Đề xuất cho TP HCM thí điểm thuế tài sản

Chính trị 15/11/2017 07:02

Đồng ý cho TP HCM thí điểm thuế tài sản, tuy nhiên Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị trước mắt tập trung vào nhà, đất.


 

Đề xuất cho TP HCM thí điểm thuế tài sản
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải. Ảnh: Q.H

Ngày 14/11, Quốc hội đã nghe các báo cáo về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Thẩm tra nội dung trên, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách, cho biết cơ quan này nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải có những chính sách đặc thù với TP HCM.

Đối với việc đề xuất cho TP HCM thí điểm thuế tài sản, Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng, đây là sắc thuế mới, thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Vì vậy, trên cơ sở báo cáo của HĐND thành phố, Bộ Tài chính phải báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét. "Trước mắt nghiên cứu tập trung thuế tài sản đối với nhà, đất", ông Hải nói.

Uỷ ban cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc việc tăng thuế suất của tất cả sắc thuế (trừ thuế xuất nhập khẩu), chỉ nên tăng thuế suất ở một số sắc thuế hoặc mở rộng cơ sở thuế đối với một số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân.

Bên cạnh đó, theo Uỷ ban, cần nghiên cứu thận trọng việc điều chỉnh tăng mức thuế ở một số sắc thuế có tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh và môi trường đầu tư của thành phố. Như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân...

Một số thành viên Uỷ ban cũng đề nghị cần quy định mức trần tăng thuế suất của một số sắc thuế để bảo đảm tính khả thi và sự kiểm soát của Nhà nước.

Tăng thu nhập cho cán bộ, công chức

Riêng việc cho phép thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức trong nước khác và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho vay lại..., Uỷ ban đề nghị Chính phủ cân nhắc đến mặt bằng bội chi chung của ngân sách địa phương trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (không quá 0,2% GDP). Từ đó, không làm ảnh hưởng lớn đến khả năng vay vốn của các địa phương khác, trong đó thủ đô Hà Nội (mức dư nợ là 70%) và ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được thành lập (mức dư nợ dự kiến 70%).

Về việc cho phép HĐND thành phố quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt, Uỷ ban đề nghị chỉ bổ sung mức thu nhập tăng thêm so với mức lương cơ bản. Điều này nhằm thống nhất và tránh tạo sự bất bình đẳng trong chính sách trả lương, giữ nguyên chính sách chung của cả nước.

"Khi trả phần thu nhập tăng thêm theo vị trí việc mà thì vẫn đảm bảo được thu nhập của cán bộ có năng lực và vẫn đảm bảo được sự công bằng trong chính sách lương áp dụng trên cả nước", ông Hải nói.

Tạo sự chủ động hơn cho chính quyền thành phố về ngân sách

Về việc giao thẩm quyền cho HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, Uỷ ban đề nghị cần quy định trong Nghị quyết nguyên tắc chuyển đổi phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc cần tạo sự chủ động hơn cho chính quyền thành phố trong việc xem xét, quyết định dự toán ngân sách hàng năm, nhưng vẫn phù hợp với định hướng phát triển các lĩnh vực quan trọng của Chính phủ, Quốc hội. Tuy nhiên, Uỷ ban đề nghị thành phố cần ưu tiên cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ.

Đối với đề nghị để ngân sách thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước..., Ủy ban cho rằng, khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn liền với đất sau khi trừ đi chi phí di dời, xây dựng trụ sở của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố thì thành phố được hưởng 50% là phù hợp.

Tuy nhiên, Uỷ ban đề nghị Chính phủ đánh giá chung về số lượng và giá trị (nhà, đất), về tài sản của các đơn vị sự nghiệp công lập do các cơ quan, tổ chức thuộc trung ương quản lý trên địa bàn thành phố.

Sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ nội dung trên.

Theo báo cáo trình Quốc hội, TP HCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là địa phương có đóng góp số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cao nhất cả nước (khoảng 28%), tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương là 82%.

Tuy nhiên, hiện nay TP HCM đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, môi trường, chưa có cơ chế, chính sách đột phá mạnh mẽ để phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước, là đô thị đặc biệt có tầm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của cả nước và khu vực. 

Ý kiến của bạn

Bình luận