Đề xuất đầu tư hơn 4.770 tỷ đồng làm cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh

Tác giả: Đình Quang

saosaosaosaosao
Đường bộ 19/12/2021 13:43

Bộ GTVT vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc.

so do my an cao lanh
Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh

Tờ trình của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm ký cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực ĐBSCL nói chung và các tỉnh Long An, Đồng Tháp nói riêng.

“Việc đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 sẽ phát huy hiệu quả dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông, đồng thời hoàn thiện, kết nối tuyến N2, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây”, Tờ trình của Bộ GTVT nêu rõ.

Cũng theo tờ trình của Bộ GTVT, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài khoảng 26,16km, điểm đầu kết nối với tuyến N2 tại thị trấn Mỹ An, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối tại nút giao An Bình, huyện Cao Lãnh, tình Đồng Tháp.

Về mặt quy mô, tuyến đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh được đề xuất đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h, mặt cắt ngang giai đoạn 1 được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 4.770,75 tỷ đồng, cơ cấu nguồn vốn dự kiến gồm: Vốn vay ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc  (EDCF) khoảng 3.677,22 tỷ đồng (tương đương 158,8 triệu USD) sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA.

Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam dự kiến khoảng 1.093,53 tỷ đồng sử dụng để thanh toán thuế VAT (phần chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công), chi phí QLDA, chi phí tư vấn trong nước như: Chi phí khảo sát, lập dự án đầu tư, thẩm tra thiết kế kỹ thuật, chi phí thẩm tra, quyết toán dự án hoàn thành, chi phí khác... theo các quy định hiện hành; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ.

Thời gian thực hiện dự án là 5 năm sau khi hiệp định tài trợ có hiệu lực.

Ý kiến của bạn

Bình luận