Ngày 26/11, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa nhận được kết luận của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ trong buổi làm việc ngày 10/11 về công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án.
Theo đó, hiện nay, vẫn còn một số công trình, dự án do Bộ GTVT và tỉnh Quảng Nam phối hợp triển khai trên địa bàn gặp vướng mắc về mặt bằng chưa giải quyết xong như đường dẫn vào cầu Cẩm Kim, Quốc lộ 14H; đường dẫn vào cầu Bình Đào, Quốc lộ 14E; Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối QL1 đến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và đường ven biển tỉnh Quảng Nam (thuộc đoạn tuyến QL40B), Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo và sớm hoàn thành các công trình, đảm bảo đồng bộ trong khai thác.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đi khảo sát hiện trường tuyến QL 40B đoạn qua tỉnh Quảng Nam |
Bên cạnh đó, đối với các dự án đã thu xếp được nguồn vốn để triển khai Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án 2 thúc đẩy tiến độ, sớm khởi công xây dựng 02 cầu Sông Trường và Nước Oa trên Quốc lộ 40B, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để dự án triển khai thuận lợi, sớm hoàn thành để khắc phục tình trạng thường xuyên ngập lũ.
Đối với các công trình đã được Bộ Giao thông vận tải triển khai lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư: Do khả năng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 không đáp ứng nhu cầu đầu tư, Bộ GTVT thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam về thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam : (1) Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14E và cầu vượt đường sắt Bắc Nam; (2) Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D; (3) Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km996+889-Km996+2189 và cầu Tam Kỳ; (4) Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 40B; (5) Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Duy Xuyên - Phú Ninh. Giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp, rà soát tham mưu Lãnh đạo Bộ xem xét, trình Chính phủ theo quy định.
Trong thời gian chưa thực hiện đầu tư, giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác sửa chữa, bảo trì để bảo đảm an toàn giao thông. Trong quá trình mở rộng, nâng cấp các tuyến quốc lộ yêu cầu tận dụng tối đa kết cấu mặt đường cũ để bảo đảm hiệu quả các nguồn vốn.
Đối với các quốc lộ chưa dự kiến để đầu tư trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021- 2025: Giao Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu bố trí kinh phí bảo trì đường bộ sửa chữa mặt đường, các công trình phụ trợ để bảo đảm an toàn giao thông; đồng thời tổng hợp các công trình cầu yếu để đưa vào các dự án đang nghiên cứu để đầu tư.
Nhiều tuyến QL qua tỉnh Quảng Nam cần được nâng cấp sửa chữa nhằm đảm bảo ATGT |
Liên quan đến công tác khắc phục thiệt hại do thiên tai, bảo lụt năm 2020: Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương sửa chữa, bảo đảm giao thông bước 1; rà soát nhu cầu sửa chữa, khắc phục bước 2, báo cáo Bộ GTVT xem xét, giải quyết; thống nhất chủ trương sửa chữa đột xuất kè taluy tại Km44+900 tuyến Quốc lộ 14B để bảo đảm an toàn cho tuyến đường và bảo vệ công trình đường dây 500KV, giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện, sớm khôi phục thiệt hại và bảo đảm an toàn giao thông.
Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa: Trước mắt, để khơi thông luồng lạch đảm bảo cho phương tiện đi lại an toàn, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu bố trí nguồn kinh phí nhà nước để thực hiện nạo vét luồng Cửa Đại-Cù Lao Chàm trong năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam bố trí vị trí bãi đổ và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt việc nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia Cửa Đại-Cù Lao Chàm.
Về lâu dài, để có sản phẩm san lấp khu vực bảo vệ bờ kè Cửa Đại, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ GTVT thực hiện nạo vét khơi thông luồng kết hợp tận thu sản phẩm theo quy định tại Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, ngoài ra UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Sở GTVT Quảng Nam rà soát các vị trí khan cạn khác trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia không đảm bảo chuẩn tắc kỹ thuật của luồng đường thủy nội địa trên địa bàn, báo cáo Bộ GTVT để công bố danh mục nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm theo quy định.
Đối với lĩnh vực hàng không, cảng biển và đường sắt. Để hình thành trung tâm Logistics của tỉnh Quảng Nam tại Khu kinh tế mở Chu Lai và khu vực miền Trung trên cơ sở phát triển Cảng hàng không quốc tế Chu Lai, cảng biển Chu Lai, ga đường sắt Núi Thành và kết hợp với các tuyến đường Quốc lộ 1, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hiện đã xây dựng, Bộ GTVT thống nhất với đề nghị của UBND Quảng Nam về xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không, cảng biển và đường sắt như sau:
Về hàng không: Hiện nay tập đoàn Vingroup đang lập quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để có định hướng phát triển dài hạn trên cơ sở Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc, kết hợp chặt chẽ phát triển lĩnh vực hàng không với phát triển công nghiệp phụ trợ ngành hàng không trong khu vực lân cận.
Trước mắt, tiếp tục đầu tư phát triển Cảng hàng không quốc tế Chu Lai theo quy hoạch đã phê duyệt, giao Cục hàng không Việt Nam chỉ đạo Tổng công cảng hàng không Việt Nam (ACV) đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga hành khách có công suất phục vụ 5 triệu hành khách/năm, sân đỗ và các hạng mục phục vụ bay; Vụ Kế hoạch - Đầu tư xem xét, đề xuất xây dựng đường cất hạ cánh phía Tây trong giai đoạn 2021-2025 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Đối với cảng biển: Thống nhất với định hướng quy hoạch phát triển cảng biển Chu Lai theo hướng phát triển thành cảng quốc gia và cập nhật vào Quy hoạch phát triển hệ thống Cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Về đường sắt: Giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT, Ban QLDA 85 chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ di dời ga An Mỹ về xã Tam Thành. Giao Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp đối với phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa tại ga Núi Thành.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ địa phương khắc phục các thiệt hại do mưa lũ năm 2020 và xây dựng các cầu trên đường giao thông nông thôn, Bộ GTVT thống nhất về chủ trương hỗ trợ 5.000 rọ thép từ nguồn vật tư dự phòng và các dầm, giàn thép cũ được thu hồi từ các dự án sửa chữa, thay thế các cầu trên hệ thống quốc lộ (theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam tại các văn bản số 6372/UBND-KTN ngày 30/10/2020 và số 3801/UBND-KTN ngày 10/7/2020). Giao Vụ Tài chính rà soát các thủ tục theo quy định để tham mưu Lãnh đạo Bộ hỗ trợ, điều chuyển tài sản cho địa phương kịp thời để khắc phục thiệt hại của bão lũ năm 2020 trên hệ thống đường địa phương.
Đối với các tồn tại của Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang cơ cấu lại nguồn vốn của Dự án. Sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận giao vốn cho Dự án, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo khắc phục các tồn tại trên tuyến giải tỏa bức xúc trong nhân dân, nhất là các tồn tại ảnh hưởng đến giao thông, sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.