Đề nghị chưa đục thông vòm cầu đường sắt Hà Nội

Thị trường 18/09/2017 16:35

Quan ngại về khả năng chịu tải của các vòm đá cầu đường sắt đoạn qua phố cổ Hà Nội đã phong hóa sau hơn 100 năm xây dựng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị chưa tiến hành phá thông các vòm cầu đã xây bịt.

 

Đề nghị chưa đục thông vòm cầu đường sắt Hà Nội
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng chỉ có thể đục thông vòm cầu sau khi tiến hành kiểm định khả năng chịu tải và có giải pháp gia cố phù hợp - Ảnh: LÂM HOÀI

Báo cáo Bộ GTVT, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết các vòm đá đoạn đường dẫn cầu Long Biên, từ Phùng Hưng đến cầu Long Biên thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng được xây dựng, đưa vào khai thác từ năm 1902 cùng với cầu Long Biên. 

Có tất cả 27 vòm dẫn cùng 4 cầu dẫn chạy song song các phố Phùng Hưng, phố Gầm Cầu đến cầu Long Biên. 

Trải qua quá trình khai thác hơn 100 năm, các vòm dẫn làm bằng đá xây bị phong hóa, xuất hiện các vết nứt trên đỉnh và thân vòm có nguy cơ đe dọa an toàn chạy tàu. 

Vì vậy, trong thời gian từ năm 1969 đến năm 1983, ngành đường sắt đã tiến hành chồng nề bên trong đỡ dưới vòm dẫn và gia cố xây bịt 125 vòm đá nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu cho đến nay. 

Chỉ còn 2 vòm được gia cố bằng bê tông đang để thông tại khu vực ngõ Hàng Hương và phố Nguyễn Thiệp.  

Với đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc đục thông các vòm đá đoạn đường dẫn cầu Long Biên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết đã nghiên cứu.

Trước mắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thống nhất với việc vẽ tranh bích họa để trang trí 26 vòm cầu thuộc giai đoạn 1 theo đề xuất của UBND TP Hà Nội, đảm bảo không ảnh hưởng đến kết cấu công trình, góp phần chỉnh trang đô thị.

Còn việc phá thông các vòm cầu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị chưa tiến hành phá thông các vòm cầu bao gồm phần chồng nề và phần đã xây bịt. Bởi đây là kết cấu chịu lực có tác dụng tăng cường cho các vòm đá đã bị phong hóa qua quá trình khai thác hơn 100 năm để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

Việc phá dỡ chỉ có thể thực hiện sau khi tiến hành kiểm định đánh giá khả năng chịu tải và có giải pháp gia cố phù hợp.

Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết vị trí các vòm dẫn nằm trong phạm vi thực hiện dự án "Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi do Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT làm chủ đầu tư. 

Đây là tuyến đường sắt được thiết kế đi trên cao, chạy chung tàu đường sắt đô thi và đường sắt quốc gia. Vì vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị UBND TP Hà Nội cần cập nhật thông tin của dự án trên để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả.

Ý kiến của bạn

Bình luận