Hàng dài xe đạp đang bị “đắp chiếu” trong Trường Đại học Công nghiệp. |
Đìu hiu vì “ế” khách
Theo tìm hiểu, từ năm 2014, Hà Nội tiến hành thí điểm đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại 4 điểm trường: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Thương mại và Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Mục tiêu của đề án đưa ra giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguồn nhiên liệu để hướng tới Thủ đô xanh - sạch - đẹp. Đặt nhiều kỳ vọng là vậy nhưng trên thực tế sau 4 năm triển khai thực hiện các điểm cho thuê xe đạp này chỉ hoạt động trong một thời gian rất ngắn rồi bị “đắp chiếu” do ế khách và thiếu nguồn lực để duy trì dịch vụ.
Theo ghi nhận thực tế tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, nơi duy nhất còn điểm cho thuê xe đạp công cộng, hình ảnh đầu tiên là một dãy dài xe đạp xếp chỏng chơ, nằm lẩn khuất ở một góc sân trường. Những chiếc xe đạp sau một thời gian dài không được sử dụng, nằm phơi nắng phơi mưa đến nay đã hoen gỉ đi rất nhiều. Bên cạnh đó, phòng trông giữ xe cũng bị bỏ trống, bên trong là nhiều giấy tờ ghi tên, số điện thoại của những người đã từng thuê xe. Đáng nói, dù biển “Cho thuê xe” còn nguyên, số điện thoại liên hệ trực tiếp với người trông giữ, được dán trên mặt kính của phòng trông giữ xe nhưng khi gọi thì không thấy ai trả lời.
Khi được hỏi về dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng ở trường mình, đa số các bạn sinh viên đều không hề biết đến dịch vụ này vì từ lâu đã thấy dãy xe này nằm ở đó mà không có ai trông giữ, cũng không thấy ai thuê. Bạn Lê Minh Thông (sinh viên Trường Đại học Công nghiệp) chia sẻ: “Tôi nhìn thấy dãy xe đạp này nằm không ở đây từ lâu lắm rồi. Thỉnh thoảng, có vài bạn sinh viên thuê xe đi chơi. Đôi lúc muốn dạo phố bằng xe đạp, mình cũng có ý định thuê nhưng lại không thấy người trông xe”.
Tại 3 địa điểm còn lại là Đại học Thương mại, Cao đẳng Sư phạm Trung ương và Đại học Điện lực thậm chí còn “mất tích” luôn những điểm cho thuê xe đạp. Khi được hỏi, một bảo vệ thuộc Trường Đại học Điện lực khẳng định trong trường không có điểm thuê xe nào. Riêng những trường còn lại, lực lượng bảo vệ cho biết, trước đây có điểm thuê xe nhưng sau đó không biết bị di chuyển đi đâu.
Đề án hay nhưng ế vì thói quen…
Dưới góc độ chuyên gia giao thông đô thị, trong nhiều cuộc hội thảo về mô hình xe đạp công cộng ở Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, ở trên thế giới, mô hình xe đạp công cộng đang rất được ưa chuộng và được ứng dụng một cách rất có hiệu quả điển hình như ở Pháp. Để gia tăng số lượng xe đạp công cộng, Chính phủ Pháp đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế các phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Đồng thời, đặt tới 55.000 trạm xe đạp tự do ở khắp 42 thành phố; khuyến khích và tạo sự hỗ trợ tối đa nhất cho người dân di chuyển bằng xe đạp, kể cả người già và trẻ em. Trong khi đó, tại Việt Nam, đề xuất thí điểm xe đạp công cộng tại Hà Nội không khả thi bởi chưa có bãi đỗ xe, giao dịch tự động, kết nối đồng bộ với xe buýt. Thậm chí xe đạp chưa được phân làn riêng, đi lẫn với ô tô, xe máy, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông… |
Nhiều người khi được hỏi thì khẳng định đây là đề án hay. Họ cho rằng, với những người có phạm vi di chuyển ngắn hay mật độ đi lại thấp như học sinh, người cao tuổi… việc sử dụng xe đạp giúp họ dễ dàng làm chủ được phương tiện, nhất là tốc độ. Không chỉ tiết kiệm, tốc độ hợp lý, dễ sử dụng mà xe đạp còn thân thiện với môi trường và hỗ trợ việc rèn luyện sức khỏe.Trên thực tế, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những năm gần đây đang có xu hướng gia tăng, nhiều đề án được đưa ra nhằm giảm thiểu tình trạng này nhưng đều đi vào ngõ cụt. Dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng là một trong những đề án được trông đợi góp phần giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, sau 4 năm thí điểm đường vẫn cứ tắc, phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy) tiếp tục gia tăng mạnh trong khi đó dịch vụ xe đạp công cộng được nhiều kỳ vọng lại không có khách hàng.
Tuy nhiên, ứng dụng của xe đạp công cộng trong đời sống lại chưa được đánh giá cao bởi hầu hết các ý kiến đều cho rằng, dịch vụ này khó có thể khả thi trong điều kiện giao thông ở Việt Nam hiện nay bởi phần lớn người dân đang sở hữu xe gắn máy và không dễ dàng để chuyển đổi sang sử dụng xe đạp. Bên cạnh đó, xe đạp còn thiếu hấp dẫn đối với người sử dụng bởi thiếu tính an toàn, điều kiện về hạ tầng giao thông không đảm bảo và không phù hợp với thói quen đi lại của người dân.
Đánh giá về hình thức xe đạp công cộng, nhiều người cũng cho rằng, phương tiện này chỉ phù hợp với nhu cầu di chuyển từ cự ly 5km trở lại. Xe đạp sẽ rất hiệu quả nếu được kết nối tốt với phương tiện công cộng. Tuy nhiên, sự thua kém về tốc độ, tính tiện ích cùng với quy hoạch giao thông đơn sơ thì xe đạp vẫn chưa thể thay thế và cạnh tranh với xe máy.Chị Đào Trúc Linh (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền) cho rằng: “Đi xe đạp rất tốt cho sức khỏe, bản thân tôi vẫn đạp xe đi học mỗi ngày.
Thế nhưng nó chỉ phù hợp với người có thời gian dỗi, di chuyển với quãng đường ngắn và không đi vào giờ cao điểm. Còn nếu đi đường dài và đi vào giờ cao điểm thì vừa mất thời gian lại rất nguy hiểm, vì tốc độ đi chậm và ở Việt Nam không có đường dành riêng cho người đi xe đạp”.
Dưới góc độ chuyên gia giao thông đô thị, trong nhiều cuộc hội thảo về mô hình xe đạp công cộng ở Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, ở trên thế giới, mô hình xe đạp công cộng đang rất được ưa chuộng và được ứng dụng một cách rất có hiệu quả điển hình như ở Pháp. Để gia tăng số lượng xe đạp công cộng, Chính phủ Pháp đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế các phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Đồng thời, đặt tới 55.000 trạm xe đạp tự do ở khắp 42 thành phố; khuyến khích và tạo sự hỗ trợ tối đa nhất cho người dân di chuyển bằng xe đạp, kể cả người già và trẻ em.
Trong khi đó, tại Việt Nam, đề xuất thí điểm xe đạp công cộng tại Hà Nội không khả thi bởi chưa có bãi đỗ xe, giao dịch tự động, kết nối đồng bộ với xe buýt. Thậm chí xe đạp chưa được phân làn riêng, đi lẫn với ô tô, xe máy, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ngoài ra, ý thức sử dụng xe đạp chưa tốt cũng như tâm lý thích vươn tới những phương tiện cơ giới cao hơn (ô tô, xe máy) của người dân vẫn còn phổ biến cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho đề án xe đạp công cộng của từ một đề án hay lâm vào tình cảnh ế ẩm như hiện nay.
Để dịch vụ xe đạp công cộng có thể đi vào thực tiễn một cách hiệu quả thì vấn đề đầu tiên phải giải quyết là khâu hạ tầng. Cần có đường riêng cho xe đạp và một mạng lưới xe đạp được tổ chức hợp lý, bảo quản tốt, đảm bảo thuận lợi cho người đi. Ngoài ra, một vấn đề không kém phần quan trọng là điều chỉnh giá cả cho thuê sao cho hợp lý, phù hợp với các đối tượng thường xuyên sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển ở Việt Nam.
Hướng tới Thủ đô văn minh, hiện đại và thành phố thông minh,việc triển khai các điểm cho thuê xe đạp là cần thiết để kết nối các phương tiện giao thông công cộng và giảm thiểu lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để có thể phát huy tính hiệu quả của đề án và tránh gây lãng phí có lẽ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nghiêm túc xem xét lại việc triển khai đề án này sao phù hợp với tình hình thực tiễn cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam hiện nay; đặc biệt là thói quen đi lại của người dân.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.