Cán bộ khí tượng thủy văn kiểm tra thiết bị đo mưa. Ảnh: NCHMF |
Trao đổi với Zing.vn, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, công tác dự báo hiện có khá nhiều khó khăn. Theo ông Cường, sai số trong dự báo bão là không thể tránh khỏi, cơ quan khí tượng cũng đã đề xuất Chính phủ nhiều phương án đầu tư để nâng cao tính chính xác cho dự báo.
- Dư luận cho rằng, cơ quan khí tượng dự báo cơn bão số 1 to thì báo nhỏ, cơn bão số 3 nhỏ thì báo to. Ngành khí tượng cần dự báo chính xác hơn để người dân chủ động ứng phó?
- Đánh giá một cách khách quan, các dự báo bão số 1 và bão số 3 là khá sát về khu vực, thời gian bão số 1 đổ bộ - ảnh hưởng trực tiếp và mưa lớn do hoàn lưu bão gây ra. Các dự báo về cường độ bão phù hợp với thực tế đối với cả hai cơn bão khi còn ở trên Vịnh Bắc Bộ (cấp 9-10, giật 10-12) và cùng với các biện pháp phòng chống quyết liệt nên thiệt hại trên biển đã được giảm thiểu một cách tuyệt đối.
Các bản tin dự báo bão số 1 chưa dự báo được sự chậm lại bất thường khi bão vào gần bờ nên cũng chưa cảnh báo được thời gian duy trì gió mạnh ở các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp lâu hơn so quy luật thông thường. Ngay cả khi bão tan vẫn còn xuất hiện lốc xoáy, vòi rồng ở Bắc Ninh, lốc xoáy ở Lào Cai…
Bão số 3 là cơn bão hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới với nhiều vùng áp thấp, trong đó có một áp thấp nhiệt đới xuất hiện và tan nhanh ngay trên Vịnh Bắc Bộ.
Khu vực hình thành bão nằm ở phía Bắc, bão di chuyển xuống phía Nam hơn và đổ bộ vào Bắc Bộ nước ta (thực tế chưa có cơn bão nào hình thành ở vĩ độ cao như vậy lại đổ bộ vào nước ta).
Khi vào Vịnh Bắc Bộ, bão di chuyển nhanh trước khi đổ bộ vào đất liền do đó không gây gió mạnh kéo dài như trong cơn bão số 1 năm 2016 và không có hiện tượng lốc xoáy kèm theo bão nên các cấp gió giật mạnh trên đất liền không lớn như trong bão số 1. Tuy nhiên, hoàn lưu mây bão số 3 rất rộng và đã gây mưa lớn diện rộng cho toàn Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ phù hợp với các dự báo trước đó về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương trao đổi với phóng viên. Ảnh: Thắng Quang |
- Tính chính xác của công tác dự báo ở nước ta so với các nước quốc tế như thế nào thưa ông?
- Về cơ bản công tác dự báo khí tượng thủy văn nói chung ở nước ta đang ở mức trung bình của Đông Nam Á, tương đương với Philippines, kém hơn so với Thái Lan, Malaysia và kém hơn nhiều so với Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Nhưng, đối với dự báo bão khoảng cách chênh lệch trong sai số dự báo của Việt Nam so với các nước tiên tiến không nhiều (không so sánh với Thái Lan, Malaysia vì hầu như không có bão), nhất là khi bão vào gần bờ biển Việt Nam.
Các dự báo bão từ 12-24 giờ trước khi bão đổ bộ thì thường của Việt Nam đúng hơn các nước khác nhưng dự báo trước 24-72 giờ thì Việt Nam thường kém hơn.
- Về công nghệ, con người phục vụ công tác dự báo còn hạn chế, cơ quan khí tượng đã có những kiến nghị, đề xuất gì để nâng cao tính chính các của dự báo?
- Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ đầu tư tăng cường số liệu quan trắc tự động trên đất liền cũng như trên biển với hệ thống các trạm phao, lắp đặt các trạm đo trên giàn khoan, cột BTS của các mạng viễn thông.
Ngoài ra, chúng tôi đề xuất xem xét sử dụng bay thám sát bão bằng máy bay không người lái hoặc tên lửa nhằm xác định vị trí, cường độ bão chính xác hơn, khắc phục tình trạng chưa đánh giá đủ mức về cường độ bão ngay từ khi còn trên biển như trong cơn bão số 1.
Đầu tư cho việc nâng cao năng lực khoa học công nghệ trong dự báo bão bằng các mô hình hiện đại với hệ thống siêu máy tính để có nhiều hơn và tốt hơn các sản phẩm dự báo hiện có của Việt Nam khi bão vào Biển Đông. Xây dựng và đưa vào dự báo nghiệp vụ mô hình dự báo bão chuyên dụng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị quan tâm đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ dự báo viên ở Trung ương, các Đài khí tượng thủy văn khu vực, để phục vụ tốt hơn cho các địa phương thường xuyên có bão và các loại thiên tai khác.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.