Ấn tượng từ buổi gặp gỡ đầu tiên
Mới làm việc ở Tập đoàn Đèo Cả một thời gian nhưng tôi đã được biết đến Tập đoàn Đèo Cả từ tháng 3/2021 khi có cơ duyên được gặp gỡ với Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng trong một sự kiện hợp tác đào tạo giữa Tập đoàn Đèo Cả và Trường Đại học Xây dựng miền Trung tại Phú Yên với chủ đề "Khát vọng - Dấn thân - Chia sẻ".
Được trực tiếp nghe lời chia sẻ của Chủ tịch Hồ Minh Hoàng về Kỷ niệm buổi dâng hương Bác Hồ tại khu di tích Pác Bó, Cao Bằng để tháo gỡ những khó khăn chồng chất khi triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và cầm trên tay cuốn sách "Cẩm nang Quản trị - Điều hành Tập đoàn Đèo Cả" do đích thân Chủ tịch Hồ Minh Hoàng ký tặng, tôi không khỏi thán phục xen lẫn cảm giác tò mò muốn tìm hiểu về Tập đoàn.
Rồi từng trang viết trong cuốn sách "Cẩm nang Quản trị - Điều hành Tập đoàn Đèo Cả" đã dần dần hé mở về một thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ở Việt Nam, được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các nhà đầu tư và cộng đồng xã hội tin tưởng, tôn vinh và người thuyền trưởng - Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng đầy nhiệt huyết, không ngại gian khó, sẵn sàng dấn thân chèo lái con thuyền Đèo Cả không đơn thuần là vì lợi nhuận mà còn là sự tận hiến cho quê hương, đất nước và con người Việt Nam với lý tưởng "Với tôi, đích đến là chân trời phía trước!".
Tôi đã từng đi du lịch Huế - Đà Nẵng nhiều năm, đi qua hầm Hải Vân nhiều lần, rồi vào thăm Phú Yên thường xuyên, qua Hầm Đèo Cả để tới Nha Trang - Khánh Hòa nhưng giờ tôi mới biết đến và được trực tiếp trò chuyện cùng người đào hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân 2 và rất nhiều hầm đường bộ xuyên núi khác như: Cổ Mã, Cù Mông, Phước Tượng - Phú Gia, đó là "Vua hầm đường bộ Việt Nam" hay "Hoàng Đèo Cả"… là cách gọi thân tình mà xã hội dành cho Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng.
Khi trở về Hà Nội, tôi đã dành nhiều thời gian để đọc các bản tin, bài viết về những hoạt động của Tập đoàn Đèo Cả trên trang website "deoca.vn", các bài viết trên báo mạng hay trên các nền tảng mạng xã hội như: Youtube, Facebook "Tập đoàn Đèo Cả", nghe hết 21 ca khúc và 14 ca khúc nhạc video về Tập đoàn.
Nguồn thông tin đồ sộ, sinh động, phong phú, tràn đầy cảm hứng cả về nội dung và hình ảnh đó đã cho tôi hiểu thêm rất nhiều về quá trình thành lập và phát triển, lĩnh vực hoạt động, tầm nhìn, sứ mệnh, những dấu ấn và thành tựu, những đóng góp cho quê hương đất nước, trách nhiệm xã hội, tinh thần vì cộng đồng, văn hóa của Tập đoàn Đèo Cả và Chủ tịch Hồ Minh Hoàng.
Con người và văn hóa là hai thứ không thể vay mượn
Điều ấn tượng thứ nhất đối với tôi là Tập đoàn Đèo Cả đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực và xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Chủ tịch Hồ Minh Hoàng luôn nhấn mạnh: "Để phát triển bền vững, chúng tôi xác định con người và văn hóa là hai thứ không thể vay mượn. Với con người thì phải tự đào tạo, rèn luyện. Với văn hóa thì phải dày công xây dựng".
Tất yếu doanh nghiệp nào cũng đều biết rằng, muốn tồn tại và phát triển cần phải coi trọng đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhưng để từ suy nghĩ đến hành động một cách quyết liệt, mạnh mẽ như ở Tập đoàn Đèo Cả thì "người thuyền trưởng" phải có một tầm nhìn xa và một niềm tin đủ lớn đối với những mục tiêu mà Tập đoàn đang theo đuổi.
Đầu tiên phải kể đến việc Tập đoàn Đèo Cả ký kết hợp tác đào tạo với Trường Đại học Kinh tế quốc dân giai đoạn 2019 - 2023 và đài thọ toàn bộ kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 30 nhân sự lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược hoàn thành chương trình thạc sỹ điều hành cao cấp trong 3 năm.
Nội dung chương trình học được xây dựng theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, giáo án đào tạo được kết hợp giữa lý thuyết quản trị điều hành và thực tiễn hoạt động doanh nghiệp. Tôi đã có cơ hội được mời tham dự một buổi chuyên đề báo cáo môn học của các học viên Tập đoàn có sự tham dự của Chủ tịch Hồ Minh Hoàng.
Dù công việc rất bận rộn nhưng Chủ tịch Hồ Minh Hoàng vẫn dành thời gian để lắng nghe, đánh giá, phản biện, góp ý tìm ra các giải pháp cho các chuyên đề của từng nhóm. Khóa "thực chiến" thứ nhất đã tốt nghiệp với 11 chủ đề lấy từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, xoay quanh phương châm "Quản người - Quản việc - Quản lợi nhuận".
Tập đoàn Đèo Cả và Trường Đại học Kinh tế quốc dân ký kết hợp tác đào tạo giai đoạn 2023-2028 sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng, triển khai và phát triển các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Không chỉ chú trọng cải thiện năng lực quản trị của đội ngũ quản lý, Tập đoàn còn nâng cao năng lực chuyên môn của người lao động bằng việc tổ chức định kỳ hàng năm các chương trình đào tạo tay nghề chuyên môn có cấp chứng chỉ cho những người lao động trực tiếp; xây dựng cơ sở vật chất khang trang, tiện nghi và sạch sẽ tại các dự án phục vụ cho người lao động làm việc, ăn nghỉ; chuẩn bị cho thế hệ lao động tương lai của Tập đoàn bằng việc phối hợp với một số trường đại học tổ chức chương trình đào tạo, thực tập, thực hành tại công trường, dự án cho cả giảng viên và sinh viên.
Việc khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm Huấn luyện thực hành Đèo Cả tại Đà nẵng vào ngày 23/4/2023 và việc thành lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả (DCI) tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 30/9/2023 - kết quả của sự hợp tác giữa Tập đoàn Đèo Cả và Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh với kim chỉ nam "Tri thức tạo Giá trị" - là những minh chứng thêm cho sự chú trọng đầu tư vào chiến lược đào tạo phát triển nguồn nhân lực của Tập đoàn.
Có thể thấy, Tập đoàn Đèo Cả đã tạo được môi trường làm việc tốt cho người lao động. Họ có cơ hội được tham gia nhiều vào công việc, được học tập, đào tạo để phát huy tối đa năng lực, sở trưởng của bản thân, tạo ra kết quả và giá trị của cá nhân cũng như của Tập đoàn.
Với tinh thần "Nghĩ khác biệt, Tạo cách biệt", biết "Định Tâm - Định Hướng - Định Lượng", sử dụng bộ công cụ quản trị "Bốn phép toán đời thường", "Hội đồng quản trị trực tiếp điều hành", "Cặp đôi không hoàn hảo", "Chuyện ba người", tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Tập đoàn Đèo Cả luôn cầu thị để đạt mục tiêu là nhà đầu tư hạ tầng giao thông hàng đầu trong nước và vươn tầm quốc tế, thực hiện cam kết đúng hẹn và sứ mệnh Góp phần mang lại cuộc sống an toàn và sung túc cho con người, đất nước Việt Nam.
Tất cả đều thể hiện những nét văn hóa đặc trưng đã được dày công xây dựng và chứng minh hiệu quả thông qua các dự án, công trình hoàn thành trong suốt 38 năm thành lập và phát triển của Tập đoàn.
Dùng âm nhạc để truyền cảm hứng
Điều ấn tượng thứ hai với tôi là việc dùng âm nhạc phản ánh đời sống và văn hóa của người Đèo Cả. Tôi đã từng làm việc ở một doanh nghiệp tư vấn, xây dựng hơn 10 năm. Công việc thi công, xây dựng thường xuyên đòi hỏi những kỹ sư, cán bộ, công nhân luôn phải dầu dãi nắng mưa, tất bật, hối hả chẳng quản ngày đêm làm việc trên công trường.
Khi được nghe những ca từ, ca khúc viết về những trải nghiệm, hoạt động của Tập đoàn Đèo Cả, tôi thấy dường như đã mềm hóa và xua đi những vất vả, khơi gợi lên tinh thần vượt qua khó khăn, rào cản xen lẫn niềm tự hào của những người làm công việc xây dựng, góp phần kiến tạo nên những công trình mang lại giá trị cho con người, đất nước Việt Nam.
Thật xúc động khi xem video ca khúc "Huyền thoại một cung đường" được ra đời vào tháng 5 năm 2018. Đó là lời tự sự kể lại quá trình Chủ tịch Hồ Minh Hoàng dẫn dắt Tập đoàn Đèo Cả từ những ngày đầu tiên bước chân ra đi chinh phục những ngọn đèo nguy hiểm, tạo dựng thương hiệu Đèo Cả thông qua việc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm quốc gia như: Hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân 2; cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Hữu Nghị - Chi Lăng. Khi đó đã âm ỉ cháy trong tôi khao khát một ngày nào đó sẽ được chung sống trong "mái nhà Đèo Cả".
Và giờ đây, khi đã là một thành viên trong gia đình Đèo Cả, tôi sẽ có cơ hội để sống với "Khát vọng - Dấn thân - Chia sẻ" của Người Đèo Cả.
Thật tự hào - Tôi là Người Đèo Cả!
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.