh giá được những tồn tại của hệ thống có liên quan đến TNGT, qua đó có thể đề xuất các giải pháp liên quan đến hệ thống như chiến lược, chính sách giao thông, các mối quan hệ giữa các chủ thể, cơ chế vận hành, cơ chế kiểm soát và phản hồi. Đây là những phương pháp mới và hiện đại được dùng trong đánh giá các hệ thống phức tạp và đã được ứng dụng ở nhiều nước không chỉ trong giao thông mà còn trong những vấn đề xã hội phức tạp khác như kiểm soát dịch bệnh, thảm họa...
Một nhánh nghiên cứu khác mà nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Xây dựng đang thực hiện cùng các chuyên gia quốc tế là xây dựng mô phỏng hành vi con người trong quá trình điều khiển. Một phòng mô phỏng lái giả lập, dưới sự tài trợ của Đại học Southampton và các chuyên gia về kỹ thuật nhân tố con người đã được xây dựng tại Trường. Hệ thống mô phỏng cho phép ghi chép đánh giá hành vi của người lái như thái độ, khả năng điều khiển, phản ứng, qua đó đánh giá trực tiếp các giải pháp thiết kế, tổ chức giao thông thực tế có ảnh hưởng đến người lái xe, phát hiện những rủi ro TNGT mà các giải pháp thẩm tra, kiểm toán ATGT thường khó có thể phát hiện được.
Không chỉ thế, các phương pháp kỹ thuật nhằm phát hiện hành vi trong quá trình tham gia giao thông của người đi xe máy, ô tô, đi bộ cũng đang được phát triển tại Trường Đại học Xây dựng.
Với mục tiêu của hướng nghiên cứu này nhằm bác bỏ những kết luận về nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do người điều khiển. Quan điểm tiếp cận là những kết luận như vậy không phải là sự kết thúc của một quá trình phân tích tai nạn mà phải là một sự bắt đầu của câu hỏi “vì sao người điều khiển làm như vậy?” nhằm giải quyết căn nguyên của TNGT. Chính vì vậy, lồng ghép khoa học về phân tích môi trường làm việc của người tham gia giao thông tác động đến hành vi tham gia giao thông cũng như áp dụng các giải pháp khoa học về tâm, sinh lý người tham gia giao thông sẽ tạo được môi trường làm việc thuận lợi và an toàn cho người tham gia giao thông.
Với một mục tiêu chung, các chương trình nghiên cứu tại Trường Đại học Xây dựng hướng tới là:
- Chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho các chủ thể có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến ATGT đường bộ ở Việt Nam;
- Đào tạo, chuyển giao các phương pháp nghiên cứu khoa học mới trong lĩnh vực ATGT đường bộ cho những người làm về ATGT trong nước;
- Ứng dụng các phương pháp tiếp cận mới trong các vấn đề thực tiễn ở Việt Nam.
Vì mục tiêu ATGT cho mọi nhà, Trường Đại học Xây dựng đang nỗ lực trong các nghiên cứu nhằm góp phần thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong việc giảm số người chết, số người bị thương liên quan đến TNGT đường bộ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.