Phối cảnh Dự án đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu |
Ngày 2/10, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký văn bản số 7527/UBND-SGTVT gửi Bộ GTVT đề nghị kiểm tra, thống nhất về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng ngày 24/9 về dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và UBND TP Đà Nẵng thống nhất báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ: (i) Cơ quan làm chủ đầu tư dự án; (ii) Quy mô đầu tư, cơ cấu nguồn vốn; (iii) Cơ quan thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/10.
Đến nay UBND TP Đà Nẵng đã hoàn chỉnh hồ sơ và trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung; cùng báo cáo nghiên cứu, nhận xét dự án do Công ty Japan Port Consultants, Ltd và Viện Phát triển khu vực bờ biển quốc tế Nhật Bản lập, báo cáo thẩm tra của Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB).
Theo đó, đây là dự án nhóm A; công trình giao thông, lĩnh vực hàng hải. Cơ quan phê duyệt chủ trương đầu tư là Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất giao UBND TP Đà Nẵng làm cơ quan chủ quản dự án. Định hướng quy hoạch cảng Liên Chiểu để đảm nhận vai trò khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực Miền Trung, tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.
Về quy mô dự án, theo kết quả nghiên cứu tiền khả thi, dự án Cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung cho 02 bến có tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng, gồm các hạng mục như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, giao thông kết nối cảng, hạ tầng kỹ thuật kết nối (điện, nước, thông tin liên lạc)… để bến cảng hoạt động, có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU; đảm bảo lượng hàng thông qua từ 3,5-5,0 triệu tấn/năm.
Cụ thể, tuyến kè chắn sóng (dài 820m) và đê chắn sóng (dài 350m) bảo vệ 02 bến, che chắn được sóng gió trong mùa gió bão, đảm bảo thời gian khai thác cảng trên 300 ngày/năm. Trên cơ sở lợi dụng mực nước, giảm tải thì quy mô luồng tàu là luồng 01 làn, dài 7.250m, rộng 160m (điểm bắt đầu từ luồng dùng chung với cảng Tiên Sa điểm cuối là khu quay trở của khu bến); cao độ đáy nạo vét -14,0m; khu quay trở đường kính D=530m cùng hệ thống báo hiệu hàng hải.
Giao thông kết nối với cảng sử dụng phương án giao thông đi từ đường nội bộ của cảng qua cầu Liên Chiểu về đường Nguyễn Văn Cừ - Tạ Quang Bửu thuộc quận Liên Chiểu đi QL 1A mới (đường Nam hầm Hải Vân). Các hạ tầng kỹ thuật khác gồm gia cố, san nền tôn tạo mặt bằng các khu vực hạ tầng công cộng dùng chung; cấp điện: đầu tư Trạm biến áp hạ thế bắt đầu kết nối trạm 110KV trong khu vực, cách vị trí dự án khoảng 4,5 km; cấp nước sạch từ khu vực đường ống cấp nước cấp I của quận Liên Chiểu cách vị trí dự án khoảng 5 km.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án: 3.426,3 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng: 2.995,0 tỷ đồng; chi phí thiết bị: 23,3 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng: 8,1 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án: 19,9 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng: 60,8 tỷ đồng; chi phí khác: 156,0 tỷ đồng; chi phí dự phòng: 163,2 tỷ đồng.
Các hạng mục công trình còn lại phục vụ khai thác bến cảng như bến cập tàu, kè gầm bến, đường bãi trong cảng, kho, nhà xưởng, mạng kỹ thuật và thiết bị khai thác trên bến… được đầu tư theo hình thức kêu gọi doanh nghiệp đầu tư với quy mô phù hợp quy hoạch và tương ứng theo từng giai đoạn phát triển.
Về nguồn vốn đầu tư, đối với nguồn ngân sách TƯ: 2.993,3 tỷ đồng, tương đương 87,4% tổng nguồn vốn đầu tư dự án. Cụ thể: Nguồn dự phòng ngân sách TƯ năm 2018 (thẩm quyền quyết định: Thủ tướng Chính phủ), thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2022; nguồn 10% dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của cả nước (thẩm quyền quyết định: Quốc hội), thực hiện trong giai đoạn 2018-2022;
Nguồn tăng thu ngân sách TƯ (thẩm quyền quyết định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội), thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2022; nguồn kết dư ngân sách TƯ (thẩm quyền quyết định: Thủ tướng Chính phủ), thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2022; nguồn tiết kiệm chi ngân sách TƯ (thẩm quyền quyết định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội), thực hiện trong giai đoạn 2020-2022.
Đối với ngân sách Bộ GTVT là nguồn dự phòng 10% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ. Đối với nguồn ngân sách địa phương: 433 tỷ đồng, tương đương 12,6% tổng nguồn vốn đầu tư dự án. Gồm nguồn ngân sách TƯ hỗ trợ có mục tiêu đối với TP Đà Nẵng; dự phòng 10% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 TP Đà Nẵng; dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025.
Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, thời gian hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư dự án: Năm 2018-2019; triển khai thi công và đưa vào khai thác: Năm 2020-2022. Về hiệu quả đầu tư, dự án nhằm đẩy mạnh và tăng tốc phát triển KT-XH của TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên theo hướng bền vững.
Dự án đảm bảo các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; phù hợp quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch chung TP Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường; đảm bảo nguồn thu ngân sách; xử lý các vấn đề về mỹ quan đô thị, an toàn của nhân dân, đảm bảo môi trường du lịch của TP…
Để sớm triển khai thực hiện dự án và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 363/TB-VPCP ngày 04/11/2016, Thông báo số 373/TB-VPCP ngày 25/9/2018; UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ GTVT kiểm tra, thống nhất nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung và trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Đồng thời đề xuất giao UBND TP Đà Nẵng là Cơ quan chủ quản dự án này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.