Đề xuất hàng loạt giải pháp gỡ khó cho xe khách tuyến cố định và bến xe

Tác giả: Đại Thắng

saosaosaosaosao
Vận tải 24/02/2023 15:48

Ngày 24/2, tại Đà Nẵng, Hiệp hội Vận tải ô tô VN, Cục Đường bộ VN phối hợp tổ chức Tọa đàm "Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về vận tải hành khách theo tuyến cố định và bến xe khách". Hàng loạt giải pháp đã được đại diện các doanh nghiệp, nhà quản lý gợi mở, đề xuất.

Đà Nẵng
"Loay hoay" tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xe khách tuyến cố định và bến xe khách - Ảnh 1.

Nhiều tuyến xe khách cố định và bến xe khách đang gặp khó khăn

Xe khách trá hình "bóp chết" xe khách tuyến cố định?

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhìn nhận, hiện nay xe khách tuyến cố định được quản lý chặt, trái lại loại hình xe hợp đồng quản lý khá lỏng lẻo. Thời gian qua, báo chí liên tục phản ánh tình trạng xe dù, bến cóc, "xe hợp đồng trá hình" không được kiểm soát, gây ảnh hưởng đến trật tự kinh doanh vận tải và TTATGT, nhất là tại các đô thị lớn.

"Theo báo cáo từ các hiệp hội thành viên và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, tình hình xe dù, bến cóc đang tiếp tục tái diễn phức tạp, xe hợp đồng trá hình phát triển mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định và các đơn vị kinh doanh bến xe khách.  Sau khi nhận được kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước đã có những chỉ đạo tìm biện pháp quản lý, nhằm lập lại trật tự trong kinh doanh vận tải hành khách và bến xe, nhưng tình hình thực tế vẫn diễn biến rất phức tạp", ông Quyền đặt vấn đề.

"Loay hoay" tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xe khách tuyến cố định và bến xe khách - Ảnh 2.

Tọa đàm "Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về vận tải hành khách theo tuyến cố định và bến xe khách".

Nói về thực trạng hoạt động xe khách hiện nay, ông Đỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thông tin, xe khách tuyến cố định đã và đang dần bỏ bến ra ngoài chạy vòng vo tìm khách, gom khách. Số lượng xe vào bến giảm đáng kể (hiện có khoảng 21.000 xe khách tuyến cố đinh), số lượng hành khách đến bến giảm khoảng 20 - 50% so với trước, nhiều bến xe rơi vào tình trạng khó khăn, nguy cơ phá sản đang hiện hữu.

"Trong khi đó, loại hình xe hợp đồng phát triển mạnh (khoảng 175.000 xe) rất khó kiểm soát, nhất là loại xe limousine. Thực tế, loại xe 16 chỗ ngồi nguyên bản đón khách từ các làng, bản đi khám, chữa bệnh đến tận bệnh viện, chuyên chở học sinh, sinh viên hoặc các đối đến tận nơi cần đến, với số lượng loại phương tiện tham gia vận chuyển hành khách lên đến vài nghìn xe. Để đón khách, những xe này chạy rất sớm, vào khoảng 2-3h sáng nên đường vắng, xe chạy nhanh, ẩu nên nguy cơ TNGT rất cao. Mà vụ TNGT tại Quảng Nam làm 10 người chết là một minh chứng. Qua đó cho thấy thực trạng quản lý, giám sát, xử lý loại xe này còn lỏng lẻo", ông Hoa lo lắng.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Bắc Giang cho biết, tại tỉnh này số lượng xe hợp đồng "trá hình" nhiều gấp 8 lần số lượng xe hoạt động theo tuyến cố định. Những nhà xe trá hình công khai bán vé qua số điện thoại, zalo, facebook… Trước đây chỉ dùng các xe 9 chỗ, 12 chỗ nhưng đến nay xe trá hình thậm chí còn dùng cả xe giường nằm để hoạt động nhưng không bị xử lý triệt để. Loại hình này ngày càng hoạt động mạnh và biến tướng, "bóp chết" xe tuyến cố định.

"Trong hoạt động vận tải, không phải xe hợp đồng nào cũng hoạt động sai quy định, nhưng hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định đều mong muốn có 1 môi trường cạnh tranh lành mạnh", ông Dũng nói.

"Loay hoay" tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xe khách tuyến cố định và bến xe khách - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Bắc Giang

Đổi mới công tác quản lý, khai thác bến xe khách

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bến xe tàu phà Cần Thơ cho hay, tại Cần Thơ, ngoài xe tuyến cố định thì xe hợp đồng trá hình, xe cá nhân không đăng ký kinh doanh chạy hợp đồng khống, xe tuyến cố định bỏ bến ra ngoài chạy hợp đồng trá hình… đã tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho bến xe và các xe tuyến cố định, tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT-ATGT, dễ hình thành nạn bến cóc, xe dù.

Trước thực trạng đó, ông Mạnh đề nghị cần có kế hoạch kiểm tra, xử lý địa điểm bến cóc, xe dù, xe chạy hợp đồng trá hình, xe cá nhân không đăng ký kinh doanh, hoạt động sai quy định, xe tuyến cố định bỏ bến ra hoạt động trá hình...để lập lại kỹ cương, nề nếp, trật tự vận tải, nhằm tạo ổn định cho hoạt động vận tải ô tô tuyến cố định và bến xe khách. Đồng thời đưa xe hợp đồng, xe buýt vào bến xe đón trả khách như tuyến cố định để quản lý, nhằm nâng cao vai trò quản lý, chất lượng phục vụ, môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng.

Từ góc nhìn của một đơn vị kinh doanh vận tải, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng nhìn nhận, với cơ chế quản lý, vận hành, khai thác bến xe như hiện nay thì sẽ gây khó khăn, hạn chế đến việc kinh doanh hoạt động vận tải hành khách của các doanh nghiệp. Các bến xe khách phải đặt mình vào vị trí đơn vị kinh doanh vận tải để tự thay đổi cách làm, cần phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ, áp dụng công nghệ trong công tác quản lý, khai thác bến xe, nhằm đáp ứng được nhu cầu của hoạt động vận tải hành khách.

"Loay hoay" tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xe khách tuyến cố định và bến xe khách - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên Huế

Đồng quan điểm với ông Hải, đại diện các đơn vị chuyên môn Sở GTVT Hà Nội, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế cũng cho rằng các bến xe cần đổi mới công tác quản lý, khai thác, dự đoán được xu thế phát triển hoạt động vận tải để có các giải pháp, cách làm hiệu quả. Đặc biệt, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, khai thác bến xe, nâng cao chất lượng phục vụ đơn vị vận tải, hành khách. Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định cần nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng, quảng bá uy tín, thương hiệu và có chiến lược kinh doanh đáp ứng nhu cầu người dân, hành khách.

Trước những khó khăn, vướng mắc thể chế, quy định pháp luật, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bến xe tàu phà Cần Thơ mong muốn cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Đồng thời, nghiên cứu giải pháp sửa đổi, bổ sung một số điều thực tiễn để đưa vào quản lý, xử lý đến nơi đến chốn các vi phạm, thiết lập trật tự ATGT, trật tự vận tải trên cả nước.

Ông Mạnh đề nghị cơ quan quản lý nhà nước tham mưu, trình Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008. Cụ thể là sửa đổi Điều 83 luật này với nội dung "Bỏ quy định UBND cấp tỉnh quy định giá dịch vụ xe ra, vào bến" để bến xe được kê khai giá theo quy định của Luật Giá như loại hình kê khai giá cước vận tải hành khách.

"Cần xem xét đưa xe hợp đồng, xe buýt vào bến xe đón, trả khách như xe tuyến cố định để quản lý, nâng cao vai trò phục vụ nhân dân, trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, tạo điều kiện cho công tác kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô phát triển văn minh, hiện đại hóa trong lĩnh vực đường bộ, đây là mô hình khép kín liên hoàn, xe hợp đồng có nhà chờ, xe buýt vận chuyển hành khách từ nội ô kết nối với xe tuyến cố định để đi tiếp các tỉnh, thành phố và ngược lại", ông Mạnh đề xuất.

Còn ông Ngô Minh Định, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh Bắc Giang cho rằng, cần sửa đổi Nghị định 10 do chưa bao quát hết các loại hình kinh doanh vận tải và các loại hình phát sinh. Đồng thời, cần phân cấp quản lý về cấp huyện, gắn trách nhiệm trong việc xử lý xe dù, bến cóc, xe khách trá hình.

"Loay hoay" tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xe khách tuyến cố định và bến xe khách - Ảnh 5.

Ông Đỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Ông Đỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất cần có giải pháp hữu hiệu để xác định mức thuế đối với các loại xe hợp đồng; cho phép đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định được khảo sát nhu cầu đi lại, xác định hành trình, vị trí dừng đón trả khách; có chế tài xử lý xe khách tuyến cố định bỏ tuyến chạy trái quy định; có biện pháp khai thác hiệu quả dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera.

Ghi nhận những ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Cục Đường bộ Việt Nam đang tham mưu Bộ GTVT sửa đổi Nghị định 10 và Bộ GTVT sẽ bổ sung vào chương trình văn bản quy phạm pháp luật 6 tháng đầu năm. Sau khi Bộ GTVT ban hành chương trình đó thì Cục Đường bộ Việt Nam đường bộ sẽ có dự thảo dựa trên cơ sở tọa đàm này cũng như góp ý của các Sở GTVT. Trrước mắt đề xuất sửa đổi một số điều khoản trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP về cấp phép tuyến mới, chế tài xử phạt, thời hạn phù hiệu, xe hợp đồng, lệnh vận chuyển, cự ly của tuyến.