Học sinh đặt câu hỏi về nghề nghiệp trong buổi tư vấn tại ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: M.N |
Ngay sau khi công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2019, yêu cầu học sinh nữ phải cao từ 1,5 m trở lên mới được thi ngành sư phạm của ĐH Sư phạm TP.HCM nhận được nhiều ý kiến tranh luận.
Chiều 13/2, ông Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng đào tạo, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết quy định về chiều cao đối với thí sinh thi ngành sư phạm là hợp lý và có cơ sở khoa học.
Chiều cao ảnh hưởng nhất định tới nghề giáo viên
- Quy định về chiều cao trong tuyển sinh ngành sư phạm có phải là điểm mới trong đề án tuyển sinh năm nay của ĐH Sư phạm TP.HCM?
- Thông tin về chiều cao như một trong những điều kiện thuộc về sức khỏe của người dự tuyển đã có từ những năm 2008, cũng như vài năm trước đó. Nó được đăng tải trong "Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng", do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành.
Trường rất quan tâm sức khỏe của người dự tuyển, định hướng đào tạo cung cấp nguồn nhân lực trong ngành giáo dục đủ sức khỏe, đủ khả năng thích nghi và có sức bền nghề cao, nên tiêu chí sức khỏe là quan trọng.
Tiêu chí này được nhà trường tiếp tục sử dụng để phục vụ cho việc tuyển sinh một thế hệ giáo viên mới, đủ sức khỏe, đủ khả năng thích nghi và có sức bền nghề nghiệp nhằm đón đầu đòi hỏi của xã hội, mong mỏi của phụ huynh về lớp nhà giáo hiện đại, có sức khỏe, quyết tâm nghề.
- Vì sao ĐH Sư phạm TP.HCM lại đưa ra yêu cầu về chiều cao đối với sinh viên ngành sư phạm, trong khi các trường đào tạo sư phạm khác không có quy định này?
- Thứ nhất, cần khẳng định rõ đây không phải tiêu chuẩn mới của ngành mà chỉ là của đề án tuyển sinh của riêng ĐH Sư phạm TP.HCM. Hơn nữa, chiều cao là vấn đề chi tiết nằm trong những yêu cầu về sức khỏe của đề án tổng thể với rất nhiều yêu cầu về phẩm chất, năng lực khác.
Thứ hai, xem xét trên bình diện chung cả xã hội với những đề án có liên quan như đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng ký ngày 17/6/2016 cho thấy đánh giá sức khỏe trong trường học rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc tham gia thể thao, hay quy định có ít nhất 95% trường tiểu học đảm bảo có kỹ năng giáo dục thể chất, tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa cho thấy yêu cầu sức khỏe rất cần thiết.
Thứ ba, theo quyết định số 1613 của Bộ Y tế ban hành từ năm 1997, sức khỏe loại 3 - loại trung bình ứng với chiều cao nhất định của học sinh, sinh viên. Trong khi đó, theo chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, đến năm 2011-2010, chiều cao người Việt tăng từ 1 cm đến 1,5 cm so với năm 2010... Vì vậy, vấn đề chiều cao cần được xem xét như tiêu chuẩn sức khỏe
Thứ tư, ở thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT, bảng treo ở lớp học cách nền phòng từ 0,65 đến 0,8 m (trường tiểu học) và 0,8 m đến 1 m (trường THCS). Chiều cao của thầy cô giáo có ảnh hưởng nhất định từ phương diện yêu cầu của nghề.
Thứ năm, ĐH Sư phạm TP.HCM là nơi đào tạo giáo viên THPT ở nhiều ngành mũi nhọn cung cấp cho TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam. Việc đảm bảo sức khỏe của giáo viên khi đảm trách công tác dạy học cho học sinh THPT là rất cần thiết, trong đó có vấn đề về chiều cao.
Sẽ cân nhắc cụ thể trường hợp đặc biệt
- Nhiều ý kiến cho rằng việc yêu cầu chiều cao của trường vô hình chung giới hạn cơ hội, ước mơ của nhiều thí sinh và bỏ qua nhân tài của ngành sư phạm. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Chắc chắn, chúng ta cần nhìn nhận trên góc độ chung. Học sinh nào có nhu cầu trở thành sinh viên ngành sư phạm của trường đều được xem xét chi tiết, cũng như đảm bảo tính công bằng. Chúng ta cũng cần nhất quán quan điểm trân quý những nhà giáo đã có đóng góp trước đó cho ngành, dù có khó khăn nhất định về sức khỏe, thể chất.
Nhưng đặt trong bối cảnh mới, cần xem xét đến tính khoa học, hiện đại của nghề và yêu cầu chung trên bình diện hội nhập quốc tế. Cần xem xét tiêu chí trên như yêu cầu tuyển sinh và không suy luận hay giả định có những thí sinh có hoàn cảnh khác, bởi tuyển sinh cần có sức khỏe chung và tiêu chí này cần được xem xét.
- Theo đề án tuyển sinh dự kiến năm 2019 của trường, thí sinh nam phải cao 1,55 m trở lên, nữ từ 1,5 m trở lên mới được đăng ký thi các ngành đào tạo giáo viên. Trường dựa vào đâu để đưa ra giới hạn trên?
- Những số liệu cập nhật cho thấy chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam điều tra từ năm 2009-2010, cận 20 tuổi ở nam đến 1,64 m và ở nữ 1,5m m. Vì thế, chiều cao ở mức 1,5 m với nữ là chấp nhận được. Điều này cho thấy vấn đề chiều cao đặt trong nội dung sức khỏe là khả thi.
Tuy nhiên, xin khẳng định với những trường hợp đặc biệt, đề án của trường vẫn dành sự trân quý với thí sinh, có sự xem xét cụ thể và những biện pháp đảm bảo tính nhân văn, tôn trọng.
Nói khác đi, vấn đề tuyển sinh, chọn nghề, cần dựa trên khả năng tự đánh giá, tự nhận thức, tự hướng nghiệp... Bất kỳ trường hợp nào có nhu cầu, ban tuyển sinh sẽ xem xét công bằng và nghiêm túc, đảm bảo tính nhân văn.
- Hiện tại, tiêu chí chiều cao trong tuyển sinh của ĐH Sư phạm TP.HCM nhận được nhiều ý kiến tranh cãi gay gắt. Ban tuyển sinh của trường có dự định xem xét lại tiêu chí này?
- Đây là dự kiến nên chúng tôi sẽ lắng nghe thông tin và cầu thị xem xét, nghiên cứu. Nhưng chúng ta cần đảm bảo chuẩn chung khác với từng trường hợp.
Hơn nữa, vấn đề quan trọng là chúng tôi cần tuyển những thí sinh thật sự yêu nghề và có khả năng đáp ứng tất cả tiêu chí, chứ không vì rào cản chiều cao để cản trở bất kỳ thí sinh nào. Với các trường hợp đặc biệt, chúng tôi sẽ xem xét nếu thí sinh có nhu cầu, khẳng định được về khả và lòng yêu nghề...
Công tác tuyển sinh sẽ được công bố khi có đề án chính thức của Bộ GD&ĐT. Với dự kiến này, chúng tôi có thể hướng dẫn rõ: Trường hợp đặc biệt khác sẽ được xem xét và tư vấn cụ thể.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.