Ảnh minh họa. |
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang xúc tiến việc đưa lao động sang làm việc tại Thái Lan trong ngành nghề xây dựng, đánh bắt cá. Tuy nhiên, ngành nghề và mức lương chưa thực sự hấp dẫn người lao động.
Chính vì thế, Bộ LĐTB&XH đề nghị Thái Lan mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam (dịch vụ, nhà máy). Đồng, thời đề nghị Thái Lan tạo điều kiện cho lao động Việt Nam được sinh sống và làm việc hợp pháp tại đất nước này.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, hiện có khoảng 50.000 người Việt Nam lao động tự do ở “đất nước chùa vàng”. Đây là số công dân tận dụng thỏa thuận miễn thị thực cho hộ chiếu phổ thông 30 ngày đã ký giữa hai nước, nhập cảnh Thái Lan theo quy chế miễn thị thực, rồi ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp. Lao động Việt Nam tại Thái Lan làm việc trong các ngành nghề như phục vụ nhà hàng, khách sạn, giúp việc gia đình, bán hàng thuê, xây dựng, bốc vác, giết mổ gia súc…
Công dân Việt Nam làm việc bất hợp pháp đã gây ra những vấn đề phức tạp trong công tác quản lý lao động nước ngoài của Thái Lan, vì vậy, Chính phủ nước này đã triển khai việc đăng ký và cấp phép cho số lao động Việt Nam làm việc tự do tại Thái Lan đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Việt Nam và Thái Lan đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác lao động và Thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động. Đây là thỏa thuận đầu tiên giữa hai nước, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan và lao động Thái Lan sang làm việc tại Việt Nam. Hai ngành nghề được thí điểm thực hiện là xây dựng và nghề cá.
Để triển khai Thỏa thuận, Bộ Lao động Thái Lan và Bộ LĐTB&XH Việt Nam đã tổ chức 3 cuộc họp kỹ thuật và thống nhất quy trình đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan với 8 bước cụ thể.
Phía Thái Lan cũng cung cấp tài liệu bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động, bao gồm những nội dung bằng tiếng Việt với các thông tin cơ bản về đất nước này (xã hội, văn hóa, phong tục tập quán), hợp đồng lao động, quyền lợi về bảo hiểm xã hội, y tế, kỷ luật an toàn lao động, luật pháp liên quan đến lao động di cư, địa chỉ liên hệ khi cần giúp đỡ.
Thái Lan cũng cung cấp danh sách 41 công ty môi giới của nước này được cấp phép đến thời điểm hiện tại và cam kết sẽ gửi danh sách các công ty môi giới được cấp phép hằng tháng và thư yêu cầu của những chủ sử dụng Thái Lan được cấp phép tiếp nhận lao động Việt Nam ngay sau khi được Sở Lao động địa phương Thái Lan cấp phép.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang xúc tiến việc đưa lao động sang làm việc tại Thái Lan, tuy nhiên, ngành nghề và mức lương chưa thực sự hấp dẫn người lao động.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.