Bộ trưởng làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận sáng 26/8 |
Sáng nay (26/8), Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT đã có buổi làm việc với lãnh đạo ban ngành tỉnh Ninh Thuận về công tác quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Cùng tham dự có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Phó chủ tịch chuyên trách UBAT GTQG Khuất Việt Hùng và lãnh đạo các tổng cục, Cục, vụ, Ban QLDA của bộ tham gia.
Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ GTVT, ông Lưu Xuân Vĩnh – Phó Bí thư, chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh hiện có 3 tuyến QL với tổng chiều dài 174,5km là QL1A (60,5km, QL27 (66km) và QL27B (44km). Có 10 tuyến đường tỉnh với chiều dài 309,4 km và 191 hệ thống đường đô thị, 25 tuyến đường huyện và hơn 1000km đường giao thông nông thôn. Đường giao thông từ trung tâm huyện lỵ đã phủ đến các xã, chỉ còn số các xã miền núi có địa hình hiểm trở là chưa có. Đường sắt Bắc – Nam qua tỉnh dài 67km với 5 nhà ga. Có 4 cảng chuyên dung quy mô nhỏ phục vũ đánh bắt cá và du lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh báo cáo với đoàn công tác Bộ GTVT |
Liên quan đến công tác GPMB QL1A qua Ninh Thuận (giai đoạn 1) vốn trái phiếu chính phủ, tỉnh kiến nghị Bộ có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ để bổ sung kinh phí 16, 59 tỷ đồng di dời hê thống cấp nước sinh hoạt nông thôn vào tổng mức đầu tư mở rộng dự án QL1(giai đoạn 1).
Với dự án mở rộng QL1 qua Ninh Thuận vốn BOT đã thông xe vào tháng 12/2015, hiện nay tỉnh còn vướng kinh phí bồi thường khi di dời 2 hệ thống cấp nước sinh hoạt của hai đơn vị với tổng số tiền 29,7 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ tỉnh 17,02 tỷ đồng phục vụ di dời hệ thống cấp nước phục vụ GPMB mở rộng QL1A. Vậy với số tiền còn thiếu 12,684 tỷ đồng tỉnh đề nghị Bộ kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ đủ kinh phí để trả cho các đơn vị thi công địa phương. Hiện Bộ đang trình Thủ tướng xem xét hỗ trợ, xin ý kiến các Bộ liên quan.
Cũng liên quan đến dự án mở rộng QL1A sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ và BOT, tỉnh đề nghị Bộ thống nhất chủ trương hỗ trợ sửa chữa nhà ở bị hư hỏng do thi công 2 dự án trên với kinh phí 11,6 tỷ đồng.
Đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo TCĐB Việt Nam sớm cải tạo 2 nút giao Tân Hội, Phủ Hà – QL1A, lắp hệ thống chiếu sáng trên QL1A qua thị trấn Lương Cách, đầu tư mới nút giao Văn Lâm.
QL1 qua Ninh Thuận |
Liên quan đến dự án cải tạo QL27, tỉnh cho biết dự án đã đưa vào sử dụng nhưng còn 12,9km chưa được đầu tư hoàn chỉnh do trước đây vướng GPMB và khó khăn về vốn, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng đã đồng ý và giao cho Bộ GTVT cân đối vốn trong kế hoạch trung hạn 2016-2020. Bộ đã có văn bản gửi Bộ KHĐT và Tài chính để thẩm định dự án để phê duyệt chủ trương đầu tư.
Cũng liên quan đến QL27, tỉnh kiến nghị Bộ hỗ trợ kinh phí chênh lệch giữa tổng kinh phí xây dựng khu tái định cư dự án QL27 và tiền sử dụng đất vào tổng mức đầu tư dự án (trên 40,7 tỷ đồng).
Kiến nghị Bộ GTVT hỗ trợ kinh phí cải tạo 4,5km đường nối QL27 đến QL1A (còn gọi là đường 21/8) và sửa chữa đoạn tuyến TP Phan Rang – Tháp Chàm dài 7km (cũng thuộc đường 21/8)
Kiến nghị Bộ tăng cường kết cấu mặt đường tuyến QL 27B (Sở GTVT được ủy thác quản lý 44km), đề nghị hỗ trợ thêm 30 tỷ đồng (ngoài kế hoạch dự kiến 13 tỷ đồng năm 2017) để thảm bê tông nhựa nóng tăng cường những đoạn tuyến hư hỏng.
Với công trình đường thủy đề nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh quy hoạch chi tiết đưa Cảng Ninh Chữ, cảng quốc tế Cà Ná vào nhóm cảng biển số 4 đến năm 2020, định hướng 2030. Tại đây sẽ đảm bảo vận chuyển cho khu dự án liên hợp thép do Tập đoàn Hoa Sen đang tiến hành đầu tư trong KCN Cà Ná. Kiến nghị Bộ hỗ trợ hướng dẫn thủ tục cho tỉnh triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.
Kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận bổ sung tuyến đường sắt từ ga Cà Ná với KCN Cà Ná, cảng Cà Ná đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Hỗ trợ địa phương xây dựng tuyến đường sắt từ nguồn vốn Bộ GTVT.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ GTVT về chủ trương tham gia đầu tư đường cao tốc Bắc Nam: Nha Trang – Phan Thiết (đoạn cao tốc qua Ninh Thuận theo hình thức BOT).
Đề nghị Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm khởi động đầu tư tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt theo quy hoạch đã được duyệt của Thủ tướng chính phủ.
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá cao những kết quả đạt được về phát triển hạ tầng giao thông Ninh Thuận mặc dù tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Giao thông Ninh Thuận có tính kết nối rất cao, trong đó có QL1, có đường sắt đi qua, có đường nối với Tây Nguyên, (QL27).
Bộ trưởng ủng hộ đề án của địa phương về phát triển đường sắt, và đề nghị tỉnh rà soát lại toàn bộ quy hoạch để làm sao kết nối hệ thống đường sắt với cảng Cà Ná, KCN, TPHCM đang bị áp lực lớn về kết cấu hạ tầng, nếu cảng ở Ninh Thuận, Bình Thuận tốt, hàng hóa từ Tây Nguyên xuống đây chất hàng không cần qua TPHCM giảm rất lớn áp lực giao thông trên đường bộ. Chỉ đạo Ban PPP xem xét đầu tư cố gắng tính toán vào đường bộ để giải quyết đi lại, nhưng đặc biệt tập trung cho đường sắt kết nối hiệu quả hơn, chú ý kết nối với đường thủy, khu cảng, đường bộ.
Đề xuất của tỉnh trùng với quy hoạch hàng hải của ngành GTVT, cần thiết đầu tư cảng Ninh Chữ, Cà Ná, Tuy nhiên lưu ý địa phương đánh giá thêm cảng cá và cảng du lịch có trùng nhau không, cá thì có ảnh hưởng đến môi trường du lịch không? Ngược lại một số nơi lại kết hợp thành công biến cảng cá thành điểm du lịch.
Bộ trưởng cho biết nguồn vốn ngân sách hiện nay rất khó khăn, và cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu phát triển hạ tầng cho các địa phương, do vậy Ninh Thuận cần đưa vào chương trình kêu gọi đầu tư. Đa dạng nguồn vốn, nguồn đầu tư để có kinh phí phát triển hạ tầng.
Với công tác ATGT, Bộ trưởng cũng đề nghị Ninh Thuận có chương trình tuyên truyền hiệu quả, hướng dẫn lái xe an toàn cho đồng bào dân tộc.
Chủ Tập đoàn Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ muốn đầu tư vào đường sắt |
Cũng tại cuộc họp này ông Lê Phước Vũ – Chủ Tập đoàn tôn Hoa Sen cho biết sẽ xin đầu tư vào cảng Cà Ná cũng là để phục vụ cho tổ hợp thép Hoa Sen đặt tại KCN Cà Ná. Và nếu thuận lợi sẽ sẵn sàng đầu tư vào làm đường sắt, làm toa với nguyên liệu thép sẵn có để giảm tải cho đường bộ. Bộ trưởng rất hoan nghênh gợi ý của nhà đầu tư, tuy nhiên từ bài học Formosa, tỉnh cần lưu ý khâu đảm bảo môi trường ngay từ đầu với chủ đầu tư.
Các kiến nghị khác của địa phương để phát triển quy hoạch, hạ tầng giao thông Bộ GTVT rất ủng hộ và giao cho các cơ quan chuyên môn xem xét tiến hành theo quy định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.