Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 26/07/2018 09:40

Trong 6 tháng đầu năm 2018, vượt lên những khó khăn, ngành GTVT đã phấn đấu hoàn thành nhiều công trình, dự án quy mô lớn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước.

 

CL2
Cầu Cao Lãnh được đưa vào khai thác tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Năm 2018, ngành GTVT đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác hàng loạt công trình trọng điểm, trong đó có nhiều tuyến cao tốc quy mô lớn, kỳ vọng tạo động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy trong 6 tháng đầu năm, lãnh đạo Bộ GTVT đã trực tiếp kiểm tra, tăng cường công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác 9 dự án và hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 12 dự án mới.

Cụ thể, đến nay Bộ GTVT đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) và đang tiến hành thẩm định hồ sơ của 3 dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam (đoạn Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây); tiếp tục tập trung hoàn thành báo cáo FS các dự án còn lại theo đúng kế hoạch đề ra. Đồng thời, Bộ GTVT đã ký hợp đồng tư vấn lập FS tổng thể Dự án Cảng Hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch CHKQT Tân Sơn Nhất theo thẩm quyền. Hiện nay, Bộ GTVT đang tập trung hoàn thiện quy hoạch, đồng thời khẩn trương chuẩn bị các thủ tục để đầu tư ngay sau khi Quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Bộ GTVT đã thẩm định báo cáo đầu kỳ Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng…

Về công tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá, thời gian qua dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ngành GTVT đã hoàn thành nhiều công trình, dự án hạ tầng quy mô lớn. Điển hình là khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Cao Lãnh -  một trong những cây cầu lớn của cả nước, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

“Nhiều công trình giao thông trọng điểm cũng đã có những chuyển biến lớn về tiến độ thực hiện như: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đây đều là những dự án đã có vốn, chúng ta phải cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị triển khai đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng đảm bảo tiến độ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

 Theo Bộ trưởng, trong tháng 7 Bộ GTVT sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 10 dự án, còn lại dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ phê duyệt vào tháng 9/2018. Đề án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng đang trong quá trình xây dựng báo cáo FS, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2019. Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chuyển biến tích cực khi nhà đầu tư đã ký kết được hợp đồng tín dụng cho dự án trị giá hơn 6.000 tỷ đồng, dự kiến công tác thi công sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Công tác chuẩn bị đấu thầu cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang gấp rút triển khai, hiện đã có 4 liên danh nhà đầu tư nộp hồ sơ sơ tuyển, trong đó có 3 liên danh nhà đầu tư trong nước và 01 liên danh nhà đầu tư nước ngoài kết hợp với nhà đầu tư trong nước đăng ký tham gia dự tuyển. Trong quý III, dự án sẽ tiến hành tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và phấn đấu hoàn thành xây dựng công trình vào cuối năm 2021.

Cần đẩy mạnh công tác giải ngân

Theo báo cáo của Chính phủ, Bộ GTVT là một trong những bộ, ngành luôn đi đầu trong công tác giải ngân. Theo kết quả mới được công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về công tác giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương trong những tháng đầu năm 2018, Bộ GTVT xếp ở vị trí thứ 6 trong Top 10 cơ quan có tỷ lệ giải ngân cao nhất. Nếu chỉ tính riêng các bộ, ngành Trung ương, tỷ lệ giải ngân của Bộ GTVT chỉ xếp sau Bộ Khoa học và Công nghệ.

Về công tác giải ngân, theo ông Trần Minh Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay tổng cộng các nguồn vốn được giao, dự kiến giải ngân năm 2018 là 33.912,695 tỷ đồng, bao gồm 18.643,417 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước, 2.586,115 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, 2.683,163 tỷ đồng vốn kéo dài kế hoạch 2017 sang thực hiện, giải ngân năm 2018 và 10.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách nhà nước. Trong đó, 6 tháng đầu năm Bộ GTVT đã giải ngân ước đạt 14.811,29 tỷ đồng, đạt 43,67% kế hoạch năm 2018.

Cụ thể, nguồn vốn ngân sách nhà nước ước giải ngân 9.361,44 tỷ đồng, đạt 50,21% kế hoạch năm 2018. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ ước giải ngân 492,5 tỷ đồng, đạt 19,04% kế hoạch. Nguồn vốn kéo dài kế hoạch 2017 sang thực hiện, giải ngân năm 2018 ước giải ngân 272,34 tỷ đồng, đạt 10,15% kế hoạch. Nguồn vốn ngoài ngân sách ước giải ngân 4.685 tỷ đồng, đạt 46,85% kế hoạch năm 2018.

“Mặc dù số vốn đầu tư công giải ngân đầu năm 2018 đã có những kết quả khả quan nhưng vẫn thấp hơn kế hoạch dự kiến của Bộ GTVT đề ra. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT trong những tháng đầu năm còn chậm do các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ chủ yếu là các dự án đang trong giai đoạn thiết kế, dự toán và lựa chọn nhà thầu”, ông Phương cho biết.

Trong thời gian tới, để có thể giải quyết công tác giải ngân, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị Vụ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho chủ đầu tư sau đó phân bổ vốn. Hiện nay, mặc dù một số dự án đang trình Quốc hội thông qua nhưng các đơn vị liên quan cần chủ động xây dựng kế hoạch giải ngân để khi thông qua chủ trương thì có thể triển khai ngay, tránh chậm trễ.

Đánh giá về tình hình giải ngân những tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Những chủ đầu tư, ban QLDA có tỷ lệ giải ngân dưới 43% chứng tỏ thuộc dạng yếu kém, giải ngân chậm đồng nghĩa với việc tiến độ công trình chậm. Bộ đã nhắc nhở nhiều lần, giờ là lúc cần phải có chế tài xử lý đối với những chủ đầu tư giải ngân kém. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ không bố trí vốn cho các chủ đầu tư, ban QLDA giải ngân trì trệ. Khi nào chủ đầu tư giải ngân dứt điểm toàn bộ mới được xem xét giao vốn

 

Tập trung hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

Để hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 nói riêng và kế hoạch năm 2018 nói chung, bên cạnh việc tiếp tục bám sát Chương trình hành động của Bộ GTVT, toàn Ngành cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, phấn đấu hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm và cả năm 2018 trên tất cả các lĩnh vực. 

Trong đó, các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai xây dựng các văn bản QPPL và đề án thuộc Chương trình công tác năm 2018; bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự thảo văn bản QPPL và đề án trong chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2018 của Bộ GTVT; tập trung triển khai thực hiện các văn bản QPPL, chiến lược, quy hoạch và các đề án khác đã được ban hành; tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cơ chế chính sách đẩy mạnh huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch năm 2018; đẩy nhanh công tác chuẩn bị để sớm triển khai các dự án trọng điểm của Ngành như: Dự án CHKQT Long Thành, mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam...; đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (giai đoạn 2), cầu Vàm Cống, đường sắt Cát Linh - Hà Đông, thu phí tự động không dừng…

Ý kiến của bạn

Bình luận