Ảnh minh họa |
Đèo Lò Xo là một trong những cung đường nguy hiểm và đáng ngại bậc nhất với lái xe, nhất là vào ban đêm. Đèo thuộc huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum có chiều dài khoảng 27km, đi qua khu vực núi cao, vực sâu, có độ dốc lớn, đường quanh co liên tục, nhiều thời điểm trong ngày sương mù bao phủ.
Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Kon Tum thông tin, qua phân tích dữ liệu nguyên nhân tai nạn, đa phần các vụ TNGT xảy ra trên đèo Lò Xo thường do các lái xe ít có kinh nghiệm, chưa quen đường, dốc dài nên lúng túng khi xử lý tình huống.
Liên quan đến vấn đề xử lý điểm đen trên đèo Lò Xo, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, đoạn tuyến đèo Lò Xo đường Hồ Chí Minh được đưa vào khai thác năm 2004, kéo dài từ Km 1394 - Km 1436 đi qua địa phận 2 tỉnh Quảng Nam (13km) và Kon Tum (29km). Tuy lưu lượng xe thực tế trên tuyến không lớn nhưng thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.
“Theo thống kê, trong khoảng thời gian từ 1-2005 đến 6-2018 trên đoạn tuyến đã xảy ra 192 vụ TNGT làm chết 65 người, bị thương 333 người và gây hư hỏng các phương tiện tập trung chủ yếu tại 4 đoạn: Km 1408+800 - Km 1411+300; Km 1418+250 - Km 1420+250; Km 1421+900 - Km1424+400; Km 1427+500 - Km 1432. Các đoạn này thường có độ dốc lớn lên tới 10% (dốc dọc cho phép là 7%), độ dài liên tục (2-4,5km) quá lớn so với quy trình cho phép (600 - 800m)”, ông Lăng thông tin.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng chỉ ra, trên đoạn tuyến từ Km 1396 - Km1434 có trên 70% đường cong có bán kính nhỏ hơn bán kính đường cong tối thiểu thông thường, gần 50% đường cong chưa được mở rộng mặt đường phần xe chạy tối thiểu theo tiêu chuẩn Việt Nam. Hầu hết các đường cong có tầm nhìn trước xe ngược chiều không đảm bảo yêu cầu tối thiểu với tốc độ 60km/h. Trước thực trạng đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng 4 nhóm giải pháp tăng cường ATGT trên đoạn tuyến đèo Lò Xo.
Thứ nhất, tăng cường hệ thống ATGT, lắp đặt biển hạn chế tốc độ tại 4 điểm đen có nguy cơ xảy ra TNGT cao, lắp thiết bị giám sát tự động, bố trí 2 điểm dừng kiểm tra kỹ thuật xe, tăng cường thiết bị hộ lan phòng hộ, bổ sung giá long môn và hệ thống loa tuyên truyền. Nhóm giải pháp này cần khoảng 30 tỷ đồng.
Thứ hai, triển khai sửa chữa, bổ sung kết cấu hạ tầng, 19 hốc cứu nạn và 2 đường cứu nạn sẽ được xây dựng tại các vị trí thích hợp; mở rộng 87 vị trí đường cong, bạt mái taluy; hạ thềm tầm nhìn tại 58 đường cong, xây dựng làn đường hãm xe tại 12 vị trí. Nhóm giải pháp này cần khoảng 175 tỷ đồng. Trong đó, ngay trong năm 2018-2019 cần 50 tỷ đồng và các năm sau cần 125 tỷ đồng. Nguồn vốn đề xuất thực hiện hai nhóm giải pháp này là từ Quỹ Bảo trì đường bộ.
Thứ ba, được cho là nhóm giải pháp căn cơ bằng việc nghiên cứu xử lý, cải tạo cục bộ một số tuyến địa hình cua dốc lớn, nguy hiểm bằng cầu cạn, kè, hầm chui và cải nắn cục bộ một số đường cong khối lượng lớn. Nhóm giải pháp này cần khoảng 23.650 tỷ đồng, được huy động từ các nguồn vốn khác.
Cuối cùng, phối hợp giữa các cấp chức năng từ Trung ương đến địa phương đảm bảo trật tự ATGT trên đoạn tuyến đèo Lò Xo thông qua xử lý các vi phạm và tuyên truyền các kỹ năng lái xe khi đổ đèo.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.