Đến năm 2020 Việt Nam sẽ thừa khoảng trên 70.000 giáo viên các cấp

18/05/2016 05:30

Nhận định của PGS.TS Bùi Văn Quân trong Hội thảo “Đào tạo giáo viên trong trường đại học đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục"

Sẽ thừa nhiều giáo viên

Xung quanh chủ đề này, PGS. TS. Nguyễn Mạnh An, trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) cho rằng, hiện tại cần có cơ chế, chính sách để thu hút được đông đảo các học sinh giỏi vào học các ngành sư phạm tại các trường đại học địa phương.

Theo PGS. An, thực tế, đầu vào của thí sinh  trúng tuyển vào học tập tại các trường đại học địa phương tương đối thấp về mặt chất lượng làm ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra, trong đó có đội ngũ giáo viên;

Điều này cần phải tăng cường hợp tác giữa các trường đại học địa phương với nhau, và hợp tác giữa các trường đại học địa phương với các trường đại học có uy tín.  Thông qua đó phát triển chương trình đào tạo, tăng cường chuyên gia trong đào tạo và hợp tác trong khoa học và công nghệ.

“Các trường đại học địa phương nên có các lớp chất lượng cao về một số ngành mũi nhọn. Đây sẽ là các lớp thu hút được các thí sinh đầu vào có chất lượng; đồng thời tạo cơ chế, điều kiện tốt cho các em sinh viên học tập; dạy bằng chương trình tiếng Anh; đào tạo gắn với sử dụng. 

Bui_Van_Quangiaoducnetvn_2
PGS. Bùi Văn Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô. Ảnh Website nhà trường

Đây là con đường trực tiếp đào tạo được đội ngũ giáo viên có chất lượng (hiện nay, trường ĐH Hồng Đức đang tiến hành đào tạo các lớp chất lượng cao ngành Toán)” PGS. An chia sẻ.

Với những gì đang diễn ra về quá trình đào tạo giáo viên trong các trường đại học đa ngành, PGS.TS. Bùi Văn Quân, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội dự báo, đến năm 2018 số  sinh viên sư phạm ra trường mỗi năm (theo loại hình giáo viên): Tiểu học: 19.200;  THCS: 18.700 và THPT: 23.030. 

Cho dù tăng số học sinh/giảng viên bình quân lên tương đương các nước công nghiệp phát triển, thì tại thời điểm năm 2020 hệ thống cũng không thể tuyển dụng hết số giảng viên mới tốt nghiệp ra trường, vẫn thừa khoảng 41.000 đối với Tiểu học, 12.200 đối với THCS và 16.900 đối với THPT. 

Theo PGS. Quân, cơ cấu mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên, nhất là cơ cấu theo địa bàn lãnh thổ (mỗi tỉnh/thành phố có ít nhất 01 cơ sở đào tạo giáo viên) và phương thức đào tạo giáo viên truyền thống (đào tạo song song) đã hoàn thành vai trò, sứ mệnh lịch sử của nó.

PGS.TS. Bùi Văn Quân thẳng thắn cho rằng, hệ thống đào tạo giáo viên hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế. Điển hình như phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu phát triển giáo viên; 

Mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên phát triển trong tình trạng thiếu ổn định do nhiều trường cao đẳng sư phạm yếu cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên được nâng cấp lên đại học, hoặc đổi tên để mở rộng tuyển sinh đào tạo trình độ đại học các ngành sư phạm và ngoài sư phạm; Chưa có sự phân tầng trong mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên.

“Các cơ sở đào tạo giáo viên chưa gắn kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng nên phát triển thiếu bền vững, năng lực cạnh tranh thấp.

Hầu hết các cơ sở đào tạo giáo viên tập trung chủ yếu vào việc đào tạo mới và đào tạo nâng cao trình độ, chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.

Công tác quản lý hệ thống, các quy định về tiêu chuẩn, quy trình, chuẩn mực quản lý hoạt động đào tạo, cũng như công cụ và cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo sư phạm còn nhiều bất cập; Mô hình/phương thức đào tạo giáo viên chậm được thể chế hóa” PGS. TS. Bùi Văn Quân chia sẻ.

Giải pháp nào?

Giải pháp ở đây, theo PGS.TS. Bùi Văn Quân cần phải thiết kế cơ cấu các cơ sở đào tạo giáo viên dựa trên dự báo nhân lực giáo dục với sự đa dạng các phương án.

Thiết kế cơ cấu mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên phải tính đến cả tình huống của “khủng hoảng thiếu giáo viên” và đảm bảo đáp ứng nhu cầu cơ cấu giáo viên về trình độ đào tạo.

Thiết kế cơ cấu mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên phải chú ý đến tính đa dạng về mô hình/phương thức đào tạo. Mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên phải được phân tầng.

Có một số cơ sở đào tạo giáo viên chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên trình độ cao; Có một số cơ sở đào tạo giáo viên chỉ tồn tại trong quan hệ với một cơ sở đào tạo giáo viên khác ở đẳng cấp cao hơn.

“Các cơ sở đào tạo giáo viên phải là các cơ sở giáo dục khởi xướng, đi tiên phong cho những đổi mới của giáo dục mầm non và phổ thông.

Xác định lại chức năng của trường thực hành sư phạm, đặc biệt là trường thực hành sư phạm thuộc cơ sở đào tạo giáo viên (trường thực hành sư phạm thuộc cơ sở đào tạo giáo viên không thuần túy chỉ là cơ sở thực hành nghề)” PGS.TS. Bùi Văn Quân cho hay.

Chia sẻ thêm, PGS.TS. Bùi Văn Quân  cho rằng, quy trình đào tạo giáo viên phải được thiết kế, tổ chức gắn chặt với thực tiễn đời sống học đường, đảm bảo mối quan hệ mật thiết giữa đào tạo và bồi dưỡng theo quan điểm phát triển liên tục nghề nghiệp giáo viên (phát triển liên tục nghề nghiệp giáo viên là một quá trình bao gồm cả 3 giai đoạn: trước đào tạo nghề giáo viên, đào tạo nghề giáo viên và lao động nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục mầm non hoặc phổ thông).

Còn theo GS. TSKH. Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, giám đốc Học viện Khoa học Công nghệ nhận định, việc giảng dạy gắn với nghiên cứu khoa học đã là xu thế chung. Đại học nghiên cứu phải có vai trò chính trong đào tạo giảng viên vừa có kĩ năng sư phạm vừa có năng lực nghiên cứu khoa học.

Theo nhận định của GS. TSKH. Dương Ngọc Hải, hiện nay, nhận thức tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học trong đào tạo giảng viên chưa đầy đủ. Nguyên nhân một phần là do kinh phí nghiên cứu còn ít và thiếu giảng viên làm nghiên cứu khoa học. Nếu là trường đại học nghiên cứu thì cả 2 vấn đề này có thể được giải quyết.

“Chiến lược phát triển ngành Sư phạm trong mạng lưới các trường đại học cần phải nâng cao để phù hợp với xu hướng chung trên Thế giới của đại học nghiên cứu: Nghiên cứu gắn với giảng dạy và đào tạo” GS. TSKH. Dương Ngọc Hải nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận