Đề xuất tăng phí sử dụng với xe cũ để giảm ô nhiễm môi trường

Tác giả: Theo vnmedia.vn

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 29/03/2019 08:10

Xác định các nguyên nhân gây tăng chi phí Logistics và phát thải khí nhà kính là: xe cũ và tải trọng nhỏ; đường giao thông chất lượng kém; tắc nghẽn giao thông ở các khu đô thị…, Ngân hàng Thế giới kiến nghị hàng loạt chính sách, trong đó có việc tăng phí sử dụng với xe cũ…

 

images2321697_001
Tăng phí với xe cũ để giảm phát thải khí nhà kính

Theo báo cáo Tăng cường ngành Vận tải hàng hóa đường bộ Việt Nam hướng đến giảm chi phí Logistics và phát thải khí nhà kính vừa được Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải công bố sáng 28/3, tỷ lệ phát thải tính theo đầu người ở Việt Nam đã gia tăng trong thập niên vừa qua.

Cụ thể, lượng phát thải đã tăng gần 6 lần, từ 0,3 tấn cacbon dioxit (CO2)/người vào năm 1990 lên 1,51 tấn/người vào năm 2010. Trong khi đó, cũng trong giai đoạn này, mức phat thải của Trung Quốc chỉ tăng 3 lần, Hàn Quốc tăng 2,5 lần và Thái Lan tăng 2 lần.

Vào năm 2017, theo kết quả kiểm kê khí nhà kính thì ngành năng lượng phát thải tổng cộng 151,4 triệu tấn CO2 từ quá trình đốt cháy và sản xuất nhiên liệu. Trong đó, lượng phát thải trong lĩnh vực vận tải là 29,7 triệu tấn CO2e. Trong ngành giao thông vận tải, giao thông đường bộ (hành khách và hàng hóa) chiếm tỷ lệ phát thải cao nhất.

Các yếu tố tác động đến lượng phát thải của các phương tiện cơ giới bao gồm loại xe, trọng tải, thời gian sử dụng và chất lượng xe; loại nhiên liệu và địa hình lưu thông. Nhìn chung, xe cũ thường phát thải nhiều hơn và sử dụng nhiên liệu sạch, có thời gian sử dụng ít hơn sẽ có mức phát thải thấp hơn.

Các yếu tố khác đóng góp vào sự gia tăng mức độ các chất ô nhiễm trong không khí là chất lượng đường kém, quy hoạch và chính sách giao thông chưa hiệu quả và không toàn diện, sử dụng các hình thức giao thông có mức phát thải cao (đường bộ), tình trạng tắc nghẽn giao thông đặc biệt là ở các cụm đô thị như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

“Nếu không thực hiện các biện pháp can thiệp chủ động nhằm giảm thiểu và kiểm soát mức phát thải, các loại khí nhà kính và những tác nhân gây ô nhiễm khác sẽ làm trầm trọng hơn tác động của biến đổi khí hậu lên các hệ sinh thái và cộng đồng dân cư, gây ra thiệt hại đáng kể đến kinh tế và xã hội.” – báo cáo nhấn mạnh.

Từ những nghiên cứu sâu về các yếu tố “đầu vào” của mô hình phát thải khí nhà kính như nhu cầu vận tải, hiệu quả sử dụng nhiên liệu, yếu tố hạ tầng…, Báo cáo phát hiện ra những vấn đề nổi bật đáng chú ý như: Việt Nam có khoảng 80% xe tải dưới 10 tấn trong khi các quốc gia khác có tỷ lệ xe tải hạng năng cao hơn; đội xe cũ làm tăng phát thải khí nhà kính cũng như tăng chi phí do thường xuyên xảy ra hỏng hóc; tình trạng xe chạy không tải chiều về và xe chạy không đủ tải mà mức phát thải khí nhà kính của xe tải gia tăng; thời gian xếp hàng đợi qua trạm thu phí trên đường cao tốc còn lớn, làm giảm tốc độ vận chuyển trung bình của chuyến đi; chất lượng hạ tầng…

“Phát thải khí nhà kính phụ thuộc vào tiêu thụ nhiên liệu, mà điều này lại phụ thuộc vào quãng đường và hiệu quả sử dụng nhiên liệu của xe” – báo cáo nhấn mạnh và kết luận, tại Việt Nam, nguyên nhân chính dẫn đến khí thải nhà kính là do cơ cấu tỷ lệ trong tổng lượng phương tiện vận tải, tỷ lệ xe chạy có tải, kết cấu hạ tầng và thời gian trung chuyển”.

Do vậy, khuyến nghị về chính sách, báo cáo của Ngân hàng Thế giới đề xuất, về kết cấu hạ tầng, cần giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực xung quanh cảng; thúc đẩy việc sử dụng “vận tải containner bằng sà lan” để tăng mức sử dụng vận tải bằng đường thủy nội địa; xúc tiến vận tải ven biển trên tuyến đường Bắc – Nam; tích hợp các trung tâm logistics và trung tâm đô thị hợp nhất trong quy hoạch cảng containner nội địa; ưu tiên nâng cấp kết cấu hạ tầng đường chính.

Báo cáo cũng đề xuất việc thúc đẩy các công ty môi giới để kết nối cung – cầu; tăng cường đầu tư vào phát triển mô hình sàn giao dịch vận tải kỹ thuật số.

Đối với các doanh nghiệp, cùng với việc giới thiệu chương trình hiện đại hóa đội xe vận tải, Báo cáo khuyến nghị cần có chính sách tăng phí sử dụng đường bộ đối với xe cũ; đẩy mạnh quy trình đào tạo lái xe và cấp giấy phép lái xe; cải thiện chất lượng đội xe thông qua chương trình cho vay mua xe dựa trên đánh giá tăng trưởng; xây dựng các hợp tác xã cho chủ phương tiện – đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Đồng thời, Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị cần ra mắt ứng dụng di động giải quyết vấn đề; triển khai hệ thống thu phí điện tử và camera CCTV tại các trạm thu phí.

Dự báo về tác động của các chính sách nói trên, Báo cáo nhấn mạnh, những biện pháp can thiệp bằng chính sách này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy 6 thay đổi then chốt trong lĩnh vực vận tải, và chính những thay đổi này sẽ tác động tích cực trở lại đến các số liệu đầu ra chi như phí vận tải hàng hóa và khí thải.

Theo đó, sẽ giảm lưu lượng vận tải hàng hóa đường bộ; nâng cao tỷ lệ xe chạy có tải; giảm vòng đời của xe; tăng năng suất chuyên chở trung bình của toàn đội xe; giảm thời gian trung chuyển; cải thiện các vấn đề đạo đức và quản trị đội ngũ lái xe… từ đó dẫn đến giảm chi phí vận tải và đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính.

Ý kiến của bạn

Bình luận