Đi làm về khuya, sợ nhất qua các ngã tư vì giờ này xe thường hay chạy ẩu. Mãi nhìn đường thì giật thót bởi tiếng gầm rú ở đằng sau. Ngỡ xong rồi thì chiếc mô tô phân khối lớn vụt qua với tốc độ khủng khiếp.
Mất 5 phút mới hoàn hồn trở lại. Nhìn theo rồi cảm thán: “Ra đường bây giờ sao mà nhiều mối nguy hiểm quá”.
Quá “hãi” vì tiếng pô
Cả đêm mất ngủ vì sợ, sáng ra café tâm sự với bạn chuyện đêm qua, ông lắc đầu nói: “Chạy xe nẹt pô, giờ nó cứ nhan nhản ra. Nó cứ tưởng đó là phong cách, là cá tính nhưng hóa ra ý thức tệ lắm”.
Rồi đưa điện thoại cho xem cảnh hỗn loạn trên đường phố bên Mỹ. Hàng trăm người tháo chạy, dẫm đạp lên nhau như có khủng bố. Hóa ra nguyên nhân xuất phát cũng chỉ là một tiếng nẹt pô.
Ở Việt Nam ta thì cũng chuyện nẹt pô này thấy hằng ngày. Từ những chiếc xe máy xăng bình thường cho đến những chiếc mô tô phân khối lớn. Cứ hở có dịp là nẹt pô. Thấy đám đông là nẹt pô, đang chạy hứng chí lên là nẹt pô. Chẳng ra thể thống gì.
Mà có hay ho gì đâu, tiếng pô nghe nhức hết cả tai. Chưa kể nhiều chiếc pô “độ”, âm thanh nghe còn kỳ quặc và kinh khủng hơn. Bản thân chủ xe thích âm thanh của nó nhưng không phải ai cũng thích cả. Thậm chí bản thân họ khi mệt mỏi, mất ngủ hay bị stress, liệu có thể đam mê cái âm thanh đó nữa hay không.
Chưa kể, tác hại của nó gây ra cho mọi người xung quanh rất lớn. Đi đường mãi tập trung quan sát giao thông để lái xe thì giật mình bởi tiếng pô. Lắm người “hãi” quá, mất tay lái té xuống đường chứ chẳng chơi. Nhất là chị em phụ nữ hay những người lớn tuổi.
Hoặc là chuyện của bản thân tối qua như vậy, cứ ngỡ là sẽ bị va chạm rồi. Hoảng loạn đến ngày mai vẫn chưa thực sự tỉnh. Rồi lắm ông muốn nghe pô nổ, ở nhà cứ thoải mái nẹt. Hay các tiệm độ chui, bình thường không “độ”, cứ canh lúc nghỉ trưa để làm vì tránh bị kiểm tra. Tình làng nghĩa xóm cũng theo đó mà bay đi.
Chưa tính các đoàn phượt thủ, xếp hàng dài nẹt pô đi qua gây ồn ào. Thậm chí về đêm, điều này còn tái diễn vì họ thích trải nghiệm không kể giờ giấc. Rồi các anh nhân cơ hội ăn mừng bóng đá, vô tư nẹt pô, đốt lốp. Vì vậy mới có nhiều vụ xung đột liên quan đến vấn đề này. Người đi đường với người nẹt pô như là kẻ thù không chung một con đường.
Văn hóa mô tô hay ý thức tệ hại
Đồng ý xe của anh, anh có quyền sử dụng. Nhưng không phải vì thế mà anh có quyền nẹt pô ầm ĩ ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Nhiều ông còn cho rằng thú chơi xe mô tô là cả một nghệ thuật, văn hóa này nó hình thành lâu đời rồi, chẳng có gì phải nói cả. Đó là cách thể hiện cái “chất” của người đàn ông. Đúng, không sai nhưng vấn đề ở đây là bản thân người chơi xe lại hiểu một cách méo mó.
Văn hóa đâu chẳng thấy chỉ thấy lắm ông nẹt pô để “lấy le” với gái, khoe xe mạnh, chứng tỏ bản lĩnh của đàn ông. Rồi tự tay “độ” lại dàn âm thanh của mình để nó gầm thét mạnh mẽ hơn, phục vụ cho “quái tính” của mình. Không tôn trọng người khác thì lấy đâu ra việc tự nhận mình là người có văn hóa.
Tất nhiên, một bộ phận người chơi xe mô tô chân chính vẫn gìn giữ cái đẹp của nó. Họ mê độ, mê âm thanh nhưng lại biết chỉ nên sử dụng trên các cung đường trường, xa nhà dân. Thoải mái với thú vui tốc độ của mình mà không phiền ai cả.
Mặc dù Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Nhưng việc chấp hành nó lại không mấy ai quan tâm.
Cơ quan chức năng cần phải đưa ra các chế tài nghiêm khắc hơn. Đồng thời tiến hành kiểm tra xử phạt đối với những cơ sở độ “pô” trái phép. Tuy nhiên, đây chỉ là hình thức, cốt lõi vẫn là ý thức và trình độ hiểu biết của người chơi mô tô. Hãy là một người có ứng xử phù hợp khi tham gia giao thông. Đừng gây phiền hà cho người khác.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.