Đề xuất tịch thu xe vô thừa nhận quá 30 ngày

Xã hội 14/12/2019 22:13

Bộ Công an đề xuất quá 30 ngày bị tạm giữ mà chủ xe không đến nhận, nhà chức trách có quyền tịch thu, bán đấu giá để sung công quỹ.


B235C900-253D-4C46-BBC0-5F7162A2E6FA.
Hàng nghìn xe máy nằm phơi mưa nắng ở các bãi trông giữ xe vi phạm ở Hà Nội, chưa có người đến nhận. Ảnh: Bá Đô

Trong báo cáo giải trình Thường vụ Quốc hội về việc tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông ngày 12/12, Bộ Công an cho rằng hiện nay việc gia tăng số lượng phương tiện quá thời hạn tạm giữ mà chưa xử lý được dẫn đến tình trạng quá tải ở bãi trông giữ. Trong khi đó việc tạm giữ quá lâu dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện bị hỏng, cũ nát, không sử dụng được gây lãng phí.

Do mức phạt cao hơn giá trị của xe bị tạm giữ, lại phải chịu thêm phí lưu giữ nên nhiều chủ xe đã bỏ lại tài sản. Cả nước hiện còn 137.000 phương tiện tạm giữ tồn đọng, trong đó gần 40.000 xe đã bị hư hỏng. Trong nhiều trường hợp, phương tiện đã được mua, bán qua nhiều chủ sở hữu hoặc mất giấy tờ, phương tiện bị tạm giữ có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên người vi phạm không đến cơ quan chức năng giải quyết việc xử lý vi phạm...

Số phương tiện tồn đọng và hư hỏng lớn nhưng quy định về trình tự, thủ tục tịch thu sung công quỹ nhà nước, bán đấu giá, thanh lý phương tiện bị tạm giữ lại còn nhiều bất cập so với thực tiễn. Quy trình đấu giá và sung công quỹ nhà nước số phương tiện không có người đến nhận, quá trình xác minh mất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu như: xác minh chủ sở hữu phương tiện, giám định, thông báo niêm yết, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai. Nếu người vi phạm không đến nhận, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định. Nhà chức trách tra cứu hồ sơ để xác định phương tiện đó có nằm trong cơ sở vật chứng hay không, định giá, ra quyết định tịch thu, lập phương án xử lý tài sản với từng phương tiện...

Để giải quyết số xe tồn đọng do chủ sở hữu không đến nhận, Bộ Công an đề xuất sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo đó đối với phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt 10 ngày, nếu người vi phạm không tới nộp phạt, cơ quan có thẩm quyền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Khi quá thời hạn 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá phương tiện.

Với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định, cơ quan chức năng cần nhanh chóng trả lại cho người vi phạm hoặc chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp.

Với tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị thấp hoặc không còn giá trị sử dụng mà chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận lại, Bộ Công an đề xuất cần có quy định để rút gọn các thủ tục xử lý tài sản, tránh trường hợp tang vật, phương tiện bị tồn đọng lâu ngày, phát sinh các chi phí trong quản lý, bảo quản...

Tính đến tháng 9/2019, tại công an các đơn vị, địa phương còn tồn đọng 136.989 phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được, gồm 772 ôtô, 134.073 mô tô và 2.144 phương tiện khác. Trong đó, 116.782 phương tiện thuộc sở hữu của cá nhân, 320 phương tiện thuộc sở hữu của tổ chức và 19.887 phương tiện chưa xác định được chủ sở hữu (chiếm 14,5%).

 
Ý kiến của bạn

Bình luận