Đề xuất giải pháp đảm bảo ATGT tại lối đi tự phát trên tuyến tránh QL1 ở Quảng Nam

Tác giả: Đại Thắng

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 17/10/2022 14:03

Khu QLĐB III vừa đề xuất giải pháp đảm bảo ATGT tại lối đi tự phát trên tuyến tránh QL1 qua TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), nhằm giúp người dân sinh sống dọc hai bên đoạn tuyến đi lại thuận lợi, an toàn.

Quảng Nam
Đề xuất giải pháp đảm bảo ATGT tại lối đi tự phát trên tuyến tránh QL1 ở Quảng Nam - Ảnh 1.

Lối đi tự phát gây mất ATGT tại Km990+800 tuyến QL1, đoạn tuyến tránh TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam)

Ngày 17/10, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, đơn vị vừa có văn bản báo cáo gửi Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị, đề xuất giải pháp xử lý vị trí mất ATGT tại Km990+800 tuyến QL1, đoạn tuyến tránh TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam).

Thông tin về hiện trạng khu vực đoạn tuyến, báo cáo nêu rõ: QL1 đoạn tuyến tránh TP. Tam Kỳ (đường Nguyễn Hoàng), tỉnh Quảng Nam được Cục Quản lý đường bộ III (nay là Khu Quản lý đường bộ III) tiếp nhận quản lý từ ngày 20/10/2016. Đoạn tuyến tránh từ Km990+300 – Km995+889 có mặt cắt ngang rộng 22m, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, dải phân cách giữa rộng 2m dạng bó vỉa bê tông xi măng (BTXM, ở giữa trồng cây). Đoạn tuyến từ Km990+300 (nút giao ngã ba với đường Phan Bội Châu có đèn tín hiệu giao thông) đến Km992+412 (nút ngã tư giao với đường ĐT 616 (đường Trần Phú) có đèn tín hiệu giao thông) dài 2.120m không có điểm mở dải phân cách giữa (DPCG) để quay đầu xe.

"Ngay từ khi tiếp nhận đoạn tuyến để quản lý vào ngày 20/10/2016, tại Km990+800 đã tồn tại lối mở GPCG do người dân đập bỏ bó vỉa BTXM, tạo lối đi. Thực trạng tại vị trí Km990+800 trước khi xây dựng tuyến tránh, đã có đường ngang dân sinh (nhánh bên phải mặt đường bằng BTXM rộng 5,5m, nhánh bên trái mặt đường cấp phối rộng 3,5m. Vị trí mở DPCG tự phát này đã được đơn vị quản lý đoạn tuyến phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương để rào đóng nhiều lần, nhưng người dân tập trung cản trở phản đối nên đến nay vẫn tồn tại lối mở", nội dung báo cáo nêu.

Theo nội dung báo cáo, gần đây nhất là vào ngày 12/10/2022, thực hiện chỉ đạo đóng DPCG tại Km990+800 của Ban ATGT tỉnh Quảng Nam, Văn phòng QLĐB III.1 (Khu QLĐB III) đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban ATGT, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, Công an tỉnh Quảng Nam và các lực lượng chức năng tiến hành rào đóng vị tri này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số cá nhân đã lao vào ngăn cản, quấy rối không cho lắp đặt DPCG và hàn tấm khung thép. Mặc dù lực lượng chức năng đã giải thích về việc mất ATGT khi tồn tại lối đi này, nhưng người dân vẫn không hợp tác và cản trở.

Video người dân tập trung cản trở phản đối việc đóng chắn lối đi tự phát, nên đến nay vẫn tồn tại lối mở gây mất ATGT trên tuyến QL1

Cũng theo nội dung báo cáo, về tình hình TNGT, vào lúc 11h45 ngày 20/9/2022 xảy ra vụ TNGT giữa xe mô tô BS 74F1-383.61 va chạm với người đi xe đạp qua lối mở tự phát làm 1 người đi xe máy chết tại chỗ. Ngoài ra còn một số vụ va chạm không có tử vong về người nên người dân tự thỏa thuận với nhau, công an không xử lý vụ việc.

Để nâng cao ATGT tại khu vực trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, Khu QLĐB III đã cho lắp đặt bổ sung biển hạn chế tốc độ 60 km/h vào ngày 05/10/2022.

Trên cở sở đó, Khu QLĐB III nêu kiến nghị, vì đường ngang dân sinh đã có từ trước khi xây dựng tuyến tránh nhưng không bố trí nút giao tại vị trí Km990+800 khi xây dựng tuyến tránh nên trở ngại cho việc đi lại của người dân. Mặt khác, vị trí điểm mở DPCG liền kề phía Nam cách vị trí kiến nghị hơn 1.600m nên rất bất tiện, người dân cố tình đi ngược chiều nên đã xảy ra nhiều vụ TNGT, dẫn đến thương vong về người. 

Đoạn tuyến qua địa bàn phường Hòa Thuận, thuộc khu vực nội thành thành phố Tam Kỳ. Theo văn bản số 3269/BGTVT-CQLXD ngày 27/3/2014 của Bộ GTVT quy định, hướng dẫn về chiều dài bố trí điểm mở DPCG, theo đó đoạn tuyến quốc lộ qua khu vực đô thị và đông dân cư, khoảng cách giữa 2 điểm mở DPCG không quá 500m. Để tạo thuận lợi cho người dân sinh sống dọc hai bên đoạn tuyến đi qua lại, tránh gây bức xúc cho người dân, đảm bảo ATGT, việc mở DPCG tại Km990+750 là cần thiết.

Theo nội dung báo cáo, trên cơ sở hồ sơ khảo sát, phương án thiết kế do Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3 lập, Khu QLĐB III đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam ưu tiên cho phép đầu tư công trình Sửa chữa đột xuất điểm mất ATGT tại Km990+800, QL1, tỉnh Quảng Nam. 

Với nội dung cụ thể: Giữ nguyên hướng tuyến hiện tại, giữ nguyên trắc dọc, trắc ngang mặt đường; Tháo dỡ dải phân cách giữa (chiều dài mở khoảng L=35m), hoàn trả kết cấu mặt đường phạm vi mở dải phân cách giữa bằng BTNC 16 dày 5cm, BTNC19 dày 7cm, CPĐD dày 36cm (chia làm 02 lớp), nền đất K98; Sửa chữa, vuốt nối 2 đường ngang để giảm độ dốc dọc tại khu vực giao với mặt đường tuyến tránh với chiều dài khoảng 20m; Bổ sung đèn cảnh báo nháy vàng trên trụ cần vươn cao 6m, vươn 4,2m (dùng nguồn điện chiếu sáng); Hệ thống an toàn giao thông: Bổ sung biển báo và sơn kẻ vạch tín hiệu trên mặt đường theo QCVN 41:2016/BGTVT. Khái toán kinh phí thực hiện 0,995 tỷ đồng, từ nguồn vốn sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ (NSNN).