Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT về việc phân cấp cho UBND tỉnh Nam Định là cơ quan chủ quản đầu tư dự án cầu vượt sông Đáy trên tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình theo hình thức PPP.
Bộ GTVT cho biết, cầu vượt sông Đáy thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, kết nối 2 tỉnh Ninh Bình và Nam Định. Trên cơ sở đề xuất của các tỉnh, Bộ KH&ĐT đã báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ đưa dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định vào danh mục các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, giao UBND tỉnh Nam Định làm cơ quan chủ quản triển khai theo hình thức đầu tư công với nguồn vốn dự kiến bố trí cho dự án từ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH là 1.100 tỷ đồng vốn.
Theo Bộ GTVT, tại Thông báo 195 ngày 4/7/2022 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất tiếp tục nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình theo phương thức PPP và đồng ý giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án (Văn bản 657 ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ).
Tiếp đến, tại Văn bản 4989 ngày 21/7/2022, Bộ KH&ĐT đề xuất sử dụng 1.100 tỷ đồng vốn thuộc chương trình để xây dựng cầu vượt sông Đáy. Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, trường hợp thứ nhất, đưa cầu vượt sông Đáy vào đầu tư trong dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình theo phương thức PPP và xác định phần vốn 1.800 tỷ đồng bố trí cho cầu vượt sông Đáy là hỗ trợ của nhà nước tham gia vào dự án PPP sẽ bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ về tiến độ xây dựng cầu vượt sông Đáy và tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, phù hợp với quy định của Luật PPP.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Bình tại cuộc họp ngày 22/7/2022, dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình theo phương thức PPP mới được UBND tỉnh Thái Bình tiếp nhận và đang tổ chức triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thời điểm hiện tại chưa có kết quả nghiên cứu sơ bộ về tổng mức đầu tư, phần vốn góp của nhà nước, chưa rõ về tính khả thi của phương án tài chính dự án; về tiến độ thực hiện, dự kiến khởi công sớm nhất vào khoảng tháng 6 năm 2023.
Do đó, phần vốn nhà nước tham gia dự án PPP sử dụng vốn từ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH (1.100 tỷ đồng) sẽ khó đáp ứng được yêu cầu giải ngân trong 2 năm 2022 và 2023. Đồng thời, theo kết quả nghiên cứu tiền khả thi của dự án PPP trước đây, dự án có mức vốn hỗ trợ nhà nước lớn hơn 50% tổng mức đầu tư nên theo quy định của Luật PPP, dự án xuất hiện tiêu chí là dự án quan trọng quốc gia cần phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Trường hợp thứ hai, triển khai dự án cầu vượt sông Đáy độc lập, Bộ GTVT cho rằng, dự án sẽ được triển khai sớm hơn, theo ý kiến của UBND tỉnh Nam Định việc giải ngân toàn bộ nguồn vốn 1.100 tỷ đồng từ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH trong 2 năm 2022 và 2023 là khả thi.
Đồng thời, việc triển khai dự án đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình thành 2 dự án thành phần độc lập không trái với quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng. Khi đó, mức vốn nhà nước hỗ trợ cho dự án PPP sẽ thấp hơn so với phương án đưa dự án cầu vượt sông Đáy gộp chung vào dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình theo phương thức PPP.
“Trường hợp thực hiện theo phương án này, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh Ninh Bình, Nam Định phải có cam kết bảo đảm khả năng kết nối, vận hành độc lập, phát huy được hiệu quả đầu tư dự án cầu vượt sông Đáy trong trường hợp dự án PPP không khả thi hoặc chưa hoàn thành không đồng bộ; bố trí kịp thời, đầy đủ vốn ngân sách của tỉnh để hoàn thành dự án cầu vượt sông Đáy đáp ứng yêu cầu tiến độ”, Bộ GTVT nêu rõ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.