Theo Cục QLĐB IV cho biết, dự kiến đến 10/8 sẽ hoàn thành việc sửa chữa mặt đường tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương. Các hạng mục thi công bao gồm tăng cường độ nhám, độ bằng phẳng, thoát nước mặt đường và hoàn thiện một số hạng mục ATGT. Việc thực hiện trên tuyến do 2 đơn vị là Công ty CP Đầu tư xây dựng BMT và Công ty TNHH TM và Xây dựng Trung Chính thực hiện.
Khu vực thi công trên tuyến khiến các điểm ùn tắc diễn ra liên tục
Theo ghi nhận của phóng viên, từ cuối tháng 7 đến nay các đơn vị đang tranh thủ thời tiết nắng để thảm mặt đường, do đó khiến nhiều đoạn trên tuyến bị ùn tắc cục bộ. Riêng những ngày cuối tuần trên tuyến luôn thể hiện "báo động đỏ" ùn tắc trên hệ thống chỉ đường của google. Nhiều tài xế đã chọn di chuyển trên quốc lộ 1 thay vì lưu thông lên cao tốc.
Cũng theo Cục QLĐB IV hiện tuyến cao tốc đã mãn tải, trong khi phương tiện lưu thông ngày một tăng cao. Đặc biệt, sau khi dừng thu phí từ đầu năm 2019 lượng xe trên tuyến cao tốc này tăng đột biến. Theo thống kê, lúc cao điểm có trên 51.000 xe/ngày đêm, dẫn đến mặt đường bị hư hỏng. Tình trạng xe chạy vào làn khẩn cấp do ùn ứ, người dân phá rào vào cao tốc bắt xe,… diễn ra thường xuyên.
Sở GTVT TP.HCM cho biết: Đơn vị cũng đã có Đề xuất đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương từ 4 làn xe hiện hữu (chưa bao gồm 2 làn khẩn cấp) lên 8 làn xe nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao, giải quyết bài toán kẹt xe cũng như đồng bộ hóa các dự án hạ tầng trong vùng.
Hiện nay, lượng xe đi các tỉnh Miền Tây qua cao tốc TP.HCM - Trung Lương rất lớn, quy mô đầu tư giai đoạn 1 của tuyến chính và các tuyến nối được tính toán cách đây hơn 10 năm đến nay không đáp ứng với nhu cầu thực tiễn. Tuyến cao tốc thường xuyên kẹt xe, bị ùn ứ, đặc biệt là các dịp cuối tuần, lễ tết. Điều này làm ảnh hưởng đến việc kết nối vùng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND TPHCM xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp cùng các bộ, ngành và các địa phương liên quan để thống nhất kế hoạch, phương án đầu tư mở rộng cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP) và giao cho một địa phương nơi có dự án đi qua làm cơ quan có thẩm quyền.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.