Để các công ty không muốn rời Việt Nam

Thị trường 14/12/2018 06:44

“Tất cả chúng ta ở đây đều muốn đảm bảo rằng không có lý do gì mà các công ty nên rời khỏi Việt Nam", cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ quan điểm trước bối cảnh dòng vốn đầu tư đang có sự dịch chuyển.


1vbf
Diễn đàn thu hút đông đảo doanh nghiệp nước ngoài trao đổi cởi mở với đại diện Chính phủ. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2018, nhiều đại diện Hiệp hội doanh nghiệp lớn đã có những trao đổi thẳng thắn và nêu nhiều kiến nghị với Chính phủ trong thiết kế chính sách cũng như điều hành.

Ông Michael Kelly, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, căng thẳng đang diễn ra trong thương mại giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc đã làm nổi bật rủi ro của các cơ sở sản xuất tập trung ở một quốc gia đơn lẻ và đang kích hoạt việc tái tổ chức chuỗi cung ứng.

Một cuộc khảo sát gần đây của AmCham tới các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Trung Quốc cho thấy một phần ba đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài.

Một cuộc khảo sát riêng biệt của các công ty nước ngoài từ các quốc gia khác cho thấy một nửa đang cân nhắc việc di dời và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của họ.

Trung Quốc vẫn sẽ là một thành viên quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng với sự dịch chuyển đầu tư, Việt Nam đang có thể đạt được lợi ích. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng triệt để cơ hội này để tiếp tục giữ vững tốc độ kinh tế tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

“Tất cả chúng ta ở đây đều muốn đảm bảo rằng không có lý do gì mà các công ty nên rời khỏi Việt Nam. Quan trọng hơn, các thủ tục hành chính ràng buộc phi hiệu quả phải được kiểm soát và khung pháp lý và thuế của quốc gia phải được ổn định và có thể dự đoán được”, ông Michael Kelly, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ bày tỏ.

Đại diện AmCham cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn trong tương lai mà còn để duy trì vốn đầu tư đã có tại đây. Những thay đổi thường xuyên và hồi tố của các đạo luật và quy định - bao gồm thuế suất và chính sách - là những rủi ro đáng kể đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Những thay đổi này ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư và kinh doanh của các dự án đã được cấp phép. AmCham khuyến nghị Chính phủ nên xem xét việc hướng dẫn về bảo vệ đầu tư để ngăn chặn các hiệu ứng ràng buộc tiêu cực và hồi tố của các điều luật và quy định mới đối với các dự án hiện nay.

“Các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài cần một môi trường hỗ trợ và công bằng như nhau để phát triển và mối quan hệ của họ với các cơ quan hành chính cần phải tương hỗ và minh bạch”, đại diện Amcham khuyến nghị.

Lãnh đạo Amcham bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Chính phủ về xây dựng nền kinh tế số của Việt Nam. Nền kinh tế số có thể giúp giảm đáng kể chi phí, cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho nhiều người tiêu dùng hơn và tăng khả năng tiếp cận các thị trường mới và lớn hơn.

Đại diện Amcham đưa ra số liệu tính toán, đó là, tự do hoá truyền tải dữ liệu xuyên biên giới có thể giúp Việt Nam tăng GDP thêm 3,46 tỷ USD, tăng đầu tư vào Việt Nam khoảng 920 triệu USD. Đại diện Amcahm cũng bày tỏ mong muốn hạn chế những quy định cản trở luồng dữ liệu dịch chuyển tự do, vì hầu hết các nhà đầu tư sẽ thoải mái hơn khi đầu tư vào quốc gia không bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu cục bộ.

Đại diện doanh nghiệp trao đổi bên lề Diễn đàn. Ảnh:VGP/Huy Thắng.Ông Koji Ito, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, để đẩy mạnh cải cách DNNN, yêu cầu quan trọng trên hết là thu hút nguồn đầu tư chất lượng từ các nước trong đó có Nhật Bản. Với những DNNN đang có chỗ đứng tốt và được nhiều nhà đầu tư biết đến, cần bảo đảm định giá hợp lý khi chào bán cổ phần nhà nước; áp dụng các quy trình M&A chuẩn quốc tế; cần có biện pháp triệt để hơn để bảo đảm quyền của cổ đông thiểu số.

Còn với những DNNN không thuộc nhóm có vị thế tốt, nên kiên nhẫn và tập trung hơn vào việc cải thiện mức độ thu hút của những doanh nghiệp này để trở thành những mục tiêu đầu tư, chẳng hạn thông qua việc tăng cường chất lượng quản trị công ty, cải thiện hiệu quả quản lý, nâng cao năng suất, có biện pháp tái cấu trúc, để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Về phát triển công nghiệp phụ trợ, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh các nỗ lực nhằm phát triển công nghiệp địa phương theo các chuẩn mực quốc tế và đạt năng lực cạnh tranh tầm quốc tế để không bị rơi vào “bẫy” tăng trưởng đi ngang mà nhiều nền kinh tế mới nổi khác từng gặp phải, kể cả Nhật Bản.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khẳng định, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, quan tâm đến rất nhiều khía cạnh của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự nỗ lực đến từ một phía là chưa đủ. Cần có sự chủ động, tham gia tích cực của chính cộng đồng doanh nghiệp trong các hành động, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trong đầu tư, kinh doanh.

Qua Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) các khó khăn vướng mắc đã được cộng đồng doanh nghiệp chuyển tải tới các cơ quan Chính phủ. Những đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn này hay trong bất kỳ hoạt động nào khác sẽ sẽ đóng góp tích cực cho Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu sớm vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, hướng đến tiêu chuẩn của các nước phát triển (OECD) và nâng cao hơn nữa xếp hạng quốc tế của Việt Nam; thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, thân thiện môi trường, gắn với phát triển các ngành công nghiệp cơ bản và công nghiệp hỗ trợ.

Ý kiến của bạn

Bình luận