Hơn 60 năm qua, Nhà trường đã đào tạo trên 50.000 cán bộ có trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học, hàng nghìn thạc sỹ và tiến sỹ, 30.000 sỹ quan hàng hải và thuyền viên cho Ngành; đào tạo lưu học sinh Lào, Campuchia và giúp xây dựng mục tiêu đào tạo cán bộ ngành GTVT nước bạn. Ngày nay, suốt từ Móng Cái đến Mũi Cà Mau và trên các đại dương đều có thể gặp các thế hệ học viên, sinh viên Trường đại Đại học Hàng hải Việt Nam.
Nâng cao chất lượng đào tạo là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Nhà trường. Trường Đại học Hàng hải Việt Nam xác định rõ sứ mệnh của mình là đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ chiến lược phát triển kinh tế biển quốc gia. Hiện nay, Nhà trường đang đào tạo 8 chuyên ngành tiến sỹ, 11 chuyên ngành trình độ thạc sỹ, 41 chuyên ngành đại học, 12 chương trình cao đẳng và dạy nghề… với trên 20.000 học viên và sinh viên, trong đó có nhiều học viên và sinh viên đến từ các nước như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Mozambique, Nigeria, Nam Phi… Với hơn 1.000 cán bộ giảng dạy và nhân viên, trong đó có 43 giáo sư, phó giáo sư; 121 tiến sỹ khoa học, tiến sỹ, 603 thạc sỹ cùng 170 thuyền trưởng, 168 máy trưởng hạng I, hàng trăm sỹ quan quản lý, vận hành và thuyền viên lành nghề, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam ngày nay đã trở thành tổ hợp đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh cùng với hàng trăm phòng thí nghiệm hiện đại, các thiết bị mô phỏng huấn luyện, phòng thực hành, tàu huấn luyện, tàu vận tải và trung tâm nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực hàng hải.
Hội nhập và hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học luôn được Nhà trường đặc biệt quan tâm. Theo NGND. GS. TS. Lương Công Nhớ - Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Hàng hải quốc tế đã bầu Việt Nam làm trưởng vùng châu Á - Thái Bình Dương trong Hiệp hội các trường hàng hải quốc tế trong hai nhiệm kỳ liên tiếp (với sự tham gia của các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Triều Tiên...). Năm 2016, Nhà trường đã đăng cai Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học hàng hải thế giới và Hội nghị Khoa học Hàng hải, qua đây đã tập hợp được gần 600 nhà khoa học của 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cũng tại hội nghị này, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã đưa ra sáng kiến thống nhất chương trình đào tạo của thế giới. Hiện nay, Hiệp hội các trường đại học hàng hải thế giới đang thực hiện tuyên bố Hải Phòng bằng cách thực hiện dự án. Theo đó, dự án xây dựng các chuẩn đầu ra các môn học và đặc biệt là hoàn thành xây dựng chương trình chung cho các trường đại học hàng hải trên thế giới. Hiện tại, Nhà trường đã áp dụng chương trình học của Mỹ vào hai ngành học là Kinh tế hàng hải, Toàn cầu hóa logistics và chuỗi cung ứng. Nhà trường tập trung mũi nhọn đào tạo khoa học công nghệ cho lĩnh vực kinh tế biển và hàng hải, nhằm thực hiện chiến lược quốc gia phát triển hướng ra biển. Vì vậy, mục tiêu của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là trở thành đơn vị đi đầu trong giáo dục đào tạo nước nhà, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Hàng hải.
Bên cạnh đó, Nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Ở thời điểm hiện tại, Đại học Hàng hải Việt Nam là trường duy nhất, đầu tiên trong cả nước có chuẩn giáo viên quốc tế với các tiêu chí như: Phấn đấu giảng viên dưới 35 tuổi phải đạt cấp độ 6 IELTS tiếng Anh. Để làm được điều đó, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã có kế hoạch cử 300 cán bộ giảng viên ra nước ngoài học tập nghiên cứu, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ giảng viên của Trường có bằng tiến sỹ mới được giảng dạy. Đi liền với đó, Trường cũng tạo mọi điều kiện để giảng viên tiếp cận nghiên cứu khoa học thế giới. Trong chiến lược phát triển của Nhà trường có những đề tài hợp tác, liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp lớn trên thế giới. Nhà trường khuyến khích giáo sư 2 năm và phó giáo sư là 3 năm có một bài báo quốc tế. Hàng năm, giảng viên phải có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học uy tín. Để ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học, vào mỗi dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Nhà trường tổ chức trao giải thưởng để vinh danh các nhà khoa học có đóng góp lớn cho khoa học công nghệ hàng hải của đất nước.
Hiện tại, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cũng áp dụng chuẩn quốc tế đầu ra đối với sinh viên. Năm 2012 - năm đầu tiên áp dụng chuẩn đầu ra, Nhà trường chỉ có 50% sinh viên tốt nghiệp đúng hạn. Nhiều người lúc đó lo lắng, áp lực, nhưng Ban Giám hiệu kiên quyết phải khẳng định thương hiệu chất lượng sinh viên tốt nghiệp của Trường. Chất lượng sinh viên phải thực sự đạt yêu cầu thì mới được tốt nghiệp, Trường khẳng định giá trị cốt lõi là “học thật thi thật”, không bằng mọi giá để có chỉ số tốt nghiệp cao. Đến nay, nhiều nước trên thế giới sử dụng nguồn nhân lực của Nhà trường trong lĩnh vực cung ứng thuyền viên quốc tế.
Ngoài việc xây dựng đội ngũ giảng viên chuẩn hóa và sinh viên chuẩn, Nhà trường cũng thay đổi mô hình quản trị trường đại học theo chuẩn quốc tế. Chương trình, nội dung học, cơ sở vật chất được đầu tư, cập nhật công nghệ mới. Nhà trường cũng kết nối sinh viên với doanh nghiệp và người sử dụng lao động để tham gia quá trình đào tạo, với mong muốn tạo ra sản phẩm có chất lượng toàn cầu. Từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam phấn đấu trở thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu khu vực ASEAN trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến kinh tế biển theo lộ trình: Phấn đấu đến năm 2020 là một trong 10 trường đại học hàng đầu Việt Nam; đến năm 2025 đạt trình độ ngang bằng với các trường đại học hàng hải của các nước đang phát triển trong khối ASEAN (Thái Lan, Malaysia…); đến năm 2030 ngang bằng với trình độ của các trường trong khối các trường đại học hàng hải khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga...)
Chuẩn quốc tế đầu ra cho sinh viên NGND. GS. TS. Lương Công Nhớ Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đang áp dụng chuẩn quốc tế đầu ra đối với sinh viên, khi tốt nghiệp sinh viên phải đạt 450 điểm Toefl tiếng Anh. Sinh viên ra trường phải giao tiếp được bằng tiếng Anh, trình độ chuyên môn phải đáp ứng được công việc. Hầu hết các sinh viên tốt nghiệp đều làm chủ được công nghệ hiện đại trên thế giới, có được việc làm và thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu trên, Nhà trường đã thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, chuẩn hóa ngoại ngữ, tin học. Đặc biệt, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là trường duy nhất trên cả nước tính đến thời điểm này đưa ra chuẩn giáo viên là phải có tiêu chuẩn ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.