Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ giúp Cao Bằng tạo cú hích hạ tầng để phát triển. Ảnh: cửa khẩu Trà Lĩnh - Cao Bằng |
Theo đề xuất của Chủ tịch UBDN tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh, Dự án đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh cơ bản bám theo hướng tuyến theo quy hoạch và có xét đến việc tối ưu hóa hướng tuyến để kết nối vào tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam nằm giảm được khoảng 29 km so với chiều dài trong quy hoạch.
Cụ thể, Dự án có chiều dài tuyến 115 km, được thiết kế theo quy mô cao tốc 4 làn xe, dự kiến đầu tư theo hình thức PPP. Dự án có tổng mức đầu tư 20.939 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà đầu tư và vốn vay tín dụng khoảng 64%; vốn ngân sách khoảng 36%. Với mức thu phí khởi điểm là 1.500 đồng/PCU/km, Dự án này sẽ hoàn vốn trong thời gian 25 năm với thời gian triển khai xây dựng từ 2019 – 2022.
Ngoài việc muốn được giao là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và lập, thẩm định đề xuất dự án đầu tư, UBND tỉnh Cao Bằng muốn Bộ GTVT thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực hiện Dự án theo hình thức PPP có sự tham gia của phần vốn Nhà nước (tỷ lệ tương đương Dự án đường cao tốc Bắc Nam).
UBND tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam tham gia đánh giá, thẩm định việc tài trợ vốn cho Dự án đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh để có cơ sở xác định nguồn vốn tín dụng tham gia đầu tư.
Hiện nay, tuyến cao tốc từ Hà Nội đi đến cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn đã và đang được triển khai dự kiến hoàn thành vào năm 2020, do đó việc tiếp nối tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) là một trong những giải pháp tối ưu để giúp Cao Bằng giải quyết điểm nghẽn hạ tầng và tạo đà phá triển trong thời gian tới.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.